Vai trò của chẩn đoán hình ảnh trong đánh giá viêm túi thừa

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trường Đức - Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ Đức đã có hơn 17 năm kinh nghiệm về chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh.

Túi thừa là một túi nhỏ hình thành trong thành đại tràng. Viêm túi thừa xảy ra khi túi đó bị nhiễm trùng và/hoặc bị viêm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể trở nên nguy hiểm hơn và dẫn đến áp xe hoặc tắc ruột. Để chẩn đoán viêm túi thừa, bác sĩ thường chỉ định chụp CT ổ bụng và vùng chậu.

1. Viêm túi thừa là gì?

Túi thừa (tiếng anh là Diverticula) là những túi nhỏ, phình ra có thể hình thành trong lớp lót của hệ thống tiêu hóa. Túi thừa thường được tìm thấy thường xuyên nhất ở phần dưới của ruột già (đại tràng). Túi thừa diễn ra phổ biến, đặc biệt là sau 40 tuổi và hiếm khi gây ra vấn đề.

Khi một hoặc nhiều túi bị viêm và trong một số trường hợp bị nhiễm bệnh, tình trạng đó được gọi là viêm túi thừa (tên tiếng Anh là diverticulitis). Viêm túi thừa có thể gây đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn và thay đổi rõ rệt thói quen đại tiện của người mắc bệnh.

Viêm túi thừa nhẹ có thể được điều trị bằng nghỉ ngơi, thay đổi chế độ ăn uống và kháng sinh. Viêm túi thừa nặng hoặc tái phát có thể phải phẫu thuật.


Bệnh viêm túi thừa có thể được điều trị bằng kháng sinh
Bệnh viêm túi thừa có thể được điều trị bằng kháng sinh

2. Triệu chứng viêm túi thừa

Bạn có thể có các túi thừa mà không bản thân có túi thừa này. Các túi thừa thường không đau và gây ra một vài triệu chứng. Nhưng bạn có thể nhận thấy:

  • Chuột rút ở bên trái bụng của bạn sẽ biến mất sau khi bạn đi trung tiện hoặc đi đại tiện
  • Máu đỏ tươi trong phân
  • Các triệu chứng viêm túi thừa đáng chú ý hơn bao gồm đau bụng dữ dội và sốt.

Viêm túi thừa có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Với dạng cấp tính, bạn có thể có một hoặc nhiều đợt nhiễm trùng và viêm nặng. Trong viêm túi thừa mãn tính, viêm và nhiễm trùng có thể giảm nhưng không bao giờ hết hẳn. Theo thời gian, tình trạng viêm có thể dẫn đến tắc ruột, có thể gây táo bón, phân nhỏ, tiêu chảy, đầy hơi và đau bụng. Nếu bị tắc nghẽn tiếp tục, đau bụng tăng lên và bạn có thể cảm thấy khó chịu hoặc nôn.

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ của bệnh viêm túi thừa

Túi thừa thường phát triển khi những vị trí yếu tự nhiên trong đại tràng do tác động của áp lực. Viêm túi thừa xảy ra khi bị rách túi thừa, dẫn đến viêm và trong một số trường hợp nhiễm trùng. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển viêm túi thừa, bao gồm:

  • Lão hóa: Tỷ lệ mắc viêm túi thừa tăng theo tuổi.
  • Béo phì: Thừa cân nghiêm trọng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh viêm túi thừa.
  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị viêm túi thừa hơn những người không hút thuốc.
  • Thiếu tập thể dục.: Tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ viêm túi thừa.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo động vật và ít chất xơ: Thực hiện chế độ ăn ít chất xơ kết hợp với lượng chất béo động vật hấp thụ cao dường như làm tăng nguy cơ mắc viêm túi thừa, mặc dù vai trò của ăn ít chất xơ trong nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa nếu đứng một mình vẫn chưa được nghiên cứu rõ ràng.
  • Một số loại thuốc: Một số loại thuốc có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm túi thừa, bao gồm steroid, opioid và thuốc chống viêm không steroid như ibuprofen (Advil, Motrin IB) và naproxen natri (Aleve).

Người bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa
Người bị béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm túi thừa

4. Các kỹ thuật chẩn đoán trong bệnh viêm túi thừa

Để chẩn đoán viêm túi thừa, bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, tiền sử sức khỏe và bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đã dùng. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành khám thể chất để kiểm tra bụng xem bạn có đau hay không, nếu cần thêm thông tin, bác sẽ sẽ thực hiện thăm khám bằng ngón tay qua trực tràng để kiểm tra chảy máu trực tràng, đau, khối u hoặc các vấn đề khác.

Để loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm túi thừa và kiểm tra các dấu hiệu viêm túi thừa, bác sĩ có thể yêu cầu một hoặc nhiều kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh:

  • Chụp CT viêm túi thừa: Chụp CT ổ bụng là kỹ thuật chẩn đoán tốt để chẩn đoán viêm túi thừa. Kỹ thuật này cũng có thể giúp xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh và hướng dẫn xây dựng phác đồ điều trị. Bạn có thể được tiêm chất cản quang (IV) tiêm tĩnh mạch hoặc uống chất cản quang một giờ trước khi chụp. Chất cản quang sẽ giúp bác sĩ nhìn rõ ruột và cơ quan bụng trong ổ bụng của người bệnh.
  • Nội soi đại tràng: Một camera nhỏ được đưa vào bên trong đại tràng để xem các túi bị viêm, bị nhiễm trùng hay không
  • Siêu âm bụng chậu: Siêu âm tạo ra hình ảnh của các cơ quan bụng mà không sử dụng bức xạ ion hóa. Tuy nhiên, hình ảnh siêu âm từ kỹ thuật này không được chi tiết của hình ảnh CT và không thể đánh giá ruột chính xác bằng chụp CT.
  • X-quang đường tiêu hóa dưới (X-ray - Lower GI tract): Bác sĩ có thể sử dụng X-quang để đánh giá các biến chứng do viêm túi thừa.

Một số kỹ thuật chẩn đoán bằng xét nghiệm:


Để chẩn đoán bệnh viêm túi thừa, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm nước tiểu
Để chẩn đoán bệnh viêm túi thừa, người bệnh có thể được chỉ định xét nghiệm nước tiểu
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu viêm, thiếu máu, hoặc các vấn đề về thận hoặc gan
  • Khám phụ khoa để loại trừ các vấn đề phụ khoa ở phụ nữ

Nếu bạn bị viêm túi thừa, những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm nêu trên này có thể giúp bác sĩ phát hiện biến chứng và mức độ của bệnh.

Hơn 75 % các trường hợp viêm túi thừa sẽ không có biến chứng, nhưng khoảng 25 % sẽ phát triển các biến chứng. Những biến chứng này có thể bao gồm:

  • Áp xe, một túi bị nhiễm bệnh có chứa đầy mủ
  • Lỗ rò, một đường ống bất thường có thể phát triển giữa hai cơ quan hoặc giữa một cơ quan và da
  • Thủng ruột, rách hoặc xuất hiện lỗ trên thành ruột nên dẫn tới các chất trong ruột kết của bạn rò rỉ vào khoang bụng, gây viêm và nhiễm trùng
  • Tắc nghẽn đường ruột, tắc nghẽn trong ruột có thể ngăn phân di chuyển trong hệ thống tiêu hoá.

5. Phòng ngừa viêm túi thừa

Để giúp ngăn ngừa viêm túi thừa, bạn cần:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thúc đẩy chức năng bình thường của ruột và giảm áp lực bên trong đại tràng. Cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút trong hầu hết các ngày trong tuần.
  • Ăn nhiều chất xơ: Chế độ ăn nhiều chất xơ làm giảm nguy cơ viêm túi thừa. Thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây và rau quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt có tác dụng làm mềm phân và giúp phân đi qua đại tràng nhanh hơn. Ăn các loại hạt không gây ra bệnh viêm túi thừa.
  • Uống nhiều nước: Chất xơ hoạt động bằng cách hấp thụ nước và tăng chất thải mềm trong ruột kết của bạn. Nhưng nếu bạn không uống đủ chất lỏng để thay thế những gì đã hấp thụ, chất xơ có thể bị vón lại và dẫn tới bị táo bón.
  • Không hút thuốc lá. Hút thuốc có liên quan đến tăng nguy cơ viêm túi thừa.

Chất xơ có lợi trong việc phòng ngừa bệnh viêm túi thừa
Chất xơ có lợi trong việc phòng ngừa bệnh viêm túi thừa

Bệnh túi thừa đại tràng khi có các triệu chứng nguy hiểm như đau bụng, sốt,.. thì người bệnh cần thực hiện phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Vì thế việc phát hiện sớm bệnh lý để có cách điều trị, phòng ngừa bệnh là rất cần thiết.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: radiologyinfo.org, mayoclinic.org, webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe