Ung thư vú giai đoạn 4: Xâm lấn hoặc di căn

Ung thư vú giai đoạn 4 là giai đoạn muộn, các tế bào ung thư đã lan rộng đến những cơ quan khác trong cơ thể như xương, não, gan và phổi. Điều trị ung thư ở giai đoạn muộn thường gặp nhiều khó khăn, tiên lượng phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Hãy theo dõi bài viết dưới đây để nắm rõ về ung thư vú ở giai đoạn này. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Ung thư vú giai đoạn 4 là gì?

Ung thư vú giai đoạn cuối, hay còn gọi là ung thư vú di căn hoặc ung thư vú giai đoạn 4, là tình trạng bệnh đã tiến triển, các tế bào ung thư đã lan rộng ra khỏi vú và di căn đến các bộ phận khác của cơ thể. Xương, gan, phổi và não là những vị trí ung thư vú thường di căn đến. Tuy nhiên, chúng ta không loại trừ khả năng ung thư vú di căn đến các cơ quan khác.

Trong số những người mắc bệnh ung thư vú di căn, phần lớn đã từng được chẩn đoán ung thư vú ở giai đoạn sớm hơn. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bệnh nhân được chẩn đoán ung thư vú di căn ngay từ lần khám đầu tiên, được gọi là ung thư vú di căn de novo. 

Ung thư vú giai đoạn 4 có thể di căn sang các cơ quan khác
Ung thư vú giai đoạn 4 có thể di căn sang các cơ quan khác

2. Các triệu chứng của ung thư vú di căn (tiến triển)

Các triệu chứng của ung thư vú giai đoạn 4 khi bệnh tiến triển rất đa dạng và phụ thuộc vào vị trí di căn của tế bào ung thư. Những biểu hiện này có thể xuất hiện dần dần và kéo dài trong một khoảng thời gian dài.

  • Người bệnh ung thư vú giai đoạn 4 có thể bị đau nhức xương liên tục hoặc đau trong xương khi bệnh đã di căn đến xương. Cơn đau này thường trở nên nghiêm trọng hơn khi vận động và gây khó ngủ về đêm.
  • Khi ung thư vú đã di căn đến gan, người bệnh thường cảm thấy chán ăn, đau vùng gan (hạ sườn bên phải) hoặc bị vàng da (vàng cả da và kết mạc mắt).
  • Khó thở, ho khan, đau ngực hoặc cảm giác nặng ngực là những triệu chứng thường gặp khi ung thư vú di căn đến phổi.
  • Khi ung thư vú di căn lên não, người bệnh thường gặp phải những triệu chứng như đau đầu liên tục, cảm giác buồn nôn, nôn mửa, co giật (phù), thị lực giảm sút, yếu liệt một phần của cơ thể hoặc thay đổi rõ rệt về tính cách.

Khi đánh giá các triệu chứng, cần lưu ý rằng không phải tất cả các triệu chứng được liệt kê đều liên quan đến ung thư vú. Nhiều triệu chứng này cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý thông thường khác. Chẳng hạn, đau xương có thể là một triệu chứng của viêm khớp, còn ho có thể là một biểu hiện của cảm cúm.

Nếu mọi người nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào nêu trên hoặc tình trạng không được cải thiện, điều quan trọng là nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và xác định nguyên nhân càng sớm càng tốt.

3. Tỉ lệ sống sót của ung thư vú giai đoạn muộn

Theo số liệu thống kê của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ, tỷ lệ người dân Mỹ sống sót ít nhất 5 năm sau khi phát hiện ung thư vú giai đoạn 4 là khoảng 27%.

Tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 4 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau. Tiên lượng sống sẽ phụ thuộc vào từng cá nhân, mỗi loại ung thư vú sẽ có tiên lượng khác nhau, một số dạng ác tính và một số có ít lựa chọn điều trị hơn những cá nhân khác.

Mức độ và vị trí di căn ung thư cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sống sót của bệnh nhân. Cụ thể, bệnh nhân ung thư vú chỉ di căn đến xương thường có tiên lượng tốt hơn so với những người bị ung thư di căn đến xương và phổi.

Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 4 có thể được cải thiện đáng kể nếu bệnh nhân được điều trị kịp thời bằng các phương pháp như hóa trị, phẫu thuật hoặc liệu pháp hormone. Ngoài ra, việc áp dụng một lối sống lành mạnh cũng là một yếu tố quan trọng có thể cải thiện kết quả điều trị.

Tinh thần đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị ung thư vú giai đoạn muộn. Mặc dù việc chẩn đoán ra bệnh là một cú sốc lớn đối với người bệnh và gây ra nhiều khó khăn về tinh thần. Tuy nhiên, những người bệnh ung thư vú di căn không đơn độc, có rất nhiều tổ chức sẵn sàng đồng hành, cung cấp sự hỗ trợ cần thiết cả về tinh thần lẫn vật chất, giúp bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

4. Chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 4

Nếu bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh hoặc mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến sự di căn, bác sĩ có thể đề xuất một hoặc nhiều loại xét nghiệm sau đây:

  • Xét nghiệm máu: Bao gồm kiểm tra các chất chỉ số khối u ở một số bệnh nhân.
  • Siêu âm vú và nhũ ảnh: Được thực hiện để xác định tính chất của khối u vú cùng với việc kiểm tra hạch nách.
  • Chụp CT (chụp cắt lớp vi tính): Có thể thực hiện chụp một phần của cơ thể như não, cổ, ngực, bụng, chậu hoặc cả cơ thể.
  • Chụp PET-CT.
  • MRI (cộng hưởng từ): Thường được thực hiện cho vú, cột sống hoặc não để có hình ảnh chi tiết hơn về các tổn thương.
  • Xạ hình xương toàn bộ cơ thể: Có thể kết hợp với chụp X-quang để kiểm tra các dấu hiệu nghi ngờ.
  • Nội soi phế quản: Được chỉ định nếu có các triệu chứng như ho liên tục hoặc khó thở để loại trừ các tổn thương khác và đánh giá tình trạng đường thở.
  • Sinh thiết: Được thực hiện trên bất kỳ bộ phận nào có tổn thương nghi ngờ di căn để xác định tế bào ung thư và thực hiện các xét nghiệm sinh học của khối u, nhằm chẩn đoán và điều trị thích hợp.
  • Chọc hút dịch: Thường được thực hiện từ các bộ phận có triệu chứng như dịch màng phổi hoặc dịch màng bụng, để giảm nhẹ triệu chứng và đánh giá tế bào ung thư cũng như các yếu tố sinh học của khối u.

5. Điều trị ung thư vú giai đoạn cuối

Giảm đau, giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và kiểm soát sự phát triển, lây lan của ung thư chính là mục tiêu mà quá trình điều trị ung thư vú di căn hướng tới.

Việc điều trị ung thư vú di căn có thể được thực hiện bằng nhiều phương pháp khác nhau, tương tự như điều trị ung thư vú nguyên phát. Các lựa chọn điều trị bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết và/ hoặc liệu pháp nhắm mục tiêu.  

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào vị trí và cấu trúc phân tử của khối u. Mục tiêu của điều trị là làm thu nhỏ khối u, kiểm soát bệnh, giảm các triệu chứng bệnh và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

5.1 Phương pháp điều trị toàn thân (bằng thuốc)

Quá trình điều trị ung thư vú giai đoạn 4 thường được duy trì cho đến khi bệnh tái phát hoặc khi bệnh nhân không thể chịu đựng được các tác dụng phụ. Khi đó, bác sĩ có thể thay đổi phác đồ điều trị bằng cách sử dụng các loại thuốc khác. Việc lựa chọn thuốc sẽ dựa trên tình trạng thụ thể hormone và HER2.

5.1.1 Ung thư dương tính với thụ thể hormone

Liệu pháp hormone, thường là tamoxifen hoặc chất ức chế aromatase, được áp dụng trước tiên cho bệnh nhân ung thư dương tính với thụ thể hormone (dương tính với thụ thể estrogen hoặc dương tính với thụ thể progesterone). Ngoài ra, bệnh nhân có thể được chỉ định kết hợp thêm một loại thuốc nhắm mục tiêu như chất ức chế CDK4/6, everolimus hoặc chất ức chế PI3K.

Đối với bệnh nhân chưa mãn kinh, việc điều trị ung thư vú thường bao gồm hai lựa chọn chính: sử dụng tamoxifen hoặc kết hợp thuốc ức chế buồng trứng với các loại thuốc khác. Tuy nhiên, do hiệu quả của liệu pháp hormone thường cần hàng tháng để phát huy, hóa trị liệu thường được ưu tiên áp dụng đầu tiên cho các trường hợp ung thư di căn gây ra các biến chứng nghiêm trọng, như các vấn đề về hô hấp.

5.1.2 Ung thư âm tính với thụ thể hormone  

Đối với phụ nữ mắc ung thư vú âm tính với thụ thể hormone (âm tính với ER và PR), hóa trị là phương pháp điều trị chủ yếu. Lý do là vì các loại thuốc điều trị bằng hormone không có hiệu quả trong trường hợp này. 

Trắc nghiệm: Những lầm tưởng và sự thật về ung thư vú

Ung thư vú có tỷ lệ tử vong cao nhất ở nữ giới khiến họ rất lo sợ bản thân mắc phải căn bệnh này. Tuy nhiên, không ít chị em có những hiểu biết thái quá về ung thư vú. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn loại bỏ được những nghi ngờ không đúng về căn bệnh này.

Bài dịch từ: webmd.com

Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn âm tính với thụ thể hormone.
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị bệnh nhân ung thư vú giai đoạn muộn âm tính với thụ thể hormone.

5.1.3 Bệnh nhân có ung thư dương tính với HER2

Trastuzumab (Herceptin) đóng vai trò quan trọng trong việc kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ung thư dương tính với HER2. Hiệu quả điều trị của thuốc này càng được nâng cao khi kết hợp với hóa trị, liệu pháp nội tiết tố, thuốc chống HER2 hoặc các loại thuốc nhắm mục tiêu khác như pertuzumab (Perjeta). Ngoài ra, thuốc nhắm mục tiêu lapatinib (kết hợp với thuốc hóa trị hoặc liệu pháp hormone) và ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla) cũng là những lựa chọn điều trị hiệu quả.

5.1.4 Bệnh nhân có ung thư âm tính với HER2 và đột biến gen BRCA

Hóa trị và liệu pháp hormone (nếu ung thư dương tính với thụ thể hormone) là những phương pháp điều trị thường được áp dụng cho phụ nữ mang đột biến gen BRCA. Sau đó, một lựa chọn điều trị khác có thể được xem xét, đó là sử dụng thuốc nhắm mục tiêu gọi là chất ức chế PARP như olaparib hoặc talazoparib.

5.1.5 Ung thư âm tính với HER2 ở phụ nữ có đột biến PIK3CA

Alpelisib, một chất ức chế PI3K, được sử dụng như một loại thuốc nhắm mục tiêu để điều trị ung thư vú dương tính với thụ thể hormone ở phụ nữ sau mãn kinh. Thuốc này thường được kết hợp với fulvestrant để đạt hiệu quả điều trị tốt hơn.

5.1.6 Ung thư vú bộ ba âm tính

Ở những bệnh nhân nữ mắc ung thư vú bộ ba âm tính tiến triển có khối u tạo ra protein PD-L1, atezolizumab có thể được kết hợp với Abraxane (paclitaxel gắn albumin) để điều trị. Đặc biệt, khoảng 20% các trường hợp ung thư vú ba âm tính được phát hiện có protein PD-L1. Ngoài ra, đối với những bệnh nhân nữ có TNBC và đột biến gen BRCA đã kháng lại các loại thuốc hóa trị thông thường, các bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng các loại thuốc hóa trị khác như thuốc bạch kim (cisplatin hoặc carboplatin).

5.2 Phương pháp điều trị tại chỗ

Trong khi thuốc toàn thân được xem là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 4, các phương pháp điều trị tại chỗ và vùng cũng được cân nhắc. Phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị vùng đôi khi được áp dụng để điều trị ung thư vú.  

Tuy nhiên, khả năng loại bỏ hoàn toàn căn bệnh bằng những loại thuốc này là rất hạn chế. Những phương pháp điều trị này thường được sử dụng để kiểm soát, ngăn ngừa các triệu chứng hoặc biến chứng do ung thư gây ra.

Một số trường hợp nhất định như bên dưới có thể áp dụng xạ trị/ phẫu thuật, cụ thể như:

  • Khi khối u vú gây ra vết thương hở.
  • Điều trị số lượng nhỏ di căn đến một vị trí nhất định, ví dụ như não bộ.
  • Giảm nguy cơ gãy xương.
  • Khi ung thư lan rộng và chèn ép tủy sống.
  • Để điều trị tắc nghẽn mạch máu trong gan.
  • Được sử dụng để giảm đau và các triệu chứng khác do ung thư gây ra. 
Bệnh nhân có thể phẫu thuật để điều trị ung thư vú giai đoạn 4.
Bệnh nhân có thể phẫu thuật để điều trị ung thư vú giai đoạn 4.

Trong vài trường hợp, hóa trị tại chỗ, với việc thuốc được đưa trực tiếp vào các khu vực nhất định như chất lỏng xung quanh não và tủy sống, là một lựa chọn điều trị hữu ích.

5.3 Điều trị giảm nhẹ các triệu chứng của ung thư vú giai đoạn 4

Việc điều trị các triệu chứng phụ thuộc vào vị trí di căn của ung thư. Đối với những bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 4 bị đau do ung thư di căn xương, các phương pháp điều trị như xạ trị, sử dụng thuốc bisphosphonates (như pamidronate, zoledronic acid) hoặc thuốc denosumab có thể được áp dụng. Để biết thêm chi tiết về các lựa chọn điều trị này, xin vui lòng tham khảo thông tin về điều trị di căn xương.

5.4 Ung thư giai đoạn cuối tiến triển trong quá trình điều trị

Thông thường,việc điều trị ung thư vú giai đoạn 4 có khả năng làm thu nhỏ hoặc làm chậm sự phát triển của khối u, kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau một thời gian nhất định, hiệu quả điều trị có thể ngưng. Việc lựa chọn phương pháp điều trị tiếp theo phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: các liệu pháp đã áp dụng trước đó, vị trí của các tế bào ung thư, tuổi tác, tình trạng sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và nguyện vọng cá nhân của người bệnh.

5.5 Ung thư giai đoạn cuối tiến triển trong khi điều trị bằng liệu pháp hormone

Trong trường hợp bệnh nhân ung thư dương tính với thụ thể hormone (dương tính với ER hoặc dương tính với PR) đang được điều trị bằng liệu pháp hormone, việc thay đổi phác đồ điều trị sang một loại hormone khác đôi khi được xem là giải pháp tối ưu.  

Cụ thể, nếu bệnh nhân đã sử dụng letrozole (Femara) hoặc anastrozole (Arimidex), việc chuyển sang exemestane, có thể kết hợp với everolimus, là một lựa chọn đáng cân nhắc. Ngoài ra, việc sử dụng fulvestrant hoặc các chất ức chế aromatase khác, kết hợp với chất ức chế CDK, cũng có thể được chỉ định.  

Đối với những bệnh nhân có đột biến PIK3CA mà bệnh tiến triển trong quá trình sử dụng chất ức chế aromatase, việc kết hợp alpelisib với phác đồ điều trị tối ưu là một phương án cần được xem xét. Tuy nhiên, khi ung thư không còn đáp ứng với bất kỳ loại hormone nào, hóa trị sẽ là lựa chọn tiếp theo.

5.6 Ung thư giai đoạn cuối tiến triển trong khi điều trị bằng hóa trị liệu

Nếu một phác đồ hóa trị không còn mang lại kết quả như mong đợi, việc thay đổi sang một phác đồ khác có thể là một giải pháp. Mặc dù có rất nhiều lựa chọn điều trị cho ung thư vú giai đoạn 4, nhiều loại thuốc và nhiều sự kết hợp khác nhau, hiệu quả của các phương pháp điều trị tiếp theo thường giảm dần khi bệnh tiến triển.

5.7 Ung thư giai đoạn cuối tiến triển trong khi điều trị bằng thuốc HER2

Mặc dù trastuzumab (Herceptin) không còn hiệu quả với một số bệnh nhân ung thư dương tính với HER2, các loại thuốc khác nhắm mục tiêu vào protein HER2 có thể là một lựa chọn thay thế. Bệnh nhân ung thư dương tính với HER2 có thể được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn như:

  • Pertuzumab (Perjeta) phối hợp với hóa trị và trastuzumab.
  • Ado-trastuzumab emtansine (Kadcyla).
  • Fam-trastuzumab deruxtecan (Enhertu).
  • Lapatinib (Tykerb) kết hợp với thuốc hóa trị capecitabine.
  • Lapatinib kết hợp với một chất ức chế aromatase (đối với ung thư dương tính với thụ thể hormone).
  • Neratinib (Nerlynx) kết hợp với thuốc hóa trị capecitabine (đặc biệt hữu ích cho ung thư đã di căn đến não).
  • Tucatinib (Tukysa) phối hợp với trastuzumab và thuốc hóa trị capecitabine (đặc biệt hữu ích cho ung thư đã di căn đến não).

Nhiều loại thuốc và sự kết hợp khác nhau có thể được sử dụng để điều trị ung thư vú
Nhiều loại thuốc và sự kết hợp khác nhau có thể được sử dụng để điều trị ung thư vú

Các tế bào ung thư vú di căn thường kháng thuốc và khó điều trị hơn. Theo số liệu của Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW), chỉ 32% bệnh nhân ung thư vú di căn sống sót sau 5 năm, so với tỷ lệ 91% ở tất cả bệnh nhân ung thư vú. 

Điều này cho thấy sự đa dạng trong diễn biến bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của từng cá nhân. Tuy nhiên, với những tiến bộ trong y học, các phương pháp điều trị mới đang được phát triển và phụ nữ vẫn có thể sống chung với bệnh trong nhiều năm.

Nguồn tham khảo: nbcf.org.au

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe