Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đỗ Thị Hoàng Hà - Bác sĩ Xét nghiệm hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Định lượng glucose trong nước tiểu là một xét nghiệm được sử dụng để xác định xem có sự hiện diện của glucose trong nước tiểu hay không, nhờ vậy mà bác sĩ có thể biết được bạn có thể mắc bệnh đái tháo đường hoặc có thể do các nguyên nhân khác làm cơ thể không dung nạp glucose. Vai trò của xét nghiệm định lượng glucose trong nước tiểu cũng cần thiết trong công tác hỗ trợ chẩn đoán cũng như đáp ứng điều trị.
1. Xét nghiệm glucose trong nước tiểu
Xét nghiệm glucose nước tiểu là cách nhanh chóng và đơn giản để kiểm tra sự xuất hiện một nồng độ cao bất thường của glucose trong nước tiểu. Glucose là một loại nguyên liệu cơ thể cần và sử dụng để tạo năng lượng và là nguồn năng lượng quan trọng nhất trong quá trình hô hấp tế bào. Cơ thể chuyển đổi các carbohydrate do thức ăn cung cấp (nguồn glucose ngoại sinh) hoặc chuyển đổi glycogen dự trữ ở gan (nguồn glucose nội sinh) thành glucose sau đó tạo thành năng lượng.
Có quá nhiều glucose trong cơ thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe. Nếu bạn không được điều trị và glucose vẫn ở mức cao, cơ thể có thể xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng. Nguyên nhân phổ biến nhất của nồng độ glucose cao làm xuất hiện glucose niệu là bệnh đái tháo đường, một bệnh ảnh hưởng tới khả năng của cơ thể trong kiểm soát nồng độ glucose.
Xét nghiệm nồng độ glucose niệu là gì?
Trước đây, xét nghiệm glucose nước tiểu được sử dụng để hỗ trợ chẩn đoán cũng như theo dõi hiệu quả điều trị bệnh đái tháo đường. Nhưng ngày nay, đa số bác sĩ sử dụng xét nghiệm định lượng đường trong máu tĩnh mạch tại các thời điểm khác nhau (sau nhịn ăn 8-12 giờ, đường máu bất kỳ hoặc đường máu sau ăn 2 giờ) hoặc định lượng đường mao mạch ở ngón tay để theo dõi và tầm soát bệnh đái tháo đường thay vì xét nghiệm glucose trong nước tiểu như trước kia.
Trong điều kiện bình thường, glucose được lọc qua các cầu thận và được các ống lượn gần tái hấp thu hoàn toàn. Như vậy một người khỏe mạnh bình thường sẽ không xuất hiện glucose niệu. Khả năng tái hấp thu của ống thận đối với glucose hoàn toàn hữu hiệu khi nồng độ glucose máu ≤ 180 mg/dl (10 mmol/L). Vượt quá giá trị này thường thấy xuất hiện glucose trong nước tiểu.
Nguyên nhân gây xuất hiện glucose trong nước tiểu chủ yếu là theo hai cơ chế sau:
- Thứ nhất, do lượng glucose trong máu quá cao (chẳng hạn như do bệnh đái tháo đường), dẫn đến vượt quá khả năng tái hấp thu của ống thận với glucose, nên sẽ xuất hiện glucose trong nước tiểu.
- Thứ hai, lượng glucose trong máu vẫn bình thường, nhưng thận bị tổn thương nên không có khả năng giữ glucose lại trong máu, nên glucose sẽ thoát ra ngoài theo nước tiểu.
Tuy nhiên cũng có ghi nhận rằng ngưỡng thận đối với glucose khác nhau ở từng cá thể và có thể xuất hiện tình huống người bệnh chắc chắn bị đái tháo đường tuy nhiên không có sự xuất hiện của glucose trong nước tiểu do ngưỡng thận tăng cao.
Xét nghiệm glucose nước tiểu là một phương pháp nhanh chóng và đơn giản để kiểm tra sự xuất hiện nồng độ cao bất thường của glucose trong nước tiểu.
2. Vai trò của định lượng glucose trong nước tiểu
Xét nghiệm glucose niệu được chỉ định đối với những trường hợp nghi ngờ có tổn thương liên quan đến thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Khi thận tổn thương người bệnh có sự đào thải glucose trong nước tiểu dù lúc này nồng độ glucose trong máu bình thường.
Kết quả bình thường (khi chế độ ăn uống chứa 50% carbohydrate) không kèm theo tăng glucose máu (glucose huyết thanh < 140 mg / dL hay 7.8 mmol/L sau ăn).
- Mẫu nước tiểu tại một thời điểm: Glucose âm tính (không có glucose trong nước tiểu);
- Mẫu nước tiểu 24 giờ: 50 – 300 mg/ngày hoặc 0.3 - 7 mmol/L/ngày (đơn vị SI).
