Vắc-xin phế cầu Prevenar 13 cho người lớn phòng bệnh gì?

Vắc-xin phế cầu là một loại vắc-xin được khuyến cáo nên tiêm phòng cho trẻ em. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại vắc-xin phế cầu như là Synflorix, Pneumo 23 hay Prevenar 13,... Các loại vắc-xin này không chỉ khuyến cáo cho trẻ em mà ngay cả người lớn cũng nên sử dụng để phòng ngừa một số bệnh nguy hiểm.

1. Vắc-xin phế cầu phòng bệnh gì?

Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn thuộc chi Streptococcus. S.Pneumoniae thường cư trú trong vùng mũi họng ở cả những người khỏe mạnh. Loại vi khuẩn này có thể gây ra một số căn bệnh nguy hiểm sau:

1.1. Bệnh viêm phổi

Bệnh viêm phổi là một trong những nguyên nhân lấy đi sinh mạng của trẻ em nhiều nhất trên thế giới. Theo số liệu thống kê của tổ chức sức khỏe cộng đồng quốc tế, trong năm 2018 có tới hơn 800.000 trẻ em chết do bệnh viêm phổi.

Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ tử vong do bệnh viêm phổi lên tới 15%. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 2,9 triệu trẻ nhỏ mắc bệnh viêm phổi và khoảng 4.000 trẻ tử vong vì căn bệnh nguy hiểm này.

Vi khuẩn phế cầu có ở vùng hầu họng của người bị bệnh và cả những người chưa phát bệnh - thể thường trú. Chúng sẽ phát tán ra môi trường xung quanh và xâm nhập vào trẻ em và người khác khi nói chuyện với bệnh nhân, khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi,...

Với người lớn thì phế cầu khuẩn không quá nguy hiểm nhưng với trẻ nhỏ lại rất dễ dẫn tới nhiễm khuẩn hô hấp, viêm phổi do sức đề kháng của trẻ còn yếu.


Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ
Bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

Bệnh viêm phổi do phế cầu khuẩn không chỉ gây nguy hiểm với trẻ em mà nó cũng là nguyên nhân gây tử vong nhanh ở người cao tuổi, những người mắc các bệnh mãn tính, người có sức đề kháng giảm sút,... Bệnh có thể diễn biến nhanh và gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1.2. Viêm tai giữa

Phế cầu khuẩn Streptococcus Pneumoniae là nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa nhiều nhất, chiếm tới 40 -50% ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm, trên thế giới có trên 350 triệu ca mắc viêm tai giữa cấp ở trẻ em dưới 5 tuổi và hầu hết là ở trẻ dưới 2 tuổi. Hơn 1/3 số này sẽ bị nhiễm trùng lặp đi lặp lại nhiều lần trong năm, thậm chí phải phẫu thuật.

Đây không chỉ là căn bệnh thường gặp ở trẻ em, mà cả người lớn cũng có thể mắc bệnh viêm tai giữa do phế cầu khuẩn. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nguy hiểm như thủng màng nhĩ, giảm thính lực, liệt mặt, áp xe não, viêm màng não, viêm xương chũm...

1.3. Viêm màng não

Viêm màng não do phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra 11% tổng số các ca tử vong ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Viêm màng não do phế cầu là một bệnh lý nghiêm trọng khiến cho màng não - lớp vỏ bảo vệ bên ngoài não và tủy sống - bị viêm.

Căn bệnh này có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Và nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời nó có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: động kinh, tê liệt chân tay, mù, điếc, phù não, hôn mê và thậm chí là gây tử vong.


Viêm màng não ở trẻ dưới 5 tuổi
Viêm màng não ở trẻ dưới 5 tuổi

1.4. Nhiễm trùng huyết

Có khoảng 20% trẻ em bị thiệt mạng là do nhiễm trùng huyết. Người lớn cũng có tỷ lệ mắc bệnh tương đối cao, đặc biệt là ở người cao tuổi gấp 13 lần người trẻ, do hệ miễn dịch của họ đã bị suy yếu, rất dễ bị vi khuẩn phế cầu tấn công vào máu gây nhiễm khuẩn.

Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu) là căn bệnh do vi khuẩn xâm nhập vào trong máu, sản sinh ra các độc tố khiến cho người bệnh bị nhiễm độc. Nhiễm trùng huyết sẽ gây tổn thương tới các cơ quan như gan, thận,... khiến cho cơ thể bệnh nhân bị suy giảm mạnh.

Ngoài ra bệnh còn gây ra tình trạng rối loạn đông máu trong giai đoạn máu bị nhiễm trùng, làm giảm lưu lượng máu di chuyển tới chân tay và các cơ quan khác, khiến cho cơ thể bị thiếu dinh dưỡng và oxy. Nhiễm trùng huyết có thể gây ra chứng hạ huyết áp hoặc sốc nhiễm khuẩn dẫn tới suy đa tạng ở trẻ nhỏ, tử vong ở người cao tuổi.

Vắc-xin phế cầu phòng bệnh gì? Như vậy khi tiêm vắc-xin phế cầu bạn có thể phòng ngừa được 4 căn bệnh nguy hiểm: viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết do vi khuẩn Streptococcus pneumoniae gây ra.

Phế cầu khuẩn không chỉ gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm mà nó còn kháng được nhiều loại kháng sinh. Do đó khi bị bệnh phải sử dụng kháng sinh mạnh, liều cao, thậm chí phải phối hợp nhiều loại kháng sinh để điều trị mới có hiệu quả. Điều này dẫn tới chi phí điều trị cao, kéo dài thời gian điều trị mà còn chưa chắc đã đáp ứng được.


Vắc-xin phế cầu phòng bệnh do Streptococcus pneumoniae gây ra
Vắc-xin phế cầu phòng bệnh do Streptococcus pneumoniae gây ra

Chính vì vậy để phòng các bệnh do phế cầu, trẻ em từ 6 tuần tuổi và người lớn, đặc biệt là người cao tuổi, những người mắc các bệnh mạn tính nên tiêm vắc-xin phế cầu cho người lớn.

2. Cơ chế hoạt động của vắc-xin phế cầu 13

Vắc-xin Prevenar 13 hay còn gọi là vắc-xin phế cầu 13 là một loại vắc-xin mới để phòng bệnh viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não và nhiễm trùng huyết do phế cầu khuẩn gây ra. Vắc-xin Prevenar được nghiên cứu và phát triển bởi tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dược phẩm và chế phẩm sinh học - Pfizer (Mỹ).

Vắc-xin phế cầu 13 là vắc-xin có chứa 13 chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau. Nó được sử dụng cho trẻ nhỏ từ 6 tuần tuổi trở lên và người lớn, đặc biệt là với những trẻ lớn đã quá tuổi tiêm vắc-xin Synflorix, người lớn, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính COPD, những người bị suy giảm hệ miễn dịch,...

Vắc-xin Prevenar 13 hoạt động bằng cách kích thích hệ miễn dịch tự chống lại vi khuẩn. Khi một người được tiêm loại vắc-xin này, hệ thống miễn dịch của họ sẽ nhận dạng các bộ phận của vi khuẩn phế cầu, tạo ra các kháng thể nhanh hơn khi tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn.


Vắc-xin Prevenar 13 kích thích hệ miễn dịch tự chống lại vi khuẩn xâm nhập cơ thể
Vắc-xin Prevenar 13 kích thích hệ miễn dịch tự chống lại vi khuẩn xâm nhập cơ thể

Với mỗi loại vi khuẩn, virus gây bệnh khác nhau, có thể sẽ tạo ra một loại kháng thể riêng để giúp cơ thể chống chọi với các căn bệnh khác nhau. Vi khuẩn S.Pneumoniae có rất nhiều loại khác nhau, trong vắc-xin phế cầu 13 có chứa huyết thanh của 13 loại phế cầu khác nhau (1,3, 4, 5, 6A, 7F, 9V, 14, 18C, 19A, 19F và 23F). Như vậy khi tiêm vắc-xin này sẽ kích thích cơ thể sản sinh ra kháng thể chống lại 13 loại vi khuẩn phế cầu này.

3. Phác đồ tiêm vắc-xin phế cầu cho người lớn và trẻ em

Phác đồ tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ em từ 2 - 6 tháng tuổi

Lịch tiêm cơ bản:

  • Mũi thứ nhất: lần đầu tiên tiêm
  • Mũi thứ hai: cách mũi thứ nhất tối thiểu 1 tháng
  • Mũi thứ ba: cách mũi thứ hai tối thiểu 1 tháng

Lịch tiêm nhắc lại:

  • Mũi thứ 4: tiêm khi trẻ được 11 - 15 tháng tuổi. Lưu ý mũi này cách mũi thứ ba tối thiểu là 2 tháng.

Phác đồ tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ em từ 7 - 11 tháng tuổi

Lịch tiêm cơ bản:

  • Mũi thứ nhất: là lần đầu tiên tiêm
  • Mũi thứ hai: cách mũi thứ nhất tối thiểu 1 tháng

Lịch tiêm nhắc lại:

  • Mũi thứ ba: tiêm khi trẻ trên 1 tuổi. Lưu ý mũi này tiêm cách mũi thứ hai tối thiểu là 2 tháng.

Phác đồ tiêm vắc-xin phế cầu cho trẻ từ 12 - 23 tháng tuổi


Tiêm vắc-xin phế cầu Prevenar 13 cần đúng liều quy định
Tiêm vắc-xin phế cầu Prevenar 13 cần đúng liều quy định

  • Mũi thứ nhất: là lần đầu tiên tiêm
  • Mũi thứ hai: cách mũi thứ nhất tối thiểu 2 tháng

Phác đồ tiêm vắc-xin phế cầu cho người lớn và trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên

  • Tiêm 01 mũi duy nhất

4. Một số lưu ý khi tiêm vắc-xin phế cầu Prevenar 13

  • Vắc-xin phế cầu Prevenar là vắc-xin tiêm bắp, vị trí tiêm thích hợp:
  • Mặt trước bên đùi của trẻ nhỏ
  • Cơ delta cánh tay ở trẻ trên 5 tuổi, người lớn
  • Có thể gặp một số phản ứng phụ sau tiêm nhưng không đáng kể như:
  • Đau tại vết tiêm, đôi khi sưng, ửng đỏ
  • Có thể bị sốt nhẹ, kém ăn, ngủ kém đối với trẻ nhỏ
  • Với người lớn có thể bị đau cơ, đau khớp, mệt mỏi

Các phản ứng phụ thường xảy ra thoáng qua và sẽ hết sau 1 - 2 ngày.

  • Không được dùng thuốc hạ sốt đồng thời hoặc trong cùng ngày tiêm vắc-xin Prevenar 13.
  • Các trường hợp không nên tiêm vắc-xin Prevenar 13 đó là:
  • Phụ nữ mang thai
  • Người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào trong vắc-xin hoặc độc tố bạch hầu.
  • Bệnh nhân bị giảm tiểu cầu hoặc bất kỳ rối loạn đông máu nào.

Trung tâm Vắc-xin tại Bệnh viện Vinmec - địa chỉ tiêm chủng an toàn tin cây cho mọi người
Trung tâm Vắc-xin tại Bệnh viện Vinmec - địa chỉ tiêm chủng an toàn tin cây cho mọi người

Để biết thêm thông tin chi tiết và đăng ký tiêm phòng tại Vinmec, bạn vui lòng liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe