Bệnh tăng huyết áp không chỉ để lại nhiều biến chứng cho các cơ quan trong cơ thể mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến mắt. Bệnh tăng huyết áp võng mạc có thể làm vỡ các mạch máu và chảy máu trong mắt, gây mờ mắt hoặc mù vĩnh viễn.
1. Bệnh tăng huyết áp là gì?
Huyết áp là biểu hiện áp lực máu trong lòng động mạch máu khi tim bơm máu cung cấp cho các mô trong cơ thể. Theo đó, sau một khoảng thời gian, áp lực gia tăng có thể gây tổn thương tim và gây ra đột quỵ.
Hiện nay, bệnh tăng huyết áp khá phổ biến ở nước ta do tuổi thọ cao, tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và có thói quen sử dụng nhiều muối. Theo đó, tình trạng huyết áp cao tác động vào thành động mạch liên tục làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch (xơ cứng động mạch). Bệnh cao huyết áp tiến triển âm thầm trong nhiều năm, người bệnh rất khó phát hiện ra các triệu chứng bởi các biểu hiện của bệnh thường không rõ ràng, thậm chí ở một số người bệnh cao huyết áp không có bất kỳ triệu chứng báo hiệu nào. Do đó, bệnh tăng huyết áp vẫn âm thầm làm tổn thương mạch máu, nhất là não, tim, thận, điển hình là tăng huyết áp võng mạc.
Do diễn biến âm thầm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên việc phát hiện sớm bệnh lý rất quan trọng. Người bệnh có thể tự theo dõi chỉ số huyết áp tại nhà, nếu thấy chỉ số huyết áp tăng có thể đến các trung tâm y tế để thăm khám và nhờ sự tư vấn của các bác sĩ.
Một số triệu chứng bệnh tăng huyết áp có thể dễ dàng nhận biết như sau:
- Đau đầu
- Thở nông
- Chảy máu mũi
- Mặt đỏ
- Chóng mặt
- Đau ngực
- Mắt nhìn mờ
- Tiểu máu
Người bệnh tăng huyết áp có thể thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh nêu trên. Tuy nhiên nếu bệnh tăng huyết áp chuyển biến nặng có thể xuất hiện cơn đột quỵ hoặc đau tim. Vì thế, nhiều các chuyên gia y tế khuyến cáo, mọi người nên thăm khám sức khỏe định kỳ, nhất là các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Theo đó, nếu bạn chỉ đi khám sức khỏe tổng quát mỗi năm 1 lần, hãy nhờ bác sĩ tư vấn về nguy cơ của bệnh tăng huyết áp và các chỉ dẫn khác để theo dõi huyết áp.
2. Nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp
Một số nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp như sau:
- Đường kính động mạch bị hẹp.
- Thể tích máu lớn hơn bình thường.
- Tim đập nhanh và mạnh so với bình thường.
- Do dùng một số thuốc làm tăng huyết áp.
- Người lớn tuổi; béo phì; gia đình có người bị tăng huyết áp; người có khuynh hướng huyết áp cao hơn bình thường:135-139/85-89 mmHg sẽ là những người dễ bị tăng huyết áp.
Ngoài ra, ở một số người sẽ không xác định được nguyên nhân gây bệnh tăng huyết áp (tăng huyết áp vô căn). Bệnh lý này thường gặp ở người từ 40 – 50 tuổi trở lên.
3. Tăng huyết áp ảnh hưởng thế nào tới mắt?
Tăng huyết áp ảnh hưởng đến mắt được chia thành 4 giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn I: Bệnh nhân bị tăng huyết áp kéo dài, chưa xuất hiện triệu chứng nên tim và thận chưa bị ảnh hưởng. Thăm khám đáy mắt thấy có động mạch co nhỏ.
- Giai đoạn II: Chỉ số huyết áp cao hơn, chức năng tim thận hoạt động còn tốt. Ngoài dấu hiệu động mạch võng mạc co nhỏ, ở giai đoạn 2 còn có thêm dấu hiệu bắt chéo động tĩnh mạch mà chỉ có bác sĩ soi đáy mắt mới nhận biết được.
- Giai đoạn III: Chỉ số huyết áp khá cao và kéo dài, lúc này tim và thận đã bị suy giảm chức năng rõ rệt, bệnh nhân sẽ cảm thấy khó thở khi gắng sức. Ở giai đoạn III , đã xuất hiện tổn thương ở não, tim, võng mạc và suy thận. Soi đáy mắt có thể thấy xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc.
- Giai đoạn IV: Giai đoạn này được xem là tăng huyết áp ác tính, chỉ số huyết áp rất cao đi kèm với tổn thương nặng ở não, tim, thận và võng mạc. Khi soi đáy mắt, ngoài các dấu hiệu của giai đoạn III, sẽ có thêm phù gai thị.
Theo đó, các tổn thương ở võng mạc càng ở giai đoạn nặng thì nguy cơ biến chứng tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, tử vong càng cao. Tuy nhiên, nếu tăng huyết áp được kiểm soát tốt thì tổn thương ở võng mạc sẽ hồi phục.
Ngoài những biến chứng gây ra cho tim, não, thận thì bệnh tăng huyết áp còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý võng mạc như: tắc động mạch trung tâm hoặc động mạch nhánh võng mạc, tắc tĩnh mạch trung tâm hoặc tĩnh mạch nhánh võng mạc, phình động mạch võng mạc. Những biến chứng tăng huyết áp võng mạc có thể sẽ dẫn đến các biến chứng trầm trọng khác ở võng mạc như xuất hiện pha lê thể và màng trên võng mạc, xuất hiện tân mạch ở võng mạc. Đặc biệt, ở những người có tiền sử bị mắc bệnh võng mạc do tiểu đường, tăng huyết áp sẽ làm bệnh tiến triển nặng hơn. Phù gai thị kéo dài có thể làm teo thần kinh thị giác, khiến thị lực suy giảm.
Huyết áp là áp lực dòng máu tác động lên thành mạch, khi chỉ số huyết áp tăng cao sẽ làm tổn thương hệ thống mạch máu toàn thân, đặc biệt là các mạch máu nhỏ nuôi dưỡng võng mạc mắt, khiến chúng bị giãn, nứt vỡ, xuất hiện cục máu đông gây ra các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Tắc động mạch trung tâm võng mạc: Ở biến chứng này người bệnh thường có biểu hiện mắt bị mờ đột ngột, thậm chí không thể nhìn thấy một mắt hoàn toàn nhưng không thấy đau mắt hay đỏ mắt. Thời gian vàng để cấp cứu khôi phục thị lực là trong vòng 2 giờ đầu, mức độ cải thiện sẽ giảm dần trong vòng 6 giờ đồng hồ sau đó.
- Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc: Biện chứng này có thể gây phù nề võng mạc khiến thị lực giảm dần trong vài ngày, nhìn như có lớp sương mù trước mắt hoặc có những điểm tối vùng trung tâm. Tùy mức độ bệnh mà thị lực sẽ giảm ít hay nhiều. Vì thế, ngay khi phát hiện có dấu hiệu nhìn mờ hay khó nhìn người bệnh cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín.
- Hiện tượng ruồi bay: Hiện tượng này sẽ tạo cảm giác cho người bệnh thấy rất nhiều đốm đen bay trước mắt. Nguyên nhân là do khi tĩnh mạch võng mạc bị tắc, trên võng mạc có thể xuất hiện những mạch máu mới. Những mạch máu mới này rất dễ vỡ, khi vỡ chúng gây chảy máu ở bên trong mắt tạo nên hiện tượng này.
- Xuất huyết dịch kính: Hiện tượng xuất huyết dịch kính là tình trạng máu tràn vào dịch kính khi mạch máu nứt vỡ làm chắn đường truyền của tia sáng, khiến người bệnh nhìn thấy lớp khói đỏ, màng che màu đỏ di động. Xuất huyết dịch kính có thể hết sau một vài ngày, tuy nhiên cũng có thể phát triển nặng hơn gây đục dịch kính khó điều trị.
- Tổn thương dây thần kinh thị giác: Lượng máu, dịch thoát ra khỏi lòng mạch sẽ gây tổn thương dây thần kinh thị giác khiến người bệnh mất thị lực nhanh chóng và không thể hồi phục.
Để hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm do tăng huyết áp gây ra cho mắt, người bệnh nên tuân thủ theo sự hướng dẫn thăm khám và điều trị của bác sĩ, đồng thời duy trì lối sống cũng như chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Vì những biến chứng nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp gây ra cho mắt cũng như nhiều các cơ quan khác trong cơ thể nên việc theo dõi và kiểm soát huyết áp hằng ngày là việc làm vô cùng cần thiết. Đặc biệt khi bệnh tăng huyết áp thường không có dấu hiệu rõ ràng mà chỉ diễn biến âm thầm phá hủy nhiều các cơ quan trong cơ thể.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán tăng huyết áp