Kết quả định lượng TSH và Acid Uric tăng, cảnh báo bệnh lý gì?

Hỏi

Chào bác sĩ! Tôi có làm xét nghiệm máu và có kết quả định lượng TSH là 5.77, chỉ số bình thường là 0.23-4.0mU/L. Định lượng Acid Uric là 509.55/ chỉ số bình thường 238-476 umo/l. Vậy bác sĩ cho tôi hỏi: “Kết quả định lượng TSH và Acid Uric tăng, cảnh báo bệnh lý gì?”. Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn!

Vũ Đình Thành (1967)

Trả lời

Chào bạn!

TSH (Hormone kích thích tuyến giáp) do thuỳ trước tuyến yên trước được tiết ra dưới sự kiểm soát của một hormone của vùng dưới đồi = (TRH). Khi nồng độ hormone giáp trong dòng tuần hoàn giảm xuống hay khi cơ thể phải đương đầu với tình trạng stress thực thể hay tâm thần vùng dưới đồi bị kích thích để giải phóng ra hormone gây ra giải phóng hormone hướng tuyến giáp (TRH). TRH sẽ kích thích thùy trước tuyến yên sản xuất hormone kích thích tuyến giáp ( TSH). Sau đó TSH kích thích sản xuất và giải phóng Triiodothyronine ( T3) và Thyroxin ( T4).

TSH là một xét nghiệm rất có giá trị trong chẩn đoán và theo dõi bệnh lý tuyến giáp đặc biệt trong bệnh Basedow.

Mục đích chính của xét nghiệm TSH là xem tuyến giáp có hoạt động như bình thường hay không, đồng thời rất có ý nghĩa chẩn đoán sớm các bệnh lý rối loạn chức năng tuyến giáp (cường giáp và suy giáp) và nguyên nhân nguồn gốc của các rối loạn, từ đó có những hướng tư vấn điều trị kịp thời và sớm để mang lại chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Tăng TSH thường gặp trong các trường hợp sau:

  • Suy giáp tiên phát (tại tuyến giáp)
  • Có kháng thể kháng TSH hay có tình trạng kháng lại hormone tuyến giáp
  • Sau cắt gần toàn bộ hay toàn bộ tuyến giáp
  • Cường giáp nguồn gốc tuyến yên
  • Sản xuất TSH lạc chỗ
  • Viêm tuyến giáp Hashimoto...

Kết quả định lượng TSH và Acid Uric tăng, cảnh báo bệnh lý gì?
Kết quả định lượng TSH và Acid Uric tăng, cảnh báo bệnh lý gì?

Trong trường hợp của bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa và làm thêm các xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân gây tăng TSH và có phương án điều trị hợp lý.

Acid uric là sản phẩm thoái hóa nhân purin của các acid nucleic. Các nguồn chính tạo acid uric trong cơ thể gồm: Các thức ăn, đồ uống giàu nhân purin như phủ tạng động vật, hải sản, cá, thịt, bia, rượu vang,... Theo đó, các tế bào trong cơ thể khi già hóa, chết đi, nhân purin của nó bị phá hủy và tạo thành acid uric, đây được gọi là nguồn acid uric nội sinh.

Acid uric được tổng hợp tại gan, thải ra khỏi cơ thể 80% qua đường nước tiểu và 20% qua đường tiêu hóa. Nếu quá trình tổng hợp và đào thải acid uric xảy ra cân bằng, lượng acid uric trong máu sẽ thuộc giới hạn bình thường. Nếu lượng acid uric tạo thành nhiều hoặc khả năng đào thải của thận giảm, lượng acid uric trong máu sẽ tăng lên và lắng đọng trong các mô. Acid uric khi lắng đọng trong các khớp có thể gây nên bệnh gout, là một bệnh do rối loạn chuyển hóa, đặc trưng bởi sự sưng đau các khớp dữ dội. Nếu acid uric lắng đọng ở thận có thể gây sỏi thận, lắng đọng ở tim sẽ gây bệnh tim mạch,...

Xét nghiệm acid uric được thực hiện để chẩn đoán các bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm acid uric để chẩn đoán bệnh gout khi bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng phù hợp. Xét nghiệm acid uric máu cũng được thực hiện theo định kỳ để theo dõi người bệnh gout trong quá trình điều trị.

Trong trường hợp của bạn nồng độ acid uric trong máu tăng cao, tuy nhiên nếu chưa xuất hiện các triệu chứng lâm sàng, các cơn gút cấp, giai đoạn này thường gọi là “Tăng acid uric máu”, chưa phải bệnh gout. Tuy nhiên, khi lượng acid uric trong máu tăng cao kéo dài sẽ lắng đọng tinh thể urat ở các khớp gây ra các đợt viêm khớp cấp hay còn gọi là cơn gout cấp. Khi đó, tăng acid uric máu đã tiến triển thành bệnh gút.

Hy vọng với những chia sẻ của bác sĩ sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc: “Kết quả định lượng TSH và Acid Uric tăng, cảnh báo bệnh lý gì?”. Nếu cần tư vấn chuyên sâu hơn nữa, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, tư vấn kỹ lưỡng về phương pháp điều trị hơn nữa.

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Trân trọng!

Được giải đáp bởi Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe