Vai trò của định lượng acid uric trong nước tiểu

Nếu như xét nghiệm acid uric trong máu có thể giúp chẩn đoán bệnh gout, theo dõi nồng độ acid uric ở người bệnh ung thư đang trải qua xạ trị hoặc hóa trị thì các xét nghiệm acid uric trong nước tiểu lại có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân gây tái phát bệnh sỏi thận và theo dõi quá trình hình thành sỏi thận.

1. Acid uric là gì?


Acid uric là một acid hữu cơ yếu, là sản phẩm cuối cùng trong quá trình chuyển hóa chất nucleotide purine có trong các loại thực phẩm mà con người tiêu thụ hàng ngày. Nucleotide purine khi đi vào cơ thể sẽ bắt đầu phản ứng với chất xúc tác là các enzyme đường ruột giải phóng ra các chất, khi phản ứng này diễn ra liên tục sẽ tạo nên acid uric.

Mọi việc sẽ trở nên bình thường nếu như cơ thể xử lý và đào thải acid uric dư thừa ra ngoài qua đường nước tiểu và mồ hôi. Tuy nhiên, nếu như các acid uric gặp sự cố trong quá trình xử lý và không thể đào thải hết acid uric ra bên ngoài thì sẽ làm gia tăng sự lắng đọng của muối urat natri tại khớp và ảnh hưởng chức năng vận động của con người, là tác nhân gây nên bệnh gout điển hình hoặc sỏi thận, suy thận, tắc nghẽn ống thận.

2. Vai trò của Acid uric trong cơ thể người


Acid uric là tác nhân gây ra bệnh gout điển hình
Acid uric là tác nhân gây ra bệnh gout điển hình

Mặc dù thừa acid uric sẽ gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe nhưng nếu cơ thể bị thiếu đi acid uric thì cũng sẽ vô cùng nguy hiểm. Acid uric đảm nhận 2 vai trò quan trọng đặc biệt trong cơ thể, đó là:

  • Giúp kích thích não bộ hoạt động hiệu quả

Acid uric có vai trò tạo ra nguồn năng lượng giúp kích thích bộ não hoạt động hiệu quả hơn và duy trì kiểm soát mọi hoạt động sống, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những người được bổ sung hàm lượng acid uric đầy đủ, khoa học sẽ thường có khả năng tư duy tốt hơn. Nếu như bị thiếu acid uric thì con người có thể đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh như Alzheimer, Parkinson...

  • Là chất chống oxy hóa

Ở cơ thể người, acid uric được đánh giá là một chất khử mạnh và là chất chống oxy hóa cực mạnh nên nó rất tích cực tham gia vào các phản ứng chống oxy hóa huyết tương. Sự thiếu hụt acid uric sẽ làm mất đi khả năng tổng hợp một số chất khác trong cơ thể.

3. Vai trò của xét nghiệm acid uric trong nước tiểu

Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu là xét nghiệm thường quy, có vai trò rất quan trọng, được tiến hành khi nghi ngờ sỏi thận tái phát hoặc cần thiết phải theo dõi về quá trình hình thành của sỏi thận.

Ngoài ra, xét nghiệm định lượng acid uric trong nước tiểu còn giúp chẩn đoán chính xác tình trạng ở bệnh nhân bị:

  • Đau quặn thận;
  • Thận bị ứ nước;
  • Suy thận khi không xác định được nguồn gốc;
  • Bị viêm khớp;
  • Bị đau khớp.

Xét nghiệm acid uric trong nước tiểu rất hữu ích trong việc theo dõi:

  • Bệnh nhân suy thận;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh về máu;
  • Bệnh nhân bị thiếu máu do bị tan máu;
  • Bệnh nhân đã điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị liệu;
  • Bệnh nhân nghiện rượu;
  • Theo dõi mức độ nặng và tiên lượng của các thai phụ bị nhiễm độc thai nghén nặng trước nguy cơ sản giật và tiền sản giật.

4. Quy trình định lượng acid uric trong nước tiểu


Xét nghiệm định lượng acid uric trong nước tiểu được tiến hành bằng phương pháp động học enzym
Xét nghiệm định lượng acid uric trong nước tiểu được tiến hành bằng phương pháp động học enzym

Acid uric vốn là sản phẩm chuyển hóa cuối cùng của base có nitơ nhân purin. Xét nghiệm định lượng acid uric trong nước tiểu được tiến hành bằng phương pháp động học enzym.

Để thực hiện được xét nghiệm này, cần phải có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo chuyên ngành hóa sinh, các phương tiện máy móc, hóa chất và thuốc thử, vật tư tiêu hao... đảm bảo, sẵn sàng sử dụng.

Trước khi tiến hành xét nghiệm định lượng acid uric trong nước tiểu, người bệnh sẽ được kỹ thuật viên hướng dẫn lấy mẫu nước tiểu đúng quy cách, điền đầy đủ thông tin cá nhân vào phiếu xét nghiệm và nộp lại cho kỹ thuật viên để đưa đi xét nghiệm.

Mẫu nước tiểu sẽ được đưa vào máy phân tích theo protocol của máy, khi có kết quả thì sẽ phân tích và đối chiếu với phiếu xét nghiệm và trả kết quả về cho người bệnh.

5. Ý nghĩa kết quả xét nghiệm acid uric trong nước tiểu

Thông thường, nồng độ acid uric trong nước tiểu đạt mức 2,2 – 5,5 mmo/L/24h.

Nếu như nồng độ acid uric cao trong nước tiểu thì chứng tỏ người bệnh có liên quan đến bệnh gout, ung thư di căn, đa u tủy, bệnh bạch cầu hoặc đang có một chế độ ăn quá giàu purin. Đối với những trường hợp có nguy cơ cao bị sỏi thận và nồng độ acid uric trong nước tiểu cao thì rất có thể cần phải sử dụng thuốc để ngăn ngừa hình thành sỏi. Trường hợp nồng độ acid uric trong nước tiểu thấp thường xảy ra ở những người mắc bệnh thận, nghiện rượu mạn tính và ngộ độc chì.

Thực tế, để cơ thể phát triển bình thường thì trong máu của mỗi người luôn có một hàm lượng acid uric nhất định. Để phòng ngừa nguy cơ thừa acid uric hoặc thiếu acid uric sẽ gây ra các vấn đề cho cơ thể thì mỗi người nên chú ý hơn tới chế độ ăn uống hàng ngày, nghỉ ngơi hợp lý và khám sức khỏe định kỳ thường xuyên.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe