Thiếu chất hoặc thiếu dinh dưỡng nằm trong nhóm vấn đề suy dinh dưỡng, thường là kết quả từ việc ăn uống thiếu chất, cơ thể hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng kém, hoặc cơ thể tăng nhu cầu về dinh dưỡng so với bình thường. Khi bị thiếu chất, hàng loạt các vấn đề có thể xảy ra, bao gồm tình trạng mệt mỏi và suy kiệt.
1. Thiếu dinh dưỡng liên quan đến tình trạng ăn uống nào?
Hầu hết nguyên nhân dẫn đến vấn đề thiếu chất dinh dưỡng của cơ thể đều đến từ chế độ ăn uống hàng ngày. Trong đó, một số kiểu dinh dưỡng sau thường xuyên bị đánh giá là ăn thiếu chất.
1.1. Ăn chay kéo dài
Ăn chay thường chia thành 2 dạng:
- Ăn chay có sự cho phép sữa và trứng trong bữa ăn: chế độ này có độ tương thích tốt với sức khỏe, tuy nhiên có thể gây ra tình trạng thiếu sắt, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình tạo máu cũng như chất lượng hồng cầu của cơ thể.
- Ăn thuần chay (loại bỏ hoàn toàn các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật): chế độ này gây ra sự thiếu hụt các vitamin nhóm B, đặc biệt là vitamin B12. Ngoài ra, chế độ ăn chay cũng thường có xu hướng cung cấp ít canxi, kẽm và sắt.
- Chế độ ăn chay chỉ dùng trái cây: đây là chế độ ăn thiếu chất rất không được khuyến nghị bởi nó làm thiếu hụt nhóm dinh dưỡng lớn là protein, đồng thời cũng khiến cơ thể không hấp thụ natri và các loại vi chất dinh dưỡng khác.
1.2. Chế độ ăn uống kém lành mạnh
Một số loại chế độ dinh dưỡng với mục tiêu xác định (như giảm cân hoặc tăng cân) có sự bố trí dinh dưỡng thiếu khoa học, khiến cơ thể không nạp được protein, các loại vitamin và khoáng chất quan trọng. Những cách ăn uống thiếu chất này khiến cơ thể gặp vấn đề rối loạn tim mạch, thận cũng như hoạt động chuyển hóa dinh dưỡng, thậm chí gây ra tử vong.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một chế độ ăn kiêng với lượng calo thấp dưới 400 kcal mỗi ngày sẽ khiến sức khỏe tụt dốc không phanh nếu áp dụng lâu dài.
1.3. Sử dụng thuốc, chất bổ sung dinh dưỡng, rượu bia
Đây là phương pháp phổ biến dùng để bổ sung các chất dinh dưỡng mà cơ thể đang thiếu hụt. Tuy nhiên, chúng có khả năng gây ra tình trạng thiếu chất bằng một số phương thức:
- Một số loại thuốc ngăn cản sự thèm ăn và gây no lâu, khiến bạn ăn ít hơn.
- Một số loại chất bổ sung có thể gây suy giảm quá trình hấp thụ dinh dưỡng/ chuyển hóa dinh dưỡng.
- Rượu bia có khả năng gây cản trở hấp thụ và chuyển hóa dinh dưỡng.
2. Dấu hiệu phổ biến cho thấy bạn đang thiếu chất
2.1. Tình trạng cơ thể mệt mỏi là thiếu chất gì?
Ở trường hợp này, bạn sẽ có dấu hiệu mệt mỏi và căng thẳng thường xuyên, dễ bị cảm mạo, thiếu hoặc mất ngủ... Tình trạng kiệt sức kéo dài có thể là kết quả của sự thiếu hụt một số loại vitamin, đặc biệt là vitamin D. Một số nhóm chất cũng liên quan tới biểu hiện này là protein, khoáng chất magie, sắt, vitamin C và E...
Theo sự giải thích từ các nhà khoa học, để có thể hoạt động, cơ thể con người luôn cần một nguồn năng lượng. Khi đó, vitamin và khoáng chất sẽ là các chất xúc tác trong quá trình tạo ra năng lượng, còn protein sẽ giải phóng năng lượng cần thiết.
Vì vậy, dấu hiệu cơ thể mệt mỏi là biểu hiện điển hình khi bạn đang bị thiếu một hoặc tất cả những nhóm chất trên.
Bên cạnh đó, hiện tượng mệt mỏi cũng có khả năng là kết quả của việc ăn thiếu chất với nguồn calo cung cấp ít hơn 1000 calo / ngày. Hấp thụ quá ít calo sẽ khiến tốc độ trao đổi chất chậm hơn, dẫn đến kiệt sức nhanh chóng.
2.2. Thường xuyên bị đói, thèm ăn
Đây là dấu hiệu rất rõ ràng khi cơ thể không được bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Theo nhiều nghiên cứu, sự thèm ăn có xu hướng tăng cao do hormone kiểm soát đói - no bị thay đổi nồng độ. Khi hạn chế lượng calo tiêu thụ, cơ thể sẽ phát tín hiệu đói và thèm ăn, đòi hỏi bạn bổ sung thêm calo cho các hoạt động.
2.3. Tóc gãy rụng và khô xơ là dấu hiệu của ăn uống thiếu chất sắt
Mỗi ngày, dù nam hay nữ đều sẽ rụng một vài sợi tóc. Tuy nhiên, khi lượng tóc rụng gia tăng một cách không kiểm soát, đây là dấu hiệu thông báo cơ thể thiếu protein và sắt.
Để đảm bảo có một mái tóc khỏe mạnh và phát triển bình thường, bạn nên bổ sung thêm protein, biotin, sắt cũng như các khoáng chất thiết yếu khác thông qua chế độ dinh dưỡng.
2.4. Môi nứt nẻ, bong tróc
Hiện tượng khô môi báo hiệu cơ thể của bạn đang thiếu vitamin A đáng kể. Vitamin A đóng nhiều vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các mô / tế bào ở bên trong và bề mặt của cơ thể.
Mụn trứng cá / mẩn đỏ cũng là dấu hiệu ăn uống thiếu chất
Khi bạn thường xuyên tiêu thụ thực phẩm được chế biến sẵn / rượu bia / đồ uống có cồn, khả năng cao cơ thể bạn đang bị thiếu hụt kẽm - một khoáng chất quan trọng đối với sức khỏe đường ruột và hệ miễn dịch. Kết quả của vấn đề này là các ảnh hưởng tiêu cực liên quan tới làn da bên ngoài thông qua mụn trứng cá, mẩn đỏ... Ngoài ra, bạn cũng dễ bị nhiễm trùng hơn.
Có thể nói, việc ăn uống thiếu chất không chỉ gây ra mệt mỏi mà còn có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Vì vậy, bạn cần thực hiện một chế độ dinh dưỡng hàng ngày đảm bảo đủ các nhóm dinh dưỡng thiết yếu với sức khỏe.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.