Vai trò của siêu âm tĩnh mạch chủ dưới trong hồi sức dịch

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Xuân Thiệp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Trong lĩnh vực hồi sức dịch thì việc bù dịch là vô cùng cần thiết để cứu sống tính mạng của bệnh nhân trong những trường hợp sốc nặng, do vậy siêu âm tĩnh mạch chủ dưới được xem là một phương tiện chẩn đoán và hướng đến những nguyên nhân gây sốc nhanh chóng, thuận lợi, dễ thực hiện và an toàn cho bệnh nhân.

1. Tĩnh mạch chủ dưới

Tĩnh mạch chủ dưới là một cấu trúc liên quan mật thiết đế hệ thống tuần hoàn của cơ thể, giữ vai trò là đường dẫn máu trong cơ thể đến tâm nhĩ phải để phục vụ cho những hoạt động sống trong cơ thể. Vị trí của tĩnh mạch chủ dưới là nằm ở sau lớp phúc mạc và phía bên phải của động mạch chủ. Đường kính trung bình của tĩnh mạch chủ dưới là khoảng nhỏ hơn 2.5cm.

Tùy vào mỗi chu kỳ hô hấp khác nhau trong cơ thể mà hoạt động của tĩnh mạch chủ dưới cũng sẽ thay đổi theo. Cụ thể là nếu cơ thể đang ở trạng thái thở tự nhiên theo sinh lý thì tĩnh mạch chủ dưới sẽ có xu hướng giãn ra đối với thì thở ra và co lại đối với thì hít vào. Trong trường hợp bệnh nhân đang có bất cứ một bệnh lý nào trong cơ thể và đòi hỏi phải có hỗ trợ thở máy thì tĩnh mạch chủ dưới thường giãn ra khi hít vào, đồng thời cũng sẽ co lại trong thì thở ra. Trong hồi sức dịch thì việc khảo sát các đặc điểm của tĩnh mạch chủ dưới rất quan trọng để có thể đánh giá được sự đáp ứng bù dịch trên bệnh nhân.

2. Hồi sức dịch

Trong hồi sức dịch, bệnh nhân cải thiện sức khỏe và đáp ứng tốt với truyền dịch đồng nghĩa với việc thể tích nhát bóp của cơ tim cũng sẽ tăng lên trong suốt quá trình truyền dịch. Tuy nhiên, với mỗi bệnh nhân khác nhau thì sự đáp ứng với truyền dịch cũng sẽ khác nhau, có những trường hợp sốc và cơ thể không có bất cứ đáp ứng nào với quá trình bù dịch gây nên một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm như phù phổi cấp, giảm lượng Oxy máu... Những trường hợp bù dịch làm quá tải thể tích dịch cơ thể cũng gây nên rất nhiều nguy cơ cho người bệnh. Vì vậy, để đánh giá được tình trạng bệnh nhân cũng như có những phác đồ hồi sức dịch phù hợp nhất cho bệnh nhân thì cần thực hiện một số biện pháp để dự đoán đáp ứng bù dịch của bệnh nhân đó, từ đó đưa ra được sự bù dịch thích hợp nhất có thể. Một trong những phương pháp hiệu quả nhất và không gây bất cứ xâm lấn nào lên cơ thể người bệnh đó là siêu âm theo dõi huyết động của bệnh nhân, và siêu âm tĩnh mạch chủ dưới cho ra những thông số vô cùng cần thiết để đánh giá được thể tích tuần hoàn của bệnh nhân.


Với mỗi bệnh nhân khác nhau thì sự đáp ứng với truyền dịch cũng sẽ khác nhau
Với mỗi bệnh nhân khác nhau thì sự đáp ứng với truyền dịch cũng sẽ khác nhau

3. Siêu âm tĩnh mạch chủ dưới

Siêu âm tĩnh mạch chủ dưới trong hồi sức dịch đóng vai trò thiết yếu để dự đoán vấn đề đáp ứng bù dịch trên bệnh nhân, trong đó đánh giá đường kính tĩnh mạch chủ dưới qua siêu âm là quan trọng nhất và tin cậy nhất để các bác sĩ có thể đưa ra được phác đồ truyền dịch hiệu quả.

Đường kính tĩnh mạch chủ dưới được đo thông qua siêu âm, ở vị trí cách bờ của tâm nhĩ khoảng 2cm – 3cm đối với mặt cắt dọc trong 1 chu kỳ thở của bệnh nhân, đo đường kính ở cả thì hít vào gọi là IVCi và thì thở ra là IVCe. Đường kính tối đa tĩnh mạch chủ dưới có giá trị cao trong tiên đoán hiệu quả bù dịch là vì nó tương ứng và liên quan đến nhiều yếu tố sức khỏe của từng bệnh nhân riêng biệt, ví dụ như với bệnh nhân là vận động viên thì chỉ số này sẽ lớn hơn so với bình thường. Kết quả siêu âm tĩnh mạch chủ dưới cũng khác nhau với bệnh nhân thở tự nhiên và bệnh nhân có thở máy hỗ trợ. Với bệnh nhân thở tự nhiên thì đường kính tĩnh mạch chủ dưới thay đổi khi thở ra và hít vào, nói lên tình trạng áp suất của tâm nhĩ phải lúc này. Trong trường hợp bệnh nhân thở máy thì đường kính tĩnh mạch chủ dưới cũng sẽ thay đổi, liên quan đến sự đáp ứng bù dịch.

Bên cạnh đó, một vài thông số siêu âm tĩnh mạch chủ dưới khác cũng rất quan trọng và hữu ích đối với hồi sức dịch đó là hình dạng tĩnh mạch chủ dưới, chỉ số xẹp tĩnh mạch chủ dưới hay còn gọi là chỉ số co giãn tĩnh mạch chủ dưới.

Đối với chỉ số co giãn tĩnh mạch chủ dưới được đo bằng cách:

Để có thể đo được chỉ số này thì bệnh nhân cần thực hiện nằm ngửa, siêu âm sử dụng mặt cắt ngang dưới xương sườn với 4 buồn dưới sườn đồng thời đầu dò phát sóng siêu âm được xoay 1 góc 90° ngược chiều kim đồng hồ. Lúc này tiến hành đo đường kính tĩnh mạch chủ dưới cách khoảng 2cm – 3cm so với tâm nhĩ phải ở thì thở ra và thì hít vào. Dựa vào kết quả đo chỉ số co giãn tĩnh mạch chủ dưới này thì có thể phát hiện ra một số tình trạng bệnh lý tuần hoàn như thông khí áp lực dương hoặc tình trạng tắc nghẽn hạ lưu nếu chỉ số này giảm đi so với giá trị bình thường.

Khi đánh giá một bệnh nhân sốc thì việc siêu âm tĩnh mạch chủ dưới cần được thực hiện với mục đích khảo sát cả 3 vấn đề chính bao gồm đường kính tĩnh mạch chủ dưới, chỉ số co giãn tĩnh mạch chủ dưới và hình dạng tĩnh mạch chủ dưới để có thể đánh giá tình trạng bệnh nhân và khả năng đáp ứng truyền dịch của bệnh nhân một cách đầy đủ và tổng quát nhất. Nếu chỉ đánh giá 1 trong 3 yếu tố trên thì sẽ không đủ tính chính xác và tin cậy để thực hiện hồi sức dịch cho bệnh nhân một cách hiệu quả nhất. Sau khi có những thông tin tham khảo này thì việc đưa ra phác đồ bù dịch và áp dụng trên bệnh nhân cũng cần được theo dõi sát sao sau đó để có thể thay đổi phác đồ sao cho mục tiêu cuối cùng là bệnh nhân được hồi phục nhanh nhất có thể.


Siêu âm tĩnh mạch chủ dưới trong hồi sức dịch đóng vai trò thiết yếu để dự đoán vấn đề đáp ứng bù dịch trên bệnh nhân
Siêu âm tĩnh mạch chủ dưới trong hồi sức dịch đóng vai trò thiết yếu để dự đoán vấn đề đáp ứng bù dịch trên bệnh nhân

4. Kết luận

Siêu âm tĩnh mạch chủ dưới là một thao tác cần thiết trong công tác bù dịch, hồi sức dịch với những bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị ở khoa hồi sức tích cực tại các cơ sở y tế. Vì vậy, những thông số quan trọng trong phương pháp siêu âm này cần được đánh giá đúng cách và đầy đủ để đưa ra những nhận định cần thiết cho việc bù dịch cho những bệnh nhân này.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe