Đánh giá thuyên tắc phổi bằng cách nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Đức đã có hơn 17 năm kinh nghiệm về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Thuyên tắc phổi là bệnh cần chẩn đoán và điều trị nhanh chóng nhằm hạn chế nguy cơ tử vong. Để chẩn đoán xác định, bên cạnh nhận định lâm sàng, các xét nghiệm hỗ trợ như siêu âm, X-Quang, CT, xạ hình phổi cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

1. Thuyên tắc phổi là gì?

Đông máu là nguyên nhân làm hình thành các cục máu đông gây thuyên tắc phổi. Thực chất, đông máu là một hình thức bảo vệ cơ thể khỏi mất nhiều máu khi bị thương. Tuy nhiên, một số trường hợp xảy ra đông máu bất thường ở các mạch máu mà thường gặp nhất là huyết khối tĩnh mạch sâu. Khi cục máu đông vỡ ra và di chuyển tự do trong mạch máu, nó có nguy cơ gây ra hiện tượng tắc mạch máu.

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông bị vỡ, di chuyển trong lòng mạch và bị kẹt lại ở các mạch máu nhỏ ở phổi. Ngoài máu, một số chất khác cũng có khả năng gây tắc mạch phổi như chất béo, collagen, các loại mô tế bào khác và bọt khí.

Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạch và gây tổn thương không hồi phục ở phổi. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào kích thước của vùng mạch bị tắc và số lượng mạch bị tắc, chức năng tim và phổi ban đầu của người bệnh.

Khoảng một nửa số bệnh nhân bị thuyên tắc phổi không có triệu chứng. Triệu chứng thuyên tắc phổi xảy ra trên các đối tượng còn lại với biểu hiện:

  • Khó thở hoặc hơi thở ngắn
  • Đau ngực, đặc biệt là đau nhói khi thở sâu
  • Ho hoặc ho ra máu
  • Sưng, đau hoặc tím tái chân
  • Nhịp tim không đều hoặc nhanh và/hoặc mạnh
  • Chóng mặt và choáng váng

Một số bệnh tật và phương pháp điều trị làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và thuyên tắc phổi bao gồm:

  • Ung thư
  • Tiền sử bản thân hoặc gia đình bị huyết khối tĩnh mạch hoặc thuyên tắc phổi
  • Bệnh tim mạch
  • Gãy xương hông, chân hoặc các chấn thương khác
  • Phẫu thuật
  • Không vận động do phẫu thuật, chấn thương, nằm liệt giường, ngồi lâu (đi xe hoặc máy bay trong thời gian dài) hoặc tê liệt
  • Hút thuốc lá
  • Một số loại thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone hoặc Tamoxifen
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú
  • Tuổi cao
  • Bệnh béo phì.

Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông bị vỡ, di chuyển trong lòng mạch và bị kẹt lại ở các mạch máu nhỏ ở phổi
Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông bị vỡ, di chuyển trong lòng mạch và bị kẹt lại ở các mạch máu nhỏ ở phổi

2. Làm thế nào để chẩn đoán thuyên tắc phổi?

Ngoài khai thác tiền sử bệnh, hỏi bệnh và thực hiện các kiểm tra đánh giá lâm sàng khác. Người bệnh còn được yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán thuyên tắc phổi:

  • Xét nghiệm máu
  • X-quang ngực
  • Điện tâm đồ
  • Siêu âm tĩnh mạch: Siêu âm tĩnh mạch sử dụng sóng âm giúp mạch máu được hiển thị trên màn hình máy tính để tìm kiếm cục máu đông. Trong chẩn đoán thuyên tắc phổi, người bệnh được siêu âm Doppler. Đây là một kỹ thuật đặc biệt nhằm quan sát và đánh giá lưu lượng máu qua các động mạch và tĩnh mạch. Nếu siêu âm không tìm thấy cục máu đông, các kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh khác sẽ được bổ sung.
  • Chụp CT động mạch phổi: Chụp CT mạch máu sử dụng tia X và chất cản quang có chứa iốt để tạo ra hình ảnh của ngực làm nổi bật các mạch máu trong ngực và phổi.
  • Xạ hình phổi V/Q: Xạ hình phổi V/Q sử dụng một lượng nhỏ chất phóng xạ và một camera đặc biệt nhằm quan sát dòng chảy của máu và luồng không khí trong phổi.

X-quang ngực chẩn đoán thuyên tắc phổi
X-quang ngực chẩn đoán thuyên tắc phổi

3. Điều trị thuyên tắc phổi bằng cách nào?

Các biện pháp điều trị thuyên tắc phổi chủ yếu tập trung vào việc ngăn cản tăng kích thước cục máu đông, ngăn ngừa cục máu đông di chuyển đến phổi và ngăn ngừa cục máu đông mới hình thành.

  • Thuốc chống đông máu: Thuốc chống đông máu giúp ngăn ngừa tăng kích thước cục máu đông và hình thành cục máu đông mới. Đây là phương pháp chính được sử dụng trong điều trị thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu. Tuy nhiên, thuốc làm tăng nguy cơ chảy máu, nên được chống chỉ định với một số đối tượng.
  • Đặt filter lọc máu tĩnh mạch chủ dưới: Bộ lọc IVC là một thiết bị kim loại nhỏ được đặt trong tĩnh mạch chủ dưới hoặc IVC. Bộ lọc giúp ngăn các cục máu đông lớn hoặc các cục máu đông từ nửa dưới của cơ thể di chuyển đến tim và phổi. Thủ thuật này được sử dụng ở những bệnh nhân không đáp ứng hoặc chống chỉ định sử dụng thuốc chống đông máu.
  • Thuốc tiêu sợi huyết: Thuốc tiêu sợi huyết được sử dụng với mục đích hòa tan hoặc phá vỡ các cục máu đông đang gây ra các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng trong cơ thể. Loại thuốc này thường chỉ được sử dụng trong các tình huống đe dọa tính mạng.
  • Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm: Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm giúp loại bỏ hoặc làm tan các cục máu đông bất thường trong mạch máu nhằm cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa tổn thương các mô cơ quan. Sau khi ống thông được đưa vào mạch máu qua vết mổ trên da và tiến đến vị trí tắc nghẽn, thuốc hoặc thiết bị cơ học được đưa qua ống để phá vỡ hoặc loại bỏ cục máu đông. Điều này chỉ được thực hiện trên những bệnh nhân bị biến chứng nghiêm trọng liên quan đến thuyên tắc phổi.

Thuyên tắc phổi là tình trạng nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng. Vì thế việc chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh là cần thiết để bác sĩ có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.


Thuốc chống đông máu được sử dụng trong điều trị thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu
Thuốc chống đông máu được sử dụng trong điều trị thuyên tắc phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: adiologyinfo.org

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe