Hầu hết các u máu thường dễ dàng nhìn thấy ngay khi trẻ vừa sinh ra, nhưng cũng có thể sau nhiều tháng hoặc nhiều năm sau đó. U máu có thể gặp thấy ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, nhưng thường gặp nhất là trên mặt, trên da, đầu, ngực hoặc lưng. U máu nhỏ với đường kính < 10cm thường gặp nhất là các u máu ở ngoài da và trên đối tượng là bệnh nhi, bẩm sinh ở trẻ.
1. U máu tiến triển qua những giai đoạn nào?
U máu tiến triển qua 3 giai đoạn gồm:
- Giai đoạn u máu tăng sinh: Diễn ra trong khoảng từ 3 tháng đến 6 tháng trong trường hợp u máu nông và khoảng từ 8 tới 10 tháng đối với u máu sâu. Đây là giai đoạn u máu tăng kích thước khá nhanh, có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3. Giai đoạn này cần được theo dõi chặt chẽ bởi có thể gây ra một số biến chứng, thậm chí có thể đe dọa tính mạng và ảnh hưởng tới thẩm mỹ của trẻ.
- Giai đoạn ổn định: Có thể từ 18 đến 20 tháng, kích thước u máu trở nên ổn định hơn trong giai đoạn này.
- Giai đoạn u máu thoái triển: U máu trở nên nhạt dần và xẹp dần dưới da. Giai đoạn này thường ghi nhận khi bệnh nhi khoảng 6 tuổi.
2. Điều trị u máu nhỏ ở trẻ như thế nào?
U máu của trẻ sơ sinh thường không cần điều trị, phần lớn sẽ tự thoái triển. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì u máu sẽ có chỉ định điều trị bao gồm trường hợp u máu làm cản trở tới các chức năng của cơ thể (che mất tầm nhìn, gây khó khăn trong việc thở), loét, chảy máu hoặc nhiễm trùng. Ngoài ra trong trường hợp u máu có khả năng ảnh hưởng tới thẩm mỹ, gây giãn ra hoặc để lại sẹo thì cần phẫu thuật.
3. Phẫu thuật u máu nhỏ ở trẻ
Đối với điều trị u máu thì phương pháp phẫu thuật đối với những u máu chưa có xâm lấn vẫn là phương pháp hiệu quả nhất. Phẫu thuật nhằm mục đích loại bỏ u máu trong khi hạn chế tối đa nhất tổn thương các khu vực giải phẫu lân cận. Ngoài ra, còn một số phương pháp khác như dùng laser, tiêm xơ.
Phẫu thuật u máu đối với trẻ dưới 1 tuổi là một vấn đề còn ít được nghiên cứu và công bố rộng rãi. Phẫu thuật này có thể được đánh giá là nguy hiểm do sự tồn tại của các mạch máu tự nhiên ở nơi tổn thương. Tuy nhiên ngược lại thì việc phẫu thuật ở những trẻ lớn hơn gây ra nhiều vấn đề hơn do có sự liên kết nhiều hơn giữa các mô liên kết và mạch máu. Do rất khó để phân biệt giữa u máu và tế bào thường nên trong khi phẫu thuật sẽ phải khoét bỏ phần tế bào nhiều hơn. Sẹo là một vấn đề thường gặp sau phẫu thuật u máu. Phẫu thuật sớm khi u máu còn nhỏ sẽ để lại vết sẹo nhỏ hơn. Sự chậm trễ trong phẫu thuật u máu làm tăng nguy cơ để lại vết sẹo to hơn và mất nhiều máu hơn trong quá trình phẫu thuật.
Trong quá trình tiến hành phẫu thuật thì bệnh nhân sẽ được gây mê và được phẫu thuật viên tiến hành thực hiện các thủ thuật phẫu thuật cắt bỏ khối u.
4. Chăm sóc sau khi phẫu thuật
Sau phẫu thuật u máu, bệnh nhân cần được theo dõi các chỉ số về hồng cầu và hematocrit, đề phòng biến chứng chảy máu sau mổ. Kháng sinh có thể được chỉ định để phòng ngừa nhiễm khuẩn tĩnh mạch. Dựa trên các thông số xét nghiệm, máu hoặc các dung dịch thay thế máu có thể được sử dụng. Sau phẫu thuật, cần cho bệnh nhân vận động sớm ngay ngày đầu sau khi phẫu thuật.
Phẫu thuật là một trong những phương pháp giải quyết triệt để đối với các u máu có đường kính nhỏ. Đối với những trẻ có thành viên trong gia đình hoặc họ hàng đã từng trải qua phẫu thuật cắt bỏ u máu thì đây là một lựa chọn nên được cân nhắc. Ngoài ra bác sĩ cần tư vấn cho người nhà bệnh nhân về khả năng thất bại hoặc những biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật. Hiện tại với sự dễ dàng trong việc tìm kiếm thông tin qua truy cập internet, việc trực tiếp trao đổi ý kiến với bác sĩ về cách điều trị u máu cho trẻ là cần thiết để người nhà bệnh nhân có những lựa chọn phù hợp về các phương pháp điều trị.
Video đề xuất:
Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời
XEM THÊM:
- U gan lành tính và ác tính: Những điều cần biết
- Điều trị u mạch máu ở trẻ em
- Điều trị u máu ở đầu cho trẻ sinh non được 5 tháng tuổi có ảnh hưởng gì không?