Bài viết của Chuyên viên âm nhạc trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Theo cẩm nang thống kê và chẩn bệnh tâm thần, hiệu đính lần thứ 5 (DSM- 5), định nghĩa khiếm khuyết về kỹ năng xã hội của trẻ tự kỷ là “Sự vô cảm, không biết rung động, chia sẻ tình cảm, sở thích của mình với người khác, không thể bắt chuyện, nhập chuyện và cách đối đáp trong giao tiếp xã hội rất khác thường”.
Trẻ tự kỷ luôn biểu hiện “Những khiếm khuyết về kỹ năng xã hội qua sự bày tỏ cử chỉ, hành vi, qua cách dùng lời và không dùng lời, bằng sự giao tiếp bằng mắt và không thể hiểu hay diễn đạt bằng điệu bộ, không biết bày tỏ cảm xúc trên nét mặt, gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kết bạn và duy trì tình bạn, ngoại trừ cha mẹ và những người chăm sóc khác. Không thể thay đổi hành vi theo sự đòi hỏi của mọi người... thiếu khả năng chơi giả vờ và không có hứng thú sinh hoạt chung theo nhóm...” [1]
1. Kỹ năng xã hội là gì?
Kỹ năng xã hội là những kỹ năng chúng ta sử dụng hàng ngày để tương tác và giao tiếp với người khác. Chúng bao gồm giao tiếp bằng lời nói và phi ngôn ngữ (lời nói, cử chỉ, nét mặt và ngôn ngữ cơ thể).
Một người có kỹ năng xã hội mạnh mẽ nếu họ có kiến thức về cách ứng xử trong các tình huống xã hội và hiểu cả các quy tắc bằng văn bản và ngụ ý khi giao tiếp với người khác. Trẻ em được chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ (ASD), Rối loạn phát triển lan tỏa và Asperger gặp khó khăn với các kỹ năng xã hội. [2]
Năm 1973, Hiệp hội trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ ở Mỹ đã được thành lập mang tên American Music Therapy Association (AMTA) với mục đích khắc phục các khiếm khuyết, khó khăn của trẻ tự kỷ. Nhiều nghiên cứu phát hiện rằng trẻ em và người lớn mắc chứng tự kỷ đáp ứng tốt với âm nhạc.
Âm nhạc lôi cuốn trẻ tự kỷ, đưa trẻ đến thế giới xúc cảm, tình cảm mà điều này đang gây khó khăn cho trẻ tự kỷ. Âm nhạc có thể thâm nhập vào thế giới cảm xúc, đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ tự kỷ không hề biết. [3]
Âm nhạc mang đến nhiều lợi ích để hỗ trẻ trẻ rối loạn phổ tự kỷ, đặc biệt với bài viết “Vai trò của trị liệu âm nhạc đối với trẻ tự kỷ” được đăng trên Tạp chí Giáo dục Số Đặc Biệt (Tháng 9/2016), tác giả Nguyễn Thị Hạnh đã đưa ra những nghiên cứu có hiệu quả của việc:
+ Âm nhạc giúp trẻ tự kỷ nâng cao khả năng giao tiếp và phát triển kỹ năng xã hội.
+ Âm nhạc giúp trẻ tự kỷ giảm thiểu hành vi bất thường và tăng hành vi mong muốn.
+ Âm nhạc có thể làm giảm sự lo lắng, bất an và giúp trẻ tự kỷ bình tâm trở lại
+ Âm nhạc mang đến niềm vui cho trẻ tự kỷ [3]
Trong các chương trình can thiệp chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ, âm nhạc cũng chiếm một vị trí quan trọng đặc biệt là các chương trình về tương tác xã hội và giao tiếp như “Nhiều hơn lời nói” của Fern Sussman, “RDI cho trẻ nhỏ” của Steven E.Gutstein và Rachelle K.Sheely, “Giao tiếp phải có hai người” của Ayala Manolson... Âm nhạc mang lại ý nghĩa và có vai trò không nhỏ trong việc tiếp cận và can thiệp nhằm khắc phục khó khăn cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ.
2. Tác dụng của âm nhạc trị liệu với việc phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới xúc cảm, tình cảm, phá bỏ bức tường ngăn cách trẻ rối loạn phổ tự kỷ với thế giới bên ngoài. Thế giới xúc cảm, tình cảm được cho là lạ lùng của trẻ rối loạn phổ tự kỷ nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề hay biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự [3].
Từ khi còn nằm trong nôi, các em bé đã được tiếp xúc với âm nhạc thông qua những bài hát ru đưa em vào giấc ngủ. Âm nhạc không chỉ bắt đầu từ những tiếng ầu ơ của bà, của mẹ mà nó còn hiện hữu trong tiếng trống hội của những ngày lễ tết, của những trò chơi dân gian, những bài hát thiếu nhi, điệu lý, câu hò, trong ca dao dân ca của từng vùng miền...
Âm nhạc gắn liền với sinh hoạt hằng ngày, nó là sợi dây không chỉ gắn kết con trẻ, nó còn là phương tiện giải trí của con người. Nó gần gũi, thân thiện và là cách để trao đổi cảm xúc, tình cảm giữa người với người.
Theo Don Campbell - Nhà giáo dục nổi tiếng thế giới và là tác giả cuốn sách “Tác dụng của nhạc Mozart đối với trẻ em” thì âm nhạc giúp phát triển trí tuệ, khả năng hợp tác và các kỹ năng giao tiếp xã hội. [4]
Âm nhạc mang tính cộng đồng rất lớn, thông qua việc sử dụng các phương thức thể hiện âm nhạc như ca hát, chơi nhạc cụ, vận động theo nhạc, nghe nhạc, xem biểu diễn... Âm nhạc như một sợi dây vô hình giúp trẻ có cơ hội để tiếp xúc và tương tác với mọi người, để trẻ cảm nhận và thể hiện cảm xúc của mình với thế giới.
Âm nhạc gần gũi, thân thuộc, dễ tìm thấy ở bất cứ đâu trong cuộc sống, âm nhạc không phân biệt chủng tộc, tuổi tác, giới tính.... Chính vì thế, sử dụng âm nhạc đúng cách giúp trẻ tự kỷ dễ dàng được hòa nhập và phát triển kỹ năng tương tác xã hội một cách tự nhiên thông qua các hoạt động tập thể, hội, nhóm.
Đơn nguyên Tâm lý giáo dục – Tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là đơn vị tiên phong áp dụng các phương pháp khoa học và nghệ thuật đánh giá và trị liệu trẻ tự kỷ, mang lại hiệu quả cao.
Các lĩnh vực can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại Vinmec:
- Tâm thần nhi
- Tâm lý lâm sàng - tâm lý giáo dục
- Giáo dục đặc biệt
- Ngôn ngữ trị liệu
- Thiền – yoga trị liệu
- Âm nhạc trị liệu
- Mỹ thuật trị liệu
Các Bác sĩ, chuyên viên trị liệu và giáo viên tại Trung tâm được đào tạo tại ở các trường uy tín: Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện quản lý giáo dục... đồng thời thường xuyên học tập nâng cao tay nghề thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong và ngoài nước với các chuyên gia hàng đầu từ Mỹ, Úc, Ấn Độ, Ý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
- APA. DSM – 5 (2013)
- Connor M. (2002). Promoting social skills among children with autissm. http://www. Mugsy.org/connor38.htm
- Nguyễn Thị Hoàng Yến (2013), Tự kỷ - những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm.
- http://www.pps.vn.index.php/thu-vien/tu-lieu/item/228