Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Minh Hương - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Cần xét đến lượng carbohydrate trong chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường để giữ mức glucose huyết ổn định. Biết được chế độ ăn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu ra sao cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và tình trạng đường máu cao.
1. Đường huyết là gì?
Đường trong máu, còn được gọi là glucose huyết, đến từ những thực phẩm mà bạn tiêu thụ hàng ngày. Cơ thể tạo ra đường trong máu bằng cách tiêu hóa một số loại thực phẩm thành glucose lưu thông trong máu. Đường trong máu được lưu trữ trong các tế bào để chuyển hóa thành năng lượng sử dụng khi cần thiết.
Tuy nhiên quá nhiều đường trong máu có thể gây hại. Bệnh tiểu đường tuýp 2 đặc trưng bởi nồng độ đường máu cao hơn so với giới hạn bình thường. Bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến các vấn đề về tim, thận, mắt và mạch máu.
Nếu biết được chế độ ăn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu như thế nào, bạn có thể bảo vệ bản thân khỏi mắc bệnh tiểu đường. Còn đối với người đã bị tiểu đường, kiến thức về chế độ ăn ảnh hưởng đến lượng đường trong máu càng trở nên quan trọng mà họ buộc phải nắm rõ.
2. Điều gì xảy ra khi bạn ăn?
Cơ thể sẽ nghiền nát mọi thứ bạn ăn và hấp thụ các dưỡng chất khác nhau có trong thức ăn. Những chất dinh dưỡng này bao gồm:
- Carbohydrate (đường, tinh bột và chất xơ);
- Protein (đạm);
- Chất béo;
- Vitamin và các khoáng chất bổ dưỡng khác.
Carbohydrate mà bạn tiêu thụ sẽ chuyển hóa thành glucose trong máu. Càng ăn nhiều carbohydrate, lượng đường cơ thể tiết ra càng cao. Nếu tiêu thụ carbohydrate ở dạng lỏng thì cơ thể sẽ hấp thụ nhanh hơn so với trong thực phẩm rắn. Vì vậy, một ly nước ngọt sẽ khiến lượng đường trong máu của bạn tăng nhanh hơn so với một miếng bánh pizza.
Chất xơ - một nhóm chất rất quan trọng đối với sức khỏe, cũng là một thành phần của carbohydrate nhưng không được chuyển thành đường. Nguyên nhân là do chất xơ không thể được tiêu hóa. Ngoài ra, protein, chất béo, nước, vitamin và khoáng chất sẽ không chứa carbohydrate - nhóm chất có tác động lớn nhất đến mức đường huyết.
3. Thực phẩm giàu carbohydrate
Các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate chính là nguyên nhân lớn nhất tạo ra sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu của bạn. Chúng có trong những món ăn như:
- Sản phẩm từ hạt trắng, ví dụ mì ống và gạo;
- Bánh quy;
- Bánh mì trắng;
- Các loại ngũ cốc chế biến;
- Đồ uống có đường.
Nếu chỉ cần theo dõi lượng carbohydrate nạp vào, bạn không nhất thiết phải tránh những thực phẩm trên. Thay vào đó, nên điều chỉnh khẩu phần ăn và thay thế bằng ngũ cốc nguyên hạt khi có thể.
Đối với bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ sẽ đề nghị lượng carbohydrate mà họ được phép tiêu thụ cho mỗi bữa ăn chính và phụ. Bạn cũng có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để lập kế hoạch chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường.
4. Những yếu tố khác ảnh hưởng đến đường huyết
4.1. Thói quen ăn uống
Chế độ ăn uống hợp lý cũng có khả năng hạn chế sự gia tăng đột biến lượng đường trong máu. Các bữa ăn hỗn hợp - bao gồm cả protein, chất béo và chất xơ, sẽ giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate. Chúng sẽ hạn chế tình trạng đường máu cao quá mức sau bữa ăn.
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày cũng rất quan trọng. Cố gắng giữ cho lượng đường trong máu của bạn ổn định bằng cách ăn sau mỗi 3 - 5 giờ. Ba bữa ăn chính bổ dưỡng mỗi ngày, cộng với một vài bữa ăn nhẹ lành mạnh, có thể giữ cho chỉ số glucose máu của bạn ổn định.
4.2. Tập thể dục
Tập thể dục có ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu vì glucose huyết được sử dụng để chuyển hóa thành năng lượng. Khi bạn sử dụng cơ bắp, các tế bào sẽ hấp thụ đường từ máu để lấy năng lượng.
Tùy thuộc vào cường độ hoặc thời gian luyện tập, các hoạt động thể chất thậm chí có thể làm giảm mức đường huyết trong nhiều giờ ngay cả sau khi đã ngừng vận động.
Nếu tập thể dục thường xuyên, các tế bào trong cơ thể sẽ phản ứng tốt và nhạy cảm với insulin hơn. Điều này giúp lượng đường trong máu luôn trong phạm vi bình thường, từ đó tuyến tụy sẽ hoạt động tốt, không bị suy giảm chức năng vì glucose máu cao.
4.3. Insulin
Insulin - được tạo ra từ tuyến tụy, là một hormone quan trọng giúp điều chỉnh và kiểm soát lượng đường huyết bằng cách hỗ trợ các tế bào hấp thụ glucose từ máu.
Cơ thể của người bị tiểu đường tuýp 1 sẽ không tạo ra insulin. Do đó họ buộc phải tiêm insulin mỗi ngày.
Cơ thể của người bị tiểu đường tuýp 2 có sản xuất insulin, nhưng có thể không đủ hoặc bị sử dụng sai đúng cách. Các tế bào không có phản ứng với insulin, do đó nhiều đường sẽ lưu thông trong máu hơn.
4.4. Yếu tố khác
Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không đủ để quản lý lượng đường trong máu, những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 có thể được kê đơn thuốc để giữ chỉ số glucose huyết trong phạm vi an toàn.
Ngoài ra, sức khỏe, tuổi tác và thói quen sinh hoạt của bạn cũng góp phần vào việc giữ mức đường huyết phù hợp.
5. Kiểm tra lượng đường trong máu
Vận động thể chất và chế độ ăn ảnh hưởng trực tiếp đến lượng đường trong máu, nhưng việc đo chỉ số glucose huyết sẽ cho kết quả cụ thể nhất, giúp bạn điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp.
Những người đã kiểm tra không bị tiểu đường thì không cần kiểm tra lượng đường trong máu hàng ngày. Nếu bạn bị tiểu đường, tần suất kiểm tra mức đường huyết phụ thuộc vào kế hoạch điều trị của bạn. Vì vậy nên tiến hành đo đường theo lời khuyên của bác sĩ điều trị.
Thông thường mọi người thường thử đường vào:
- Buổi sáng;
- Trước và sau bữa ăn;
- Trước và sau khi tập thể dục;
- Trước khi đi ngủ;
- Khi cảm thấy không khỏe.
Máy đo đường huyết được dùng để kiểm tra lượng đường trong máu có nằm trong phạm vi mục tiêu hay không. Bác sĩ cũng sẽ dựa vào chỉ số này để đưa ra kế hoạch điều trị riêng biệt cho mỗi cá nhân.
6. Lưu ý chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường
Carbohydrate là thành phần chính ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, nhưng không phải là dưỡng chất duy nhất cung cấp calo. Thực phẩm chứa protein và chất béo cũng sẽ mang lại năng lượng cho cơ thể.
Nếu tiêu thụ nhiều calo hơn mức sẽ đốt cháy trong một ngày, chúng sẽ được chuyển thành chất béo và được lưu trữ trong cơ thể. Càng tăng cân thì cơ thể càng ít nhạy cảm với insulin. Kết quả là lượng đường trong máu của bạn cũng sẽ tăng lên.
Nhìn chung, bạn nên tránh hoặc giảm thiểu lượng đồ uống ngọt, cũng như thực phẩm được chế biến sẵn chứa nhiều carbohydrate và chất béo không lành mạnh. Ví dụ, một chiếc bánh sôcôla hạnh nhân có thể chứa nhiều carbohydrate ngang với một quả chuối. Nhưng chuối còn có thêm chất xơ, kali và vitamin mà cơ thể cần trong khi bánh ngọt không thể mang lại những lợi ích đó.
Nếu bạn mắc bệnh hoặc có lượng đường máu cao, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn cho bệnh nhân tiểu đường an toàn và lành mạnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói Sàng lọc tim mạch và tiểu đường dưới sự thực hiện của đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trang thiết bị công nghệ hiện đại, sẽ giúp đưa ra kết quả xét nghiệm tiểu đường chính xác nhất, từ đó đề ra phác đồ điều trị phù hợp.
ThS.Bs Lê Thị Minh Hương đã có hơn 06 năm kinh nghiệm khám và điều trị các bệnh lý nội khoa, cấp cứu và hồi sức cấp cứu. Ngoài ra, còn có khả năng thực hiện các kỹ thuật đặt catheter, thận nhân tạo ở bệnh nhân có bệnh thận mạn giai đoạn cuối, lọc máu liên tục, thay huyết tương.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: healthline.com
XEM THÊM:
- Gói khám sàng lọc đái tháo đường, rối loạn mỡ máu
- Làm sao để biết mình có nên đi xét nghiệm tiểu đường không?
- Phân biệt chi tiết tiểu đường type 1 và type 2 theo hướng dẫn của Bộ Y tế