Rotavirus là một loại virus rất dễ lây lan gây tiêu chảy. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên toàn thế giới, dẫn đến hơn 215,000 ca tử vong hàng năm. Vắc-xin rota có thể được khuyến nghị đưa vào chương trình tiêm chủng đặc biệt là ở các vùng có nguy cơ mắc bệnh cao.
1. Rotavirus là gì?
Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tiêu chảy, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có trong phân của người bị nhiễm bệnh, lây qua tiếp xúc đường miệng ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện triệu chứng. Vì vậy, rotavirus có thể lây truyền sang bất cứ thứ gì mà người nhiễm bệnh chạm vào bao gồm: thực phẩm, đồ dùng, nắm cửa hoặc các bề mặt lâu ngày không được khử trùng.... Nếu người khoẻ chạm tay vào các vật dụng này thì họ cũng có thể bị nhiễm trùng bởi virus này.
Nhiễm trùng rotavirus có thể dẫn đến tiêu chảy nghiêm trọng, gây ra các ảnh hưởng lớn đến cơ thể như mất nước. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng mất nước có thể đe dọa đến tính mạng.
Nhiễm trùng rotavirus thường bắt đầu trong vòng hai ngày đầu sau khi tiếp xúc với virus. Triệu chứng ban đầu là sốt và nôn. Sau đó, từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 là bị tiêu chảy. Ở những người trưởng thành khỏe mạnh, nhiễm virus này chỉ có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng nhẹ hoặc không có gì cả. Tuy nhiên, nếu gặp các dấu hiệu sau thì cần phải đi khám bác sĩ ngay: bị tiêu chảy quá hai ngày, có máu trong nôn hoặc đi tiêu, có nhiệt độ thân nhiệt cao hơn 39,5 độ, có dấu hiệu mất nước, chóng mặt....
Tương tự vậy, nếu trẻ em có dấu hiệu xấu thì cũng phải cho đi bác sĩ ngay. Chẳng hạn như bị tiêu chảy trong hơn 24 giờ, thường xuyên bị nôn, có phân màu đen hoặc hắc ín hoặc phân có chứa máu/mủ, nhiệt độ thân nhiệt khoảng 40 độ, cáu kỉnh, mất nước, buồn ngủ bất thường...
2. Vắc-xin rota có trong chương trình tiêm chủng mở rộng không?
Vắc-xin rota là vắc-xin được sử dụng để bảo vệ chống nhiễm trùng rotavirus. Nó có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng và giảm tỷ lệ nguy cơ tử vong ở trẻ nhỏ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị vắc-xin rota nên được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia ở những khu vực nguy cơ mắc bệnh cao. Bên cạnh việc tiêm phòng vắc-xin nên thực hiện cùng với những việc khác như: rửa tay, sử dụng nước sạch và vệ sinh tốt.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC), có hai loại vắc-xin được cấp phép sử dụng cho trẻ em ở Hoa Kỳ:
- RotaTeq (RV5), với ba liều sử dụng khi trẻ được 2 tháng, 4 tháng, và 6 tháng tuổi.
- Rotarix (RV1), với hai liều khi trẻ được 2 tháng và 4 tháng tuổi.
Nên cho trẻ uống vắc-xin lần đầu trước khi trẻ được 15 tuần tuổi và hoàn thành các liều trước khi được 8 tháng tuổi. Cả hai loại vắc-xin này đều được uống bằng cách nhỏ giọt vào miệng trẻ. Bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn vắc-xin phù hợp cho từng trẻ.
Những trường hợp không nên tiêm phòng rotavirus khi:
- Có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với liều vắc-xin rota trước đó hoặc dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Suy giảm miễn dịch có thể là do bị bệnh trước đó như tắc nghẽn ruột (lồng ruột)
Những trường hợp nên kiểm tra bởi bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin rota như:
- Bị nhiễm HIV/AIDS hoặc bất kỳ bệnh khác ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch
- Đã được điều trị bằng thuốc steroid
Cả hai loại vắc-xin rota đều đã được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng lớn liên quan đến hàng ngàn trẻ em và được chứng minh là an toàn và hiệu quả. Có khoảng 9 trên 10 trẻ được tiêm vắc-xin sẽ được bảo vệ khỏi bệnh rotavirus nặng. Trong khi có khoảng 7 đến 8 trên 10 trẻ sẽ được bảo vệ hoàn toàn khỏi bệnh.
Vắc-xin rota có thể kết hợp với một số vắc-xin khác như vắc-xin DTaP, vắc-xin Hib, vắc-xin bại liệt, vắc-xin viêm gan B và vắc-xin liên cầu khuẩn.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang cung cấp Chương trình tiêm chủng trọn gói với nhiều loại vắc-xin đa dạng cho các đối tượng khác nhau, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn, phụ nữ trước và trong khi mang thai.
Để đăng ký tiêm phòng, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp đến Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đặt hẹn TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: mayoclinic.org