Xác định nhóm máu là rất quan trọng đảm bảo quá trình truyền máu diễn ra được an toàn. Bởi mỗi nhóm máu có những đặc trưng riêng biệt. Ngoài các tiêu chuẩn xét nghiệm để phát hiện và ngăn ngừa các virus lây qua đường máu thì còn cần phải thực hiện đúng nguyên tắc truyền máu.
1. Xác định nhóm máu
Máu người được chia thành nhiều nhóm dựa theo các kháng nguyên riêng biệt có trên bề mặt hồng cầu. Kháng nguyên này lại được quy định bởi gen di truyền từ cha và mẹ. Hiện có khoảng hơn 30 hệ nhóm máu khác nhau, tuy nhiên, hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là rất quan trọng do có tính sinh miễn dịch cực mạnh.
Khi không truyền máu cùng nhóm, kháng thể của người nhận có thể phá hủy kháng nguyên trên hồng cầu trong máu của người cho và gây ra một số tác hại đối với cơ thể. Do đó cần phân loại và xác định nhóm máu để truyền máu phù hợp theo nguyên tắc an toàn miễn dịch, nghĩa là không truyền máu có kháng nguyên tương ứng với kháng thể có ở người nhận.
1.1. Xác định nhóm máu ABO
Nhóm máu ABO gồm có:
- Nhóm máu A: có chứa kháng nguyên A trên các tế bào hồng cầu và kháng thể B trong huyết tương.
- Nhóm máu B: có chứa kháng nguyên B trên các tế bào hồng cầu và kháng thể A trong huyết tương.
- Nhóm máu AB: có chứa cả kháng nguyên A và B trên các tế bào hồng cầu và không có kháng thể trong huyết tương. Đây là nhóm máu không phổ biến.
- Nhóm máu O: không có chứa kháng nguyên A và B trên các tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết tương. Đây là nhóm máu phổ biến nhất.
1.2. Xác định nhóm máu Rh
Hầu hết mọi người có Rh dương tức là có kháng nguyên Rh trên các tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, có một số người lại không có kháng thể Rh và được gọi là Rh âm. Tỷ lệ này rất hiếm.
1.3 Xác định nhóm máu
- Nhóm máu A+: Nếu có kháng nguyên A và kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu A-: Nếu có kháng nguyên A nhưng không có kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu B+: Nếu có kháng nguyên B và kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu B-: Nếu có kháng nguyên B nhưng không có kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu AB-: Nếu có kháng nguyên A và B nhưng không có kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu AB-: nếu có kháng nguyên A và B nhưng không có kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu O+: Nếu không có kháng nguyên A hoặc B nhưng có kháng nguyên Rh.
- Nhóm máu O-: Nếu không có kháng nguyên A, B hoặc kháng nguyên Rh.
2. Truyền máu an toàn
2.1. Nguyên tắc truyền máu
Để đảm bảo truyền máu an toàn phải tuân thủ các nguyên tắc truyền máu sau:
- Truyền máu cùng nhóm để tránh kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau gây ra hiện tượng kết dính (ngưng kết) các hồng cầu với nhau.
- Bên cạnh việc xác định nhóm máu của người cho và người nhận, cần tiến hành làm phản ứng chéo bằng cách trộn hồng cầu của máu người cho với huyết thanh của người nhận, và ngược lại, trộn hồng cầu của máu người nhận với huyết thanh của người cho. Nếu không có hiện tượng ngưng kết hồng cầu xảy ra thì mới được truyền máu đó cho người nhận.
- Nếu không truyền máu cùng nhóm có thể gây ra những phản ứng nghiêm trọng đối với người nhận máu, thậm chí có thể dẫn đến tử vong sau vài ngày.
- Trong trường hợp cấp cứu cần truyền máu mà không có máu cùng nhóm để truyền, cần phải truyền máu khác nhóm thì bắt buộc phải tuân theo nguyên tắc tối thiểu là: "Hồng cầu trong máu của người cho không bị ngưng kết với huyết thanh trong máu của người nhận" và chỉ được truyền một lượng máu ít (khoảng 250ml) với tốc độ truyền máu rất chậm để kịp thời theo dõi.
2.2. Truyền máu cùng nhóm
- Người có nhóm máu A có thể hiến máu an toàn cho người có cùng nhóm máu A, hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu A cũng có thể nhận truyền máu từ người cho có nhóm máu O.
- Người có nhóm máu B có thể hiến máu an toàn cho người có cùng nhóm máu B, hoặc nhóm máu AB. Ngoài ra, người có nhóm máu B cũng có thể nhận truyền máu từ người cho có nhóm máu O.
- Người có nhóm máu O chỉ có thể nhận truyền máu cùng nhóm máu O vì các kháng thể trong huyết tương sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, vì nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên.
- Người có nhóm máu AB có thể nhận tất cả các nhóm máu. Tuy nhiên, vì có cả hai kháng nguyên A và trên tế bào hồng cầu nên người có nhóm máu AB chỉ có thể hiến máu cho người có cùng nhóm máu AB.
3. Điều gì sẽ xảy ra khi bất đồng nhóm máu?
Nếu phải truyền máu thì máu của người cho phải phù hợp, tương thích với máu của người nhận, bởi nếu không truyền máu cùng nhóm có thể xảy ra một số phản ứng sau:
- Trong vòng 24 giờ sau khi truyền máu hoặc trong quá trình truyền máu có thể xảy ra phản ứng truyền máu tán huyết cấp.
- Cảm thấy nóng tại vị trí truyền máu.
- Cảm thấy ớn lạnh, sốt, đau lưng, hai bên sườn,...
- Những phản ứng liên quan đến hầu hết các tán huyết nội mạch.
- Các hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận ngay trong lòng mạch máu.
- Các phản ứng đồng loạt có thể gây ra sốc và dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Do đó, để truyền máu an toàn thì trước khi thực hiện truyền máu, túi máu được chọn phải trùng với nhóm máu ABO và Rh. Sau đó, để chắc chắn không có ngưng kết, trộn một mẫu máu nhỏ của người nhận với một mẫu nhỏ của người cho. Sau một thời gian ngắn, quan sát dưới kính hiển vi nếu thấy không có hiện tượng vón cục thì túi máu đó là an toàn để truyền máu.
4. Xác định nhóm máu ở đâu?
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng là bệnh viện duy nhất tại thành phố Hải Phòng sở hữu máy định nhóm máu tự động hoàn toàn Wadiana rất hiện đại từ Tây Ban Nha, cho phép thực hiện kỹ thuật định nhóm máu hệ ABO/Rh (D) trên máy tự động.
Việc định nhóm máu bằng máy tự động này cho phép hạn chế tối đa các sai sót có thể có so với phương pháp thủ công. Bên cạnh đó, với đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn: Bác sĩ Phạm Thị Thùy Nhung cùng kỹ thuật viên với quy trình xét nghiệm chặt chẽ, nghiêm ngặt, kỷ luật, tuân thủ quy định, giúp bảo đảm độ chính xác một cách tuyệt đối.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.