Dị ứng là phản ứng của cơ thể trước những chất lạ gây hại hoặc gây kích ứng dẫn đến các biểu hiện như: phát ban, nổi mề đay, ngứa ngáy, tiêu chảy... Khi đó, việc uống thuốc dị ứng để “xoa dịu” hệ miễn dịch là rất tốt. Vậy thông thường uống thuốc dị ứng bao lâu sẽ có tác dụng?
1. Phản ứng dị ứng của cơ thể
Về cơ bản, triệu chứng dị ứng là kết quả của hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức, khi nhầm một chất vô hại (thường là phấn hoa hoặc lông động vật) với một thứ gì đó nguy hiểm hơn (như vi trùng hoặc virus) và bắt đầu tấn công hàng loạt.
Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ giải phóng histamin và bám vào các thụ thể trên các tế bào khác. Sau khi gắn vào thụ thể, histamin làm cho các tế bào đó bị sưng lên và gây ra tình trạng viêm.
Thuốc kháng histamin (hay còn gọi là thuốc dị ứng ngứa, thuốc dị ứng da...) hoạt động bằng cách ngăn chặn histamin gây ảnh hưởng đến các tế bào này.
Khi uống thuốc dị ứng sớm, người bệnh có thể ngăn chặn tình trạng viêm và dị ứng xảy ra, do thuốc kháng histamin có khả năng ngăn chặn histamin liên kết với các thụ thể của nó tại các tế bào, không gây triệu chứng dị ứng hoặc triệu chứng dị ứng sẽ nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên nếu người bệnh dùng thuốc sau khi đã có các triệu chứng dị ứng thì histamine đã bám vào thụ thể và kích hoạt quá trình viêm.
2. Uống thuốc dị ứng bao lâu thì có tác dụng?
Các loại thuốc dị ứng da, thuốc dị ứng ngứa thuộc nhóm thuốc kháng histamin. Cả cetirizine và loratadin đều là thuốc kháng histamin không gây khó chịu buồn ngủ cho người bệnh.
Thuốc kháng histamin nổi tiếng khiến bệnh nhân buồn ngủ, vì thuốc có thể đi vào hệ thần kinh trung ương dễ dàng và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tỉnh táo của người dùng thuốc. Tuy nhiên, thuốc kháng histamin thế hệ mới thường ít gây ra tác dụng phụ này hơn.
Khi bệnh nhân gặp phải phản ứng dị ứng trầm trọng dẫn đến việc không thể ngừng hắt hơi, mắt chảy nhiều nước, gây cản trở thị lực, khi đó việc uống thuốc dị ứng sẽ cho hiệu quả cải thiện triệu chứng rất tốt, vậy uống thuốc dị ứng bao lâu thì có tác dụng?
Trong các hoạt chất của thuốc chống dị ứng có Loratadine, hoạt chất này được sử dụng vô cùng phổ biến, cho hiệu quả cải thiện tình trạng dị ứng trong khoảng thời gian từ 1-3 giờ và đạt hiệu quả cao nhất sau khoảng 8-12 giờ. Thuốc thường kéo dài trong 24 giờ ở hầu hết các bệnh nhân, vì vậy thuốc được dùng một lần mỗi ngày.
Mặc dù thuốc không giúp giảm đau nhanh chóng như một số thuốc kháng histamin, tuy nhiên Loratadin không gây buồn ngủ ở hầu hết mọi người và thích hợp để sử dụng hàng ngày.
Loratadin có tác dụng kéo dài, nếu hầu hết mọi người trải qua ít nhất 24 giờ mới thấy sự thuyên giảm sau một liều duy nhất thì Cetirizin lại hoạt động rất nhanh. Trường hợp này người dùng có thể cảm thấy nhẹ nhõm chỉ trong 1 giờ sau khi dùng thuốc.
3. Tác dụng phụ khi uống thuốc dị ứng
Cetirizin và Loratadin là những thuốc thuộc nhóm kháng Histamin ít tác dụng phụ và được công nhận an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, bất kỳ loại thuốc nào đều sẽ có tác dụng phụ và thuốc dị ứng ngứa, dị ứng da cũng không phải ngoại lệ.
Cetirizin có thể làm một số ít người sử dụng cảm thấy buồn ngủ. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì bệnh nhân nên sử dụng khi có nhiều thời gian ở nhà để phòng ngừa trường hợp buồn ngủ. Loratadin ít gây buồn ngủ hơn Cetirizin khi sử dụng ở liều khuyến cáo.
Một số tác dụng phụ ở mức độ nhẹ khi uống thuốc dị ứng bao gồm:
- Đau đầu;
- Cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt mỏi;
- Khô miệng;
- Đau họng;
- Chóng mặt;
- Đau bụng;
- Đỏ mắt;
- Tiêu chảy hoặc táo bón.
Một số phản ứng phụ nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nhưng tỷ lệ rất thấp. Nếu người sử dụng xuất hiện các dấu hiệu sau cần nhận sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt:
- Sưng phù ở môi, lưỡi, mặt hoặc cổ họng;
- Khó thở;
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều.
Trẻ em có thể có bất kỳ tác dụng phụ tương tự người lớn nhưng ngoài những tác dụng không mong muốn thì khi uống thuốc dị ứng kháng histamin trẻ em có thể bị kích thích, bồn chồn hoặc khó ngủ.
Phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc Cetirizin và Loratadin. Mặc dù 2 loại thuốc này chưa ghi nhận những rủi ro hoặc dị tật bẩm sinh cho thai kỳ nhưng các bác sĩ khuyến cáo không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khi đang mang thai trừ khi lợi ích mang lại vượt trội hơn những tác hại.
Các nghiên cứu đã chứng minh Loratadin đi vào sữa mẹ với hàm lượng cực thấp. Mặc dù có thể gây buồn ngủ nhưng với việc sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo thì loại thuốc này không có khả năng gây tác dụng phụ ở trẻ bú mẹ.
Tuy nhiên, tương tự các thuốc kháng histamin khác, Loratadin ảnh hưởng đến quá trình bài tiết và có thể làm giảm lượng sữa. Do đó chỉ nên dùng Loratadin ở liều thấp nhất nếu đang cho con bú.
Tốt nhất khi có ý định uống thuốc dị ứng bạn nên tham khảo ý kiến của dược sĩ, bác sĩ. Việc dùng đúng thuốc, đủ liều lượng luôn mang đến kết quả điều trị tốt và an toàn cho sức khỏe người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com - usarx.com - webmd.com