Kết quả bất thường:
- Glucose niệu tăng
- Tiểu đường
- Mang thai
- Đường niệu do thận
- Các khuyết tật chuyển hoá di truyền các loại glucid có tính khử (ví dụ như galactose, fructose, pentose)
- Nhiễm độc thận (chì, thuỷ ngân).
Xét nghiệm nồng độ glucose niệu để dự đoán glucose máu sẽ kém chính xác hơn xét nghiệm máu trực tiếp, nhưng bác sĩ vẫn sẽ chỉ định nếu thấy xét nghiệm phù hợp với bạn. Xét nghiệm không xác định nồng độ glucose trong máu của bạn tại thời điểm thực hiện, vì nước tiểu đã được tạo thành nhiều tiếng trước khi thực hiện xét nghiệm. Xét nghiệm glucose niệu cũng không cho bạn biết rằng glucose trong máu của bạn đang quá thấp, có nghĩa là nó không thể được dùng để chẩn đoán tình trạng hạ đường huyết.
Một khó khăn khác của việc sử dụng glucose niệu để hỗ trợ chẩn đoán đái tháo đường là một số người có glucose trong nước tiểu ngay cả khi nồng độ glucose trong máu bình thường. Nguyên nhân là do họ bị một số tổn thương ở thận. Một số người lại có ngưỡng thận cao và giữ hầu như toàn bộ glucose ở lại máu, không xuất hiện glucose trong nước tiểu ngay cả khi nồng độ trong máu cao hơn 10 mmol/l. Ngưỡng thận thấp hoặc cao sẽ gây ra khó khăn trong khi bạn theo dõi đái tháo đường.
3. Quy trình thực hiện
3.1 Bạn nên chuẩn bị gì trước khi thực hiện xét nghiệm nồng độ glucose niệu?
Trước khi thực hiện xét nghiệm, bạn nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng. Không tự ý ngưng bất kỳ thuốc nào nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Bởi vì có một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc làm giảm giá trị đường huyết thật sự của bạn, gây ra nhầm lẫn trong chẩn đoán và theo dõi điều trị.
Bạn cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ/kỹ thuật viên xét nghiệm về cách lấy mẫu nước tiểu.
3.2 Quy trình thực hiện xét nghiệm nồng độ glucose niệu như thế nào?
Xét nghiệm glucose niệu thông thường được thực hiện trên mẫu nước tiểu vào buổi sáng (sẽ cho kết quả chính xác hơn) hoặc một mẫu nước tiểu ngẫu nhiên. Điều dưỡng viên sẽ hướng dẫn bạn lấy mẫu nước tiểu theo cách sau:
- Bạn sẽ được phát một lọ đựng mẫu nước tiểu có nắp tại phòng khám hoặc phòng xét nghiệm.
- Rửa tay sạch trước khi lấy mẫu.
- Dùng khăn ướt lau sạch vùng âm hộ (với nữ) hoặc đầu dương vật (với nam).
- Tiểu một lượng nhỏ nước tiểu đầu dòng vào bồn tiểu để làm sạch đường tiểu. Sau đó đưa cốc vào dòng tiểu để lấy nước tiểu giữa dòng. Bạn chỉ cần lấy khoảng nửa cốc. Đóng nắp và không chạm vào phía trong thành lọ.
- Chuyển mẫu đến phòng xét nghiệm. Kỹ thuật viên xét nghiệm sẽ dùng que thử để thử, và chuyển kết quả cho bạn sau vài phút.
3.3 Bạn nên làm gì sau khi thực hiện xét nghiệm nồng độ glucose niệu?
Xét nghiệm này dùng nước tiểu thông thường nên người bệnh sẽ không thấy có bất kỳ khó khăn nào khi lấy mẫu. Sau khi thực hiện xét nghiệm này, nếu kết quả có gì bất thường hay bác sĩ đang nghi ngờ một bệnh lý nào đó, bạn có thể sẽ phải làm thêm một số xét nghiệm khác để có thể chẩn đoán bệnh rõ hơn, thường là xét nghiệm mẫu nước tiểu được lấy trong vòng 24 giờ hoặc xét nghiệm glucose máu tĩnh mạch tại các thời điểm sau nhịn ăn 8-12 giờ. Hãy tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ để có kết quả chính xác.
Xét nghiệm glucose trong nước tiểu là một xét nghiệm đóng vai trò hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý đái tháo đường, theo dõi điều trị cùng với các xét nghiệm và thăm khám lâm sàng khác. Vì vậy, nếu có dấu hiệu của bệnh lý đái tháo đường (gầy sút cân nhanh, tiểu nhiều, ăn nhiều, uống nhiều) bệnh nhân nên sớm tìm đến các cơ sở y tế uy tín để thực hiện xét nghiệm glucose trong nước tiểu và kết hợp với các thăm khám lâm sàng khác để có phương án điều trị kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải do bệnh gây ra.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.