Uống thuốc điều trị bệnh lao bao nhiêu lâu thì hết lây?

Lao là một bệnh lý truyền nhiễm có tỷ lệ lây nhiễm cao nếu làm việc, tiếp xúc và chung sống với người bệnh thường xuyên. Người mắc bệnh lao phổi thường phải uống thuốc điều trị trong thời gian từ 6-9 tháng, hoặc thậm chí lâu hơn 12 tháng. Vậy uống thuốc lao bao lâu thì hết lây và tại sao bệnh có thời gian điều trị lâu như vậy?

1. Người mắc bệnh lao phổi nên dùng thuốc gì để điều trị?

Khi được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi, người bệnh thường được bác sĩ chỉ định dùng thuốc để kiểm soát cơn ho và điều trị bệnh. Thông thường thuốc điều trị lao sẽ được bác sĩ kê đơn, dựa vào tình trạng bệnh, độ tuổi, thói quen sinh hoạt của mỗi người. Người bệnh sẽ cần dùng nhiều loại kháng sinh khác nhau uống kết hợp sẽ có tác dụng tốt hơn trong việc tiêu diệt tất cả vi trùng lao và ngăn chúng trở nên kháng thuốc.

Các loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị bệnh lao bao gồm:

  • Isoniazid
  • Rifampin
  • Ethambutol
  • Pyrazinamide

Thời gian dùng thuốc điều trị lao phổi thường kéo dài trong 6-9 tháng, tùy thuộc vào loại phác đồ được sử dụng.

2. Bệnh lao phổi uống thuốc bao lâu thì hết lây?

Mặc dù có thời gian dùng thuốc điều trị khá lâu nhưng người bệnh sẽ cảm thấy khỏe hơn, hết ho và không còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác chỉ sau khoảng 2 tuần dùng thuốc. Dù vậy, cần tối thiểu 6 tháng hoặc lâu hơn để có thể tiêu diệt hết vi khuẩn lao trong cơ thể.

Việc dùng thuốc điều trị bệnh lao, không chỉ để kiểm soát các cơn ho mà hơn cả chính là để loại bỏ triệt để vi khuẩn lao. Khi loại bỏ hết vi khuẩn này thì bệnh nhân mới không có nguy cơ tái nhiễm bệnh và người chung sống hay tiếp xúc gần cũng không có nguy cơ bị lây nhiễm.

Chính vì thế, bệnh nhân dùng thuốc điều trị lao luôn phải tuân thủ đúng thời gian dùng thuốc kể cả khi đã hết ho vẫn cần dùng thêm. Điều này ngăn ngừa các triệu chứng tái phát và giảm nguy cơ vi khuẩn lao trở nên kháng thuốc.

Một khi vi khuẩn lao còn sống sót, bùng phát trở lại và biến đổi để kháng thuốc. Lúc này, bệnh sẽ nghiêm trọng hơn, kéo dài và khó điều trị hơn. Khi lao kháng thuốc, tức là những loại thuốc cũ không còn tác dụng, người bệnh phải dùng những loại thuốc mới trong thời gian dài hơn, giá cao hơn với nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng hơn.

Trong trường hợp nếu để bệnh tiến triển trở thành lao đa kháng thì sẽ rất khó điều trị, tỷ lệ để bệnh khỏi hoàn toàn gần như không thể.

Lưu ý rằng, sau thời gian điều trị hết đơn thuốc người bệnh cần tái khám để chắc chắn vi khuẩn lao đã không còn trong cơ thể.

3. Những vấn đề đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh lao

Thực tế việc bệnh nhân điều trị bệnh nhanh khỏi hay lâu khỏi cũng một phần nằm trong kế hoạch dùng thuốc. Bởi điều này sẽ tác động đến quá trình điều trị bệnh. Vì thế, người bệnh cần lưu ý một vài vấn đề sau:

  • Uống thuốc vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Để tránh bị quên bạn có thể đặt báo thức nhắc nhở hàng ngày.
  • Nếu quên uống thuốc lao 1 ngày, hãy bỏ qua liều đó và dùng liều kế tiếp theo phác đồ điều trị.
  • Thăm khám định kỳ và báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào đang gặp phải với bác sĩ.
  • Tránh uống rượu khi đang điều trị bệnh lao, bởi rượu hay bia có thể làm tăng tác dụng phụ và độc tính của thuốc.Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến tế bào gan cơ thể.
  • Sau mỗi lần hết thuốc bệnh nhân cần thực hiện việc thăm khám định kỳ.
  • Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống, sinh hoạt, duy trì lối sống lành mạnh để bệnh sớm được điều trị khỏi hoàn toàn.
  • Trong quá trình mắc bệnh và dùng thuốc bạn nên hạn chế tối đa việc tiếp xúc với người khác để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh ra cộng đồng.

Tóm lại, sau khi sử dụng thuốc khoảng 2 hoặc 3 tuần, người mắc bệnh lao có thể không còn khả năng lây lan vi khuẩn lao sang người khác. Lúc này bệnh nhân có thể quay trở lại công việc và hoạt động bình thường nhưng vẫn cần dùng thuốc và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe