Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
U bàng quang là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp ở đường tiết niệu. Có nhiều phương pháp chẩn đoán u bàng quang, trong đó, siêu âm là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện, theo dõi và chẩn đoán phân biệt u bàng quang với bệnh lý đường tiết niệu khác.
1. Tổng quan về u bàng quang
U bàng quang là một trong những bệnh lý ung thư thường gặp ở đường tiết niệu. Bệnh thường xuất hiện ở nam giới nhiều hơn nữ giới, trong độ tuổi khoảng từ 50 - 70 tuổi.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), u bàng quang được chia thành các loại sau:
- U biểu mô: Phần lớn u bàng quang phát triển từ các tế bào biểu mô, trong đó đa phần là u biểu mô đường bài tiết - u dạng chuyển tiếp. Ngoài ra, còn có ung thư tế bào vảy - u dạng nhú và ung thư tế bào biểu mô tuyến - u dạng tuyến.
- U không biểu mô: Rất ít trường hợp u bàng quang phát triển từ trung bì, được phân thành hai loại là u cơ trơn và u cơ vân. Đa phần trường hợp u không biểu mô là khối u ác tính có tiên lượng xấu.
Các loại u khác bao gồm một số loại u rất hiếm gặp và các khối u thứ phát xâm lấn hoặc di căn đến bàng quang (ung thư đại tràng, ung thư trực tràng, ung thư tử cung, ung thư tuyến tiền liệt, ...)
Hầu hết các trường hợp u bàng quang khi được phát hiện là đang ở giai đoạn ung thư tại chỗ, một số ít trường hợp phát hiện được khi đã ở giai đoạn di căn.
Có nhiều nguyên nhân gây ung thư bàng quang, trong đó một số yếu tố sau được cho là làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Hoá chất gây bệnh lý ung thư đường tiết niệu.
- Người có thói quen hút thuốc lá.
- Sử dụng loại thuốc ảnh hưởng đến bàng quang.
- Bị sán máng bàng quang.
2. Chẩn đoán u bàng quang
Chẩn đoán u bàng quang dựa vào các triệu chứng lâm sàng và sử dụng một số phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng.
2.1 Triệu chứng lâm sàng của u bàng quang
Các triệu chứng lâm sàng của u bàng quang thường gặp là:
- Tiểu ra máu: Đây là triệu chứng phổ biến và điển hình của bệnh. Đa phần người bệnh tiểu ra máu nhiều toàn bãi nhưng cũng có thể tiểu ra máu cuối bãi. Tiểu ra máu thường tự phát, sau đó có thể hết nhưng tái phát trở lại. Người bệnh có thể bị tiểu ra máu thoảng qua nhưng cũng có thể tiểu ra máu mức độ vi thể.
- Tiểu rắt, tiểu buốt: Bàng quang bị kích thích dẫn đến rối loạn tiểu tiện. Khi thấy thường xuyên tiểu rắt, tiểu buốt cần nghĩ ngay đến u bàng quang.
Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể xuất hiện muộn như đau lưng, đau căng tức vùng hạ vị, dưới rốn, vùng bẹn bìu bị phù nề.
Đa phần các trường hợp u bàng quang xuất hiện triệu chứng để thăm khám lâm sàng là đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, bác sĩ dùng tay sờ trên bụng kết hợp thăm khám đường trực tràng hoặc âm đạo có thể phát hiện được khối u thâm nhiễm ở vùng trên của xương mu. Khi khối u di căn vào lỗ niệu quản có thể khiến thận phình to do bị ứ nước.
2.2 Các phương pháp chẩn đoán u bàng quang
Có nhiều phương pháp được áp dụng để chẩn đoán u bàng quang như:
- Soi bàng quang: Đây là phương pháp quan trọng được thực hiện đầu tiên đối với những bệnh nhân có dấu hiệu tiểu ra máu. Đối với nam giới, để tiến hành kỹ thuật này cần phải thực hiện gây tê tại chỗ. Phương pháp này cho phép phát hiện khối u với các đặc điểm là vị trí, số lượng, kích thước và hình thái.
- Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV): Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh cơ bản cho phép đánh giá hệ tiết niệu. Trong một số trường hợp, phương pháp này cho phép phát hiện u bàng quang ở phần cao của đường bài tiết.
- Siêu âm tiết niệu: Siêu âm được xem là phương pháp hiệu quả cho phép phát hiện khối u ở bàng quang với tỉ lệ chính xác cao. Siêu âm cho thấy khối u với các đặc điểm về số lượng, kích thước cũng như tình trạng thâm nhiễm. Ngoài ra, siêu âm tiết niệu cũng cho thấy các cơ quan khác như tuyến tiền liệt, bể thận, ...
- Xét nghiệm nước tiểu: Đây là phương pháp đơn giản được thực hiện để tìm kiếm tế bào ung thư có trong nước tiểu. Dựa vào có kết quả có thể tiên lượng bệnh.
- Sinh thiết: Kết hợp nội soi bàng quang và sinh thiết lấy tế bào mô để xác định u bàng quang. Tuy nhiên, để thực hiện kỹ thuật này có thể cần phải gây tê vùng hoặc gây tê toàn thân và tổ chức u cần phải lấy sâu xuống bên dưới lớp cơ.
- Chụp cắt lớp vi tính: Phương pháp này được dùng để đánh giá sự xâm lấn hoặc di căn của khối u.
- Chụp xương với thuốc phóng xạ: Kết hợp với siêu âm gan, kỹ thuật này được thực hiện để kiểm tra sự di căn của khối u. Phương pháp này thường được sử dụng để đánh giá trước khi thực hiện phẫu thuật cắt toàn bộ bàng quang.
3. Vai trò của siêu âm trong chẩn đoán u bàng quang
Trong nghiên cứu gần đây, siêu âm được đánh giá là phương pháp chẩn đoán u bàng quang hiệu quả, có tỉ lệ chính xác cao. Siêu âm đóng vai trò phát hiện và theo dõi khối u, cung cấp thông tin về vị trí, số lượng, hình dáng, cũng như tổn thương phối hợp khác. Cụ thể:
- Phân loại khối u: u biểu mô bao gồm u dạng chuyển tiếp, dạng nhú hoặc dạng tuyến; u không biểu mô.
- Đặc điểm và giai đoạn khối u: vị trí, số lượng, kích thước, hình dáng, đường viền, diện tích bám của khối u vào thành bàng quang.
- Phân loại mức độ ác tính của u bàng quang: Từ cao đến thấp.
- Các đặc điểm và bất thường khác: vôi hóa trong khối u, thể thâm nhiễm, tuyến tiền liệt to, thận ứ nước, dịch trong ổ bụng, ....
- Đánh giá tình trạng, mức độ xâm lấn hoặc di căn của tổ chức u.
Ngoài ra, siêu âm cũng đóng vai trò chẩn đoán phân biệt u bàng quang với những bệnh lý khác ở đường tiết niệu:
- Dựa vào đặc điểm không di động, không kèm bóng cản của khối u để chẩn đoán phân biệt u bàng quang với huyết khối và sỏi bàng quang.
- Trong một số trường hợp khó phân biệt u bàng quang và u các cơ quan vùng tiểu khung (nhất là ung thư tuyến tiền liệt) xâm lấn vào bàng quang.
Siêu âm cũng được dùng để theo dõi điều trị u bàng quang bằng phương pháp phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u hoặc phẫu thuật cắt bàng quang toàn phần hoặc bán phần.
Siêu âm đóng vai trò quan trọng trong tầm soát và chẩn đoán u bàng quang, đồng thời giúp theo dõi đánh giá trong và sau điều trị bệnh. Vì thế bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế uy tín, có hệ thống cơ sở vật chất hiện đại để thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.