Ngành Âm ngữ trị liệu tại Việt nam đang ngày càng phát triển và chứng tỏ là lĩnh vực không thể thiếu nhằm khắc phục các khó khăn cho trẻ đặc biệt, bao gồm: trẻ tự kỷ, bại não, ADHD, chậm nói, chậm phát triển, khiếm thính hay nói ngọng, nói lắp..., giúp các em tăng cường khả năng giao tiếp và phát triển ngôn ngữ thông qua các giờ học vui vẻ, thú vị.
Dựa trên các nấc thang của tháp giao tiếp, trẻ sẽ được đánh giá về mức độ giao tiếp và sử dụng ngôn ngữ bao gồm các mặt: ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp, ngữ dụng... và các khó khăn liên quan, từ đó xây dựng mục tiêu học tập phù hợp cho từng cá nhân, với các nội dung chính:
1. Liệu pháp PROMPT
Theo thống kê, khoảng 65% trẻ tự kỷ mắc Apraxia (Mất dùng lời nói chủ ý ở trẻ em) - một rối loạn ngôn ngữ vận động. Trẻ em bị mất dùng lời chủ ý gặp khó khăn khi nói các âm, âm tiết và từ. Điều này không phải do yếu cơ hay bại liệt, mà do não có vấn đề lập kế hoạch cử động các bộ phận cơ thể cần thiết để tạo ra lời nói (như môi, hàm lưỡi...) ASHA 2016
Liệu pháp PROMPT-Tái cấu trúc cơ miệng dựa trên những nghiên cứu chuyên sâu về cách thức tạo ra âm thanh lời nói, cấu tạo các bộ máy tham gia vào hệ tạo âm đã hỗ trợ hiệu quả trong việc điều trị các dạng rối loạn ngôn ngữ, đặc biệt là khi các nhà âm ngữ trị liệu tiên phong đã thiết lập thành công bản đồ âm vị tiếng Việt.
2. AAC hỗ trợ cho trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp
Giao tiếp là nhu cầu bản năng của mỗi con người và mỗi trẻ đều có quyền được giao tiếp. Suy giảm khả năng giao tiếp là biểu hiện rõ ràng của bệnh tự kỷ, gây khó khăn lớn trong cuộc sống và trong việc học tập các kỹ năng cần thiết của trẻ. Đây cũng luôn là mục tiêu hàng đầu trong các chương trình can thiệp. Không có lời nói, giảm tương tác...trẻ tự kỷ sẽ làm thế nào để bộc lộ nhu cầu, chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc bản thân? AAC – giao tiếp đa phương tiện chính là công cụ đắc lực nhất giúp trẻ thiết lập lại quá trình giao tiếp, đặc biệt là PECS.
PECS (Pictures Exchange Communication System) là hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh của hai tác giả là Andy Bondy và Lori A.Frost (Mỹ) được nêu ra và áp dụng tại Mỹ từ năm 1994. Trẻ tự kỷ chưa có ngôn ngữ hoặc gặp nhiều khó khăn về ngôn ngữ sẽ sử dụng hình ảnh để yêu cầu, diễn đạt mong muốn, suy nghĩ và để hiểu các thông điệp giao tiếp của người khác.
Có một mối liên quan giữa chỉ số IQ và các công cụ giao tiếp. Điều này lý giải tại sao trẻ tự kỷ có khả năng học giao tiếp thông qua tranh, ảnh, các biểu tượng tốt hơn. AAC hoặc PECS không trực tiếp tạo ra lời nói nhưng lại phát triển các kỹ năng cần thiết cho việc học nói là: chú ý, chủ động khởi xướng, bắt chước, luân phiên...
3. Phát triển vốn tự vựng cốt lõi và tăng cường tính chủ động trong giao tiếp
Tại đây, chúng tôi ứng dụng các phương pháp và chương trình phát triển ngôn ngữ của Hanen trong các tiết học cho trẻ đặc biệt. Hanen là tổ chức hàng đầu thế giới trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ cho trẻ em, với các chương trình như: Learning language and Loving it, Talk Abity, ABC and Beyond...Trẻ sẽ được học ngôn ngữ qua các phương pháp, chiến lược cụ thể nhằm tăng cường khả năng nghe hiểu, diễn đạt, hội thoại và được cung cấp các kỹ năng cơ bản tiền đọc viết.
4. Trị liệu ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính có sử dụng thiết bị hỗ trợ nghe
Trẻ khiếm thính có sử dụng thiết bị trợ giúp nghe cần được trị liệu ngôn ngữ với sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trị liệu – gia đình – chuyên gia thính học. Và phương pháp AVT (auditory verbal therapy) đã cho thấy được hiệu quả tối ưu trong trị liệu ngôn ngữ trẻ khiếm thính sau đeo máy trợ thính hoặc cấy điện cực ốc tai. Khi nhà trị liệu ngôn ngữ có kiến thức về thính học: thính lực đồ, chương trình map của thiết bị nghe, chúng tôi sẽ hỗ trợ phụ huynh kết nối với chuyên gia thính học một cách hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.