Thời gian tác dụng của một số loại Insulin

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Cao Thanh Tú, Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại insulin khác nhau. Một trong các yếu tố quyết định việc lựa chọn sử dụng loại insulin nào là thời gian tác dụng của insulin.

1. Thời gian tác dụng của các loại insulin?


Insulin được phân loại dựa theo thời gian khởi phát tác dụng (tức là thời gian từ khi tiêm thuốc cho tới khi bắt đầu có tác dụng làm giảm đường trong máu) và độ dài tác dụng (khoảng thời gian từ khi bắt đầu có tác dụng cho tới khi hết tác dụng làm giảm đường máu). Dựa theo phân loại này có thể chia insulin thành các nhóm sau:

  • Insulin tác dụng nhanh (insulin aspart, glulisine, lispro): bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm 5 – 15 phút và thời gian tác dụng kéo dài 3 – 5 giờ, có thể tiêm ngay trước bữa ăn hoặc thậm chí ngay sau bữa ăn (trong một số trường hợp nhất định)

  • Insulin tác dụng ngắn (insulin regular): bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm 30 – 60 phút và thời gian tác dụng kéo dài 5 – 8 giờ vì vậy nên tiêm trước bữa ăn khoảng 30 phút

Thời gian tác dụng phụ thuộc vào loại insulin sử dụng
Thời gian tác dụng phụ thuộc vào loại insulin sử dụng

  • Insulin tác dụng trung bình thường dùng 1 hoặc 2 lần/ngày do có thời gian tác dụng kéo dài hơn loại insulin tác dụng nhanh hoặc ngắn. Loại insulin này bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm 1 – 2 giờ
  • Insulin tác dụng dài (detemir, glargine, degludec): thời gian tác dụng có thể kéo dài tới 24 giờ hoặc lâu hơn, có thể sử dụng vào một giờ cố định trong ngày

  • Insulin hỗn hợp: phối hợp giữa insulin tác dụng nhanh với insulin tác dụng kéo dài hoặc insulin tác dụng nhanh với insulin tác dụng trung bình

2. Thời gian tác dụng của insulin phụ thuộc điều gì?

Ngoài các đặc điểm liên quan đến cấu trúc của insulin, thời gian tác dụng của insulin cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như liều dùng, vị trí tiêm, lượng máu chảy qua vị trí tiêm, hoạt động thể lực, hút thuốc....Các yếu tố này ảnh hưởng đến thời gian hấp thu insulin, khi insulin được hấp thu nhanh sẽ cho tác dụng nhanh hơn và ngược lại khi insulin được hấp thu chậm, tác dụng của insulin sẽ xuất hiện chậm hơn.

  • Liều insulin: liều insulin ảnh hưởng tới tốc độ hấp thu insulin của cơ thể. Ví dụ dùng insulin liều cao có thể hấp thu chậm hơn so với dùng liều thấp. Do đó, khi dùng insulin với liều cao, thuốc có thể chậm đạt được tác dụng tối đa hơn hoặc tác dụng kéo dài hơn so với khi dùng liều thấp
  • Vị trí tiêm: Insulin hấp thu với tốc độ khác nhau ở các vị trí khác nhau của cơ thể. Insulin hấp thu nhanh nhất khi tiêm ở vùng bụng, chậm nhất khi tiêm ở chân và mông, và với tốc độ trung bình khi tiêm ở cánh tay. Dó đó nên sử dụng cùng một vùng tiêm cho mũi tiêm vào cùng khoảng thời gian trong ngày. Ví dụ, sử dụng vùng bụng cho các mũi tiêm trước bữa ăn, sử dụng vùng đùi hoặc mông cho liều buổi tối. Cần lưu ý rằng phải luân chuyển vị trí tiêm trong cùng một vùng để tránh kích ứng và gây rối loạn việc tạo mỡ dưới da ở vùng tiêm.

Vị trí tiêm ảnh hưởng đến thời gian tác dụng của insulin
Vị trí tiêm ảnh hưởng đến thời gian tác dụng của insulin

  • Kỹ thuật tiêm: kim tiêm phải được đâm đúng góc và đúng độ sâu. Đâm kim quá sâu có thể đưa insulin vào trong phần cơ (nơi insulin hấp thu nhanh hơn), đâm kim quá nông có thể đưa insulin vào da (gây đau và giảm hấp thu thuốc dẫn tới giảm tác dụng của insulin). Góc tiêm tùy thuộc vào đặc điểm cơ thể (bệnh nhân béo, gầy...), vị trí tiêm và độ dài của kim. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bệnh nhân cách tiêm đúng
  • Dòng máu tới vị trí tiêm: bất kỳ yếu tố nào thay đổi tốc độ dòng máu tới vị trí tiêm đều thay đổi hấp thu của insulin. Hút thuốc làm giảm dòng máu tới mô và giảm hấp thu insulin. Ngược lại, các yếu tố làm tăng nhiệt độ da như tập luyện, xông hơi, tắm nước nóng...sẽ tăng hấp thu insulin và có thể gây hạ đường máu.

Chính vì vậy để đảm bảo tác dụng của insulin ổn định, bệnh nhân cần kiểm tra kỹ để đảm bảo sử dụng đúng loại insulin, đúng liều, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật tiêm insulin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Uptodate.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe