Bài viết được viết bởi Ths.Bs Trịnh Văn Đông - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Hiện nay, có nhiều phương pháp được sử dụng để chẩn đoán thuyên tắc phổi. Trong đó, điện tâm đồ tắc mạch phổi đang được ứng dụng rộng rãi trong việc phát hiện, điều trị thuyên tắc phổi.
1. Điện tâm đồ là gì?
Điện tâm đồ (tên tiếng Anh là Electrocardiogram - gọi tắt là ECG) là loại đồ thị ghi lại những tín hiệu điện của tim. Đây là xét nghiệm được sử dụng rộng rãi trong việc phát hiện các vấn đề và theo dõi tình trạng của tim, đặc biệt là phát hiện các bệnh lý về tim như: Rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim, suy tim,...
Điện tâm đồ là xét nghiệm không xâm lấn, không gây đau, cho kết quả nhanh. Trong điện tâm đồ, các điện cực được gắn vào ngực (đôi khi gắn vào chân) để thu lại các tín hiệu điện của quả tim và được máy ghi điện ghi lại.
2. Điện tâm đồ trong chẩn đoán thuyên tắc phổi
2.1 Thuyên tắc phổi là gì?
Thuyên tắc phổi còn gọi là tắc mạch phổi (pulmonary embolism - PE) là tình trạng có một cục máu đông lọt vào mạch máu trong phổi, ngăn chặn dòng lưu thông bình thường của máu trong vùng phổi đó.
Sự tắc nghẽn này gây ra nhiều trở ngại cho việc trao đổi khí. Và tùy thuộc vào cục máu đông to hay nhỏ, số lượng các mạch máu có liên quan, thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân.
Các triệu chứng của tắc mạch phổi gồm: Khó thở, choáng váng, đau ngực, mất ý thức, nhịp tim nhanh, ho ra máu,... Thuyên tắc phổi là 1 trong 3 nguyên nhân gây tử vong tim mạch hàng đầu sau đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
2.2 Vai trò của điện tâm đồ trong chẩn đoán thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi là bệnh lý khó chẩn đoán nên thường bị bỏ sót hoặc chẩn đoán trễ tại Việt Nam. Điện tâm đồ có vai trò quan trọng trong chẩn đoán phát hiện hoặc loại trừ thuyên tắc phổi. Khi có biến đổi trên điện tâm đồ hiện diện, xác suất mắc thuyên tắc phổi gia tăng, giúp định hướng chẩn đoán và điều trị bệnh tiếp theo.
Những thay đổi điện tâm đồ dưới đây được phát hiện trong thuyên tắc phổi cấp tính:
- Nhịp nhanh xoang: Là bất thường phổ biến nhất, được phát hiện ở 44% bệnh nhân;
- Block nhánh phải hoàn toàn hoặc không hoàn toàn: Là tình trạng liên quan tới nguy cơ tử vong tăng lên, phát hiện ở 18% bệnh nhân;
- Lệch trục phải: Phát hiện ở 16% bệnh nhân;
- Tăng áp lực đổ đầy tâm thất phải - sóng T đảo ngược trong các đạo trình trước tim phải (V1 - 4) ± các chuyển đạo thành dưới (II, III, aVF): Gặp ở 34% bệnh nhân, có liên quan tới áp lực động mạch phổi cao;
- Sóng R chiếm ưu thế trong V1: Là một biểu hiện của tình trạng giãn buồng thất phải cấp tính;
- Phì đại tâm nhĩ phải - sóng P lên đỉnh điểm trong DII > 2,5mm chiều cao: Gặp ở 9% bệnh nhân;
- SI QIII TIII - sóng S sâu trong DI, sóng T đảo ngược trong III, Q sóng trong III: Không nhạy cảm với thuyên tắc phổi, gặp ở 20% bệnh nhân thuyên tắc phổi;
- Thay đổi vùng chuyển tiếp - thay đổi của điểm chuyển tiếp R/S tới V6, sóng S sâu ở V6: Tim xoay do giãn buồng tim phải;
- Đoạn ST không đặc hiệu, thay đổi sóng T, bao gồm ST chênh lên và chênh xuống: Hiện diện ở 50% bệnh nhân thuyên tắc phổi;
- Loạn nhịp nhanh nhĩ - AF, nhịp tim nhanh nhĩ, rung cuồng động nhĩ: Gặp ở 8% bệnh nhân;
- Đảo ngược sóng T đồng thời trong các đạo trình (II, III, aVF) và trước tim bên phải (V1 - 4): Là dấu hiệu đặc hiệu nhất cho thuyên tắc phổi, gặp ở 99% bệnh nhân.
Ngoài ra, những thay đổi điện tâm đồ ở phần trên không chỉ có duy nhất ở bệnh nhân thuyên tắc phổi. Những thay đổi đó có thể xảy ra ở nhiều bệnh tim phổi cấp tính hoặc mãn tính như: Viêm phổi, tràn khí màng phổi, cắt bỏ phổi gần đây, tắc nghẽn đường hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, xơ nang, bệnh phổi kẽ, gù vẹo cột sống nặng, ngưng thở khi ngủ,...
Thực tế điện tâm đồ không phải nhạy cảm, không đủ cụ thể để chẩn đoán hoặc loại trừ thuyên tắc phổi. Có khoảng 18% bệnh nhân tắc mạch phổi có điện tâm đồ hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, với lâm sàng tương thích như đau ngực, giảm oxy máu, điện tâm đồ cho những dấu hiệu nghi ngờ về thuyên tắc phổi và cần phải xét nghiệm thêm để xác định chẩn đoán.
XEM THÊM: