Rối loạn kinh nguyệt gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ của người phụ nữ. Nếu bạn đang thắc mắc “uống thuốc kháng sinh có làm trễ kinh không?” thì hãy theo dõi bài viết dưới đây để biết câu trả lời.
1. Lợi ích của kinh nguyệt đối với phụ nữ
Hormone sinh dục của phụ nữ thay đổi hàng tháng sẽ khiến kinh nguyệt xuất hiện và mỗi lần như vậy nữ giới sẽ rụng khoảng 1-2 trứng. Lúc này, nội mạc tử cung sẽ tăng sinh và dày lên để làm ổ cho trứng thụ tinh, sẵn sàng hình thành bào thai. Nếu trứng được phóng ra mà không gặp được tinh trùng để thụ tinh thì lớp nội mạc sẽ không còn cần thiết để làm ổ cho trứng nữa thay vào đó nó sẽ bong ra niêm mạc tử cung và bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
Kinh nguyệt xuất hiện chính là dấu hiệu của việc thụ thai không thành công. Mỗi người phụ nữ sẽ trải qua khoảng 3-7 ngày hành kinh và mỗi chu kì kinh nguyệt cách nhau từ 28-30 ngày. Việc có kinh đều đặn sẽ mang lại các lợi ích như:
- Kinh nguyệt là cơ chế tự làm sạch tự nhiên của cơ thể, cuốn trôi các vi khuẩn sinh sôi và phát triển trong cơ quan sinh sản và đào thải ra ngoài mỗi tháng, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
- Hạn chế tình trạng dư thừa sắt: Kinh nguyệt giúp cân bằng lượng sắt dư thừa, tránh nguy cơ mắc phải các bệnh lý liên quan đến vấn đề thừa sắt như Hemochromatosis- 1 dạng bệnh lý khiến cơ thể bị rối loạn trao đổi chất.
- Thông qua việc hành kinh có thể đánh giá tình trạng sức khoẻ của người phụ nữ dựa trên màu sắc, tính chất, mùi của máu kinh. Một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn chứng tỏ hormone trong cơ thể đang cân bằng và hoạt động tốt.
- Giúp cơ thể tái tạo máu: Đây là ưu điểm nổi trội của hành kinh ở nữ giới so với nam giới. Sự đào thải máu xấu ra khỏi cơ thể hàng tháng không khiến phụ nữ yếu đi mà người lại còn thúc đẩy quá trình làm mới và tái tạo các tế bào máu, làm cho hệ thống tuần hoàn ở phụ nữ linh hoạt hơn, tỷ lệ tử vong ít hơn.
2. Các yếu tố gây rối loạn kinh nguyệt
Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng thất thường về chu kỳ kinh nguyệt cùng với số lượng máu kinh so với các chu kỳ thông thường trước đó cũng biến đổi. Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên rối loạn kinh nguyệt như:
- Bệnh nội tiết;
- Thương tổn thực thể bộ phận sinh sản nữ;
- Mất cân bằng tâm lý;
- Thay đổi điều kiện sống, môi trường sống;
- Do thuốc điều trị.
3. Uống thuốc kháng sinh có làm chậm kinh nguyệt không?
Trong 14 ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt kéo dài 28 ngày, nang trứng sẽ bắt đầu phát triển đồng thời sản xuất thêm estrogen. Điều này giúp lớp nội mạc tử cung dày thêm. Khi quá trình rụng trứng kết thúc thì estrogen sẽ được kết hợp bởi progesterone từ thể vàng để làm nội mạc tử cung trưởng thành và dày hơn. Nếu sử dụng thuốc kháng sinh trong thời kì trước khi xảy ra chu kỳ kinh nguyệt thì thuốc sẽ tiết ra hormon gonadotropin tác động trực tiếp lên tử cung khiến lượng estrogen bị giảm gây chậm kinh.
Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự trao đổi chất estrogen. Khi thuốc kháng sinh có mặt trong gan thì tỉ lệ chuyển hoá estrogen cũng như progesterone sẽ bị ảnh hưởng. Điều này khiến việc cung cấp estrogen trong máu bị cản trở khiến kinh nguyệt bị rối loạn.
4. Các loại thuốc có thể gây rối loạn kinh nguyệt
Ngoài kháng sinh, còn có một số loại thuốc khác có thể gây nên rối loạn kinh nguyệt như:
- Thuốc tránh thai: Sử dụng thường xuyên thuốc tránh thai có thể làm thay đổi nồng độ hormone đột ngột khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, dẫn tới kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn, rong kinh kéo dài.
- Thuốc chống loạn thần và chống trầm cảm: Có thể làm mất kinh, chậm kinh hoặc kéo dài chu kỳ kinh nguyệt
- Thuốc giảm cân: Thay đổi cân nặng đột ngột cũng có thể gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, tỷ lệ mỡ cơ thể dưới 17% cũng có thể gây chậm kinh
- Steroid: Sử dụng steroid như prednisolon kéo dài có thể gây rối loạn kinh nguyệt kéo dài và đôi khi chảy máu nhiều hơn.
- Thuốc Hormone: Khi uống nhiều có thể dẫn tới rối loạn kinh nguyệt, ức chế rụng trứng, làm ngực căng đau hoặc kinh nguyệt kéo dài.
5. Các loại thuốc không nên sử dụng khi đang có kinh nguyệt
Ngoài các loại thuốc uống gây rối loạn kinh nguyệt thì khi đang hành kinh phụ nữ cũng nên chú ý tới một số loại thuốc gây ảnh hưởng như sau:
- Thuốc chống đông máu: Có thể gây rong kinh và mất nhiều máu.
- Thuốc cầm máu: Có tác dụng làm mao mạch giảm co thắt và giảm tính thấm, gây ứ huyết khiến máu kinh không thể đẩy ra ngoài.
- Thuốc nội tiết: Vì hành kinh là giai đoạn nội tiết người phụ nữ đang không ổn định, do đó sử dụng thuốc nội tiết trong thời điểm này càng gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố.
- Thuốc đặt âm đạo: Những ngày hành kinh nếu dùng thuốc đặt âm đạo có thể vô tình làm cản trở máu kinh không ra được bên ngoài, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, thuốc chưa kịp phát huy tác dụng thì đã có thể bị hoà lẫn hoặc kéo ra ngoài theo máu kinh.
- Thuốc nhuận tràng: Có tác dụng phụ gây xung huyết và tắc nghẽn vùng chậu nên được khuyến cáo không dùng khi phụ nữ đang hành kinh.
- Thuốc giảm béo, thuốc chống thèm ăn: Có thể gây nguy cơ tiểu khó, lo âu, thường xuyên đánh trống ngực và rối loạn kinh nguyệt.
- Các loại thuốc khác: Thuốc tránh thai, kháng sinh, rifampicin điều trị lao, aspirin, NSAID, thuốc hoá trị, thuốc tuyến giáp và liệu pháp hormone.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.