Phần lớn trường hợp chu kỳ kinh nguyệt thay đổi là bình thường, kinh nguyệt có thể bắt đầu sớm hoặc muộn hơn giữa các chu kỳ. Tuy nhiên, nếu chu kỳ kinh nguyệt thường xuyên thay đổi, điều này có thể do một số nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng thuốc. Vậy uống thuốc dị ứng có ảnh hưởng đến kinh nguyệt không?
1.Uống thuốc dị ứng có ảnh hưởng đến kinh nguyệt hay không?
Thuốc dị ứng thông dụng nhất hiện nay chính là nhóm kháng histamin. Vậy để trả lời câu hỏi uống thuốc dị ứng có ảnh hưởng đến kinh nguyệt hay không chúng ta cần tìm hiểu mối liên hệ giữa histamin và các hormon sinh dục. Các thuốc dị ứng kháng histamin (như Benadryl, Claritin, Zyrtec) chưa được chứng minh khả năng gây ra những thay đổi đáng kể về hoạt động các hormone sinh dục và không liên quan đến những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Theo sinh lý bình thường, chắc chắn rằng có mối quan hệ nhất định giữa histamin và một số hormone sinh dục (estrogen và progesterone) trong cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, thuốc dị ứng kháng histamin ảnh hưởng như thế nào đến các hormone này và có gây rối loạn kinh nguyệt hay không vẫn chưa được biết rõ. Dường như không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào đến chu kỳ kinh nguyệt, nhưng đã có một số nghiên cứu về mối quan hệ giữa histamin, hormone và chu kỳ hành kinh.
Theo sinh lý bình thường của cơ thể, estrogen có khả năng kích thích giải phóng histamin từ các tế bào mast và làm giảm lượng enzyme đào thải histamin khỏi cơ thể. Ngược lại, histamin cũng có thể kích thích sản xuất estradiol (một dạng estrogen). Các nhà khoa học đồng ý rằng histamin rất quan trọng đối với quá trình rụng trứng bình thường, quá trình bài tiết sữa, tạo môi trường tử cung thích hợp cho trứng làm tổ và điều hòa hoạt động co bóp của tử cung.
Mặc dù histamin là một trong những chất quan trọng, có ảnh hưởng với nhiều quá trình trong cơ thể, nhưng vẫn còn thiếu chứng cứ về tác dụng của thuốc dị ứng kháng histamin có thể gây ra bất kỳ thay đổi nào đối với chu kỳ kinh nguyệt.
Chắc chắn rằng việc này có thể xảy ra dựa trên những thông tin chúng ta đã biết về histamin, nhưng một lần nữa thông tin vẫn chưa đầy đủ. Trong các thử nghiệm lâm sàng đối với nhiều loại thuốc kháng histamin, ít có báo cáo về các tác dụng phụ nhất định như:
- Đau bụng kinh;
- Đau vú;
- Rối loạn kinh nguyệt như chảy máu giữa kỳ kinh.
Một nghiên cứu duy nhất đã kiểm tra tác dụng của thuốc dị ứng kháng histamin đối với kinh nguyệt cho thấy rằng việc sử dụng chlorpheniramine (một loại thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên) làm giảm tổng lượng máu mất trong những ngày hành kinh. Không có báo cáo nào liên quan đến việc chậm kinh hoặc ảnh hưởng quá trình rụng trứng.
Nếu bệnh nhân không dùng nhiều hơn liều lượng thuốc kháng histamin được khuyến cáo, chúng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Uống nhiều hơn liều khuyến cáo hoặc kết hợp nhiều loại khác nhau có thể ảnh hưởng đến kinh nguyệt hay không còn tùy thuộc cơ địa mỗi người, chỉ là không có bất kỳ thông tin chính xác nào.
Nếu bạn đang tìm kiếm các phương pháp điều trị thay thế thuốc kháng histamin cho bệnh nổi mề đay kháng thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ điều trị. Các loại thuốc kháng histamin được nghiên cứu nhiều nhất để điều trị phát ban (mày đay) bao gồm:
- Xyzal;
- Zyrtec;
- Allegra;
- Hydroxyzine;
- Singulair;
- Xolair.
2.Các loại thuốc khác có khả năng gây rối loạn kinh nguyệt
2.1. Thuốc kiểm soát sinh sản bằng nội tiết tố
Thuốc tránh thai hoặc đặt vòng tránh thai nội tiết tố thường làm cho kinh nguyệt ngắn hơn và đều đặn hơn. Chúng đôi khi được kê đơn như một phương pháp điều trị cho những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung - tình trạng có thể gây chảy máu kinh nguyệt nhiều và chuột rút rất đau đớn.
Tuy nhiên, nếu bạn dùng thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin thì trong giai đoạn đầu mới sử dụng thuốc, chu kỳ có thể ít đều đặn hơn. Một số phụ nữ bị ra máu giữa các kỳ kinh nguyệt, lặp lại liên tục trong vài tháng sau khi bắt đầu dùng thuốc. Một số phụ nữ còn nhận thấy tình trạng trễ kinh trong một vài tháng sau khi đã ngừng thuốc tránh thai.
2.2. Liệu pháp hormone
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nồng độ hormone trong cơ thể nữ giới thay đổi rất nhiều, điều này dẫn đến hiện tượng kinh nguyệt không thể đoán trước và thường nặng hơn bình thường. Liệu pháp hormone (estrogen, progesterone hoặc kết hợp cả hai) có thể giúp chu kỳ trở nên đều đặn hơn, tuy nhiên cần phải nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro và lợi ích.
2.3. Warfarin (Coumadin)
Đây là thuốc có tác dụng giúp ngăn ngừa cục máu đông, vấn đề lớn nhất liên quan đến thuốc đó chính là chảy máu. Nếu người bệnh đang uống thuốc này và nhận thấy lượng máu kinh nguyệt trở nên nhiều bất thường hoặc bị chảy máu giữa các kỳ kinh thì phải báo ngay cho bác sĩ điều trị.
2.4. Aspirin và NSAID
Aspirin giúp ngăn ngừa cục máu đông, bác sĩ thường kê đơn thuốc này sau một cơn đau tim hoặc đột quỵ - xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn do cục máu đông. Tuy nhiên nếu dùng aspirin thường xuyên, người bệnh có thể nhận thấy kinh nguyệt của mình nhiều hơn hoặc kéo dài hơn bình thường.
Các loại thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID), bao gồm ibuprofen và naproxen đã được chứng minh là có tác dụng ngược lại, chúng có thể làm cho kinh nguyệt nhẹ hơn.
2.5. Thuốc tuyến giáp
Tuyến giáp được xem là một tuyến tạo ra một số hormone, khi tuyến giảm sản sinh không đủ hormon gọi là suy giáp, tình trạng này có thể dẫn đến rối loạn kinh nguyệt.Một loại thuốc dùng để điều trị suy giáp được gọi là levothyroxine (Levoxyl, Synthroid) giúp thay thế các hormone bình thường do tuyến giáp tạo, đồng thời thuốc nó có thể gây ra những thay đổi trong kỳ kinh của nữ giới.
2.6. Thuốc chống trầm cảm
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng một số phụ nữ dùng thuốc chống trầm cảm thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt như chuột rút đau đớn, chảy máu nhiều hoặc trễ kinh do tác dụng phụ. Có nhiều khả năng kinh nguyệt bất thường sẽ kéo dài trong 3 tháng đầu tiên sau khi bắt đầu dùng thuốc, tuy nhiên cần nói ngay với bác sĩ nếu chu kỳ kinh nguyệt không trở lại bình thường sau đó.
2.7. Thuốc trị động kinh
Các nghiên cứu về phụ nữ bị động kinh và dùng thuốc chống động kinh đã chỉ ra rằng nhiều người thường xuyên bị trễ kinh, rối loạn kinh nguyệt hoặc thay đổi độ dài của chu kỳ.
2.8. Hóa trị liệu
Phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liệu có thể khiến chu kỳ kinh trở nên bất thường, kinh nguyệt không đều hoặc kinh nguyệt ra nhiều hơn bình thường, thậm chí chu kỳ kinh nguyệt có thể ngừng hoàn toàn. Nếu bệnh nhân dưới 40 tuổi, chu kỳ có thể sẽ bắt đầu lại sau khi kết thúc quá trình điều trị hóa chất.
Nếu bệnh nhân không dùng nhiều hơn liều lượng thuốc kháng histamin được khuyến cáo, thì hầu hết các loại thuốc dị ứng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Ngoài các loại thuốc dị ứng thì một số loại thuốc nêu trên cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Vì thế, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh cần thăm khám sức khỏe định kỳ và thực hiện theo đúng hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com, walrus.com