Ung thư tuyến giáp di căn còn chữa được không?

Ung thư tuyến giáp di căn có chữa được không là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những bệnh nhân và gia đình họ. Ung thư tuyến giáp là một bệnh lý ác tính và khi đã di căn tình hình càng trở nên phức tạp. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, liệu pháp điều trị ung thư tuyến giáp di căn đã có những tiến bộ đáng kể, mở ra hy vọng cho bệnh nhân. 

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của BSCK II Lê Thị My - Giám đốc Trung tâm bệnh lý tuyến giáp - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Tổng quan về ung thư tuyến giáp di căn

Ung thư tuyến giáp di căn là một trường hợp đặc biệt, bệnh đã bước vào giai đoạn nặng cùng với nhiều diễn biến phức tạp. Trong số các thể ung thư tuyến giáp, thể nhú là phổ biến nhất, chiếm đến 90% ca bệnh. Ngoài ra, 90% bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú ở mọi giai đoạn đều có thể sống thêm 20-30 năm. Các thể còn lại bao gồm thể nang, thể tủy và thể không biệt hóa.  

Ung thư tuyến giáp di căn có thể di căn đến các vị trí khác nhau trong cơ thể, bao gồm hạch bạch huyết, phổi, xương,... 

Ung thư tuyến giáp di căn có thể bao gồm: di căn hạch, di căn phổi hoặc di căn xương,...
Ung thư tuyến giáp di căn có thể bao gồm: di căn hạch, di căn phổi hoặc di căn xương,...

2. Ung thư tuyến giáp di căn sống được bao lâu?

Tiên lượng ung thư tuyến giáp di căn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư, giai đoạn bệnh, sức khỏe tổng thể của bệnh nhân, các bệnh lý đi kèm và hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm, ung thư tuyến giáp di căn thường có tiên lượng sống tốt hơn.

Dưới đây là tỷ lệ sống sau 5 năm đối với một số loại ung thư tuyến giáp:

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú:  
    • Giai đoạn tiến triển tại vùng (u xâm lấn các cấu trúc xung quanh, di căn hạch vùng): 99%.
    • Di căn xa: 75%.
  • Ung thư tuyến giáp thể nang:
    • Giai đoạn tiến triển tại vùng: 98%
    • Di căn xa: 63%
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy:
    • Giai đoạn tiến triển tại vùng: 90%
    • Di căn xa: 40%
  • Ung thư tuyến giáp không biệt hóa:
    • Giai đoạn tiến triển tại vùng: 9%
    • Di căn xa: 4%

3. Ung thư tuyến giáp di căn có chữa được không?

Một câu hỏi mà nhiều người bệnh thắc mắc là ung thư tuyến giáp di căn có chữa được không. Câu trả lời là được, việc điều trị phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể.

  • Điều trị ung thư tuyến giáp thể biệt hóa:
    • Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp (nếu chưa thực hiện trước đó) kết hợp với liệu pháp Iod phóng xạ (I-131) và sử dụng liệu pháp nội tiết Levothyroxine.
    • Nếu không đáp ứng với điều trị hoặc không thể áp dụng các phương pháp trên, bệnh nhân có thể được chỉ định thực hiện liệu pháp nhắm trúng đích (Lenvatinib, Sorafenib…) hoặc liệu pháp miễn dịch (Pembrolizumab).
  • Phẫu thuật và các liệu pháp tại chỗ như RFA (đốt u bằng sóng cao tần) là 2 biện pháp được cân nhắc sử dụng trong điều trị ung thư tuyến giáp thể tủy. Iod phóng xạ không hiệu quả trong điều trị ung thư tuyến giáp dạng tủy. Do đó, nếu không thể phẫu thuật hoặc bệnh vẫn tiến triển sau điều trị, các phương án tiếp theo bao gồm: Liệu pháp nhắm trúng đích (Cabozatinib, Vandetanib,...) và liệu pháp miễn dịch (Pembrolizumab).
  • Ung thư tuyến giáp di căn hạch phổi có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Ngoài ra, thuốc cũng được sử dụng để giảm nguồn cung cấp máu cho khối u và tác động lên protein kích thích tế bào ung thư. Tuy nhiên, thuốc chỉ hiệu quả ở một số trường hợp ung thư giai đoạn muộn.
  • Ung thư tuyến giáp không biệt hóa là dạng ung thư nguy hiểm với tốc độ phát triển nhanh chóng và hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế trong việc tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe