Ung thư tế bào gan: những điều cơ bản nhất bạn nên biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Xuân Trường - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

A - Một số nét đại cương về gan

Gan là tạng đặc lớn nhất trong cơ thể người, nằm lệch về phía bên phải ở nửa trên ổ bụng và ngăn cách với lồng ngực bởi cơ hoành. Trọng lượng trung bình của gan người trưởng thành vào khoảng 1,2-1,6kg. Gan đảm nhiệm nhiều chức năng sinh lý của cơ thể như: tạo máu (chủ yếu ở thời kỳ bào thai và sơ sinh), tạo mật, khử độc, tổng hợp đường glucose và dự trữ glycogen cho cơ thể, tổng hợp protein, tổng hợp một số yếu tố đông máu, chuyển hóa mỡ (lipid), chuyển hóa rượu, chuyển hóa thuốc (nhiều loại thuốc chuyển hóa qua gan)... Chính vì vậy khi bị suy chức năng gan nặng có thể dẫn đến tử vong.

Gan được cấu tạo từ nhiều loại tế bào và chia làm 2 nhóm lớn, (1) tế bào nhu mô gan (parenchymal cell: hepatocyte) - chiếm 80% tổng khối lượng của gan và (2) các loại tế bào khác (non-parenchymal cell) - chiếm 20% tổng khối lượng gan, như các tế bào đảm nhiệm chức năng miễn dịch, tế bào tạo thành các xoang gan (Sinusoidal endothelial cells), tế bào tạo nên hệ thống dẫn mật (đường mật), tế bào tạo nên hệ thống mạch máu trong gan, tế bào thuộc hệ bạch mạch.....

Khác với nhiều cơ quan và tạng khác trong cơ thể, gan được cấp máu bởi 2 nguồn là: (1) động mạch gan, thuộc hệ thống động mạch được cấp máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể, (2) tĩnh mạch cửa được tạo từ hệ tĩnh mạch mạc treo tràng và tĩnh mạch lách - đưa máu từ ruột và lách đến cung cấp cho gan. Động mạch gan chỉ cấp 30% tổng khối lượng máu cho gan, nhưng cấp tới 70% lượng ô-xy cho gan. Ngược lại tĩnh mạch cửa cấp tới 70% lượng máu cho gan nhưng chỉ cấp 30% lượng ô-xy cho gan. Máu đi ra khỏi gan sẽ được thu hồi về các tĩnh mạch trên gan, có 3 tĩnh mạch trên gan, và đổ vào tĩnh mạch chủ dưới rồi đi về tim.

Mỗi một ngày, ở người trưởng thành, gan tiết ra khoảng 400-600ml dịch mật, lượng dịch mật này sẽ theo đường dẫn mật đổ xuống ruột. Dịch mật có vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn, đặc biệt là các chất béo và một số loại vitamin cần thiết cho cơ thể như vitamin A, D, K và E.

Ung thư tế bào gan: những điều cơ bản nhất bạn nên biết

B - Gan có bao nhiêu loại khối U và có phải tất cả các loại khối U gan đều là ung thư

Theo thói quen thông thường khi nói đến khối U thì chúng ta hay liên tưởng đó là Ung thư, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp khối U không phải là ung thư.

Như trên đã trình bày, gan được cấu tạo từ nhiều loại tế bào khác nhau, do vậy khối U gan có nhiều loại khác nhau và tính chất của khối U cũng khác nhau, không phải khối U gan nào cũng là ung thư gan.

U gan được chia làm 2 nhóm:

1. Nhóm khối U gan không phải là ung thư - khối U gan lành tính:

  • Nang gan: gan có thể có 1 nang hoặc nhiều nang, có nhiều loại nang gan khác nhau. Một số loại nang gan có thể ác tính hóa thành ung thư nhưng hiếm gặp.
  • U máu trong gan: u máu là từ phổ thông - quen dùng, tuy nhiên nói chính xác hơn phải là dị hình mạch máu tăng sinh trong gan.
  • U tăng sản dạng khối lành tính: tuy là loại U tăng sản, nhưng gần như không có nguy cơ bị ác tính hóa trở thành ung thư.
  • Khối U - Adenoma trong gan: đây là loại khối u hay gặp ở phụ nữ có sử dụng thuốc tránh thai kéo dài hoặc gặp ở người có biểu hiện rối loạn dự trữ glycogen, nam giới có rối loạn nội tiết tố sinh dục. Loại u này có khả năng - nguy cơ bị ác tính hóa thành ung thư hoặc có thể vỡ gây chảy máu.
  • U mỡ trong gan
  • U cơ trơn trong gan
  • U xơ trong gan

Việt Nam, cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và một số nước thuộc khu vực Đông Nam châu Á, châu Phi...là khu vực các nước có tỷ lệ Ung thư gan cao nhất thế giới.

Hàng năm thế giới phát hiện được thêm khoảng 600.000 bệnh nhân ung thư tế bào gan mới mắc và 650.000 bệnh nhân tử vong vì ung thư gan, trong đó 75-80% thuộc các nước châu Á.

2. Nhóm khối U là ung thư – khối U gan ác tính:

Khối u gan ác tính bao gồm hai nhóm chính là (1) Ung thư gan nguyên phát, đây là loại khối U - ung thư xuất phát đầu tiên từ gan, (2) Ung thư gan thứ phát, đây là loại khối U- ung thư di căn từ các loại ung thư ở các cơ quan khác đến gan.

  • Ung thư tế bào gan (HCC: hepatocellular carcinoma): đây là loại ung thư gan phổ biến nhất và thường gặp nhất trong các loại ung thư gan, chiếm 85-90% trong tổng số các trường hợp ung thư gan.
  • Ung thư đường mật (CCC: cholangiocarcinoma): ung thư đường mật có thể thể gặp ở ngoài gan - ở rốn gan và ở trong gan, trong đó tỷ lệ ở trong gan rất thấp. Ung thư đường mật có tỷ lệ thấp hơn rất nhiều lần so với ung thư tế bào gan.
  • Ung thư gan do di căn: đây là các khối U - ung thư gan do di căn từ các loại ung thư ở các cơ quan khác đến gan như: ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư buồng trứng, ung thư tụy...
  • Ung thư gan hiếm gặp khác: như là sự chuyển đổi ác tính hóa của một số loại khối U gan - lành tính.
Ung thư tế bào gan: những điều cơ bản nhất bạn nên biết

C - Những người như thế nào sẽ thuộc nhóm bệnh nhân cần theo dõi và sàng lọc chẩn đoán ung thư tế bào gan định kỳ

  1. Nam giới người châu Á, bao gồm cả Việt Nam, từ 40 tuổi trở lên
  2. Nữ giới người châu Á, bao gồm cả Việt Nam, từ 50 tuổi trở lên
  3. Người có bệnh lý do nhiễm vi-rút viêm gan B mạn tính
  4. Người có bệnh lý do nhiễm vi-rút viêm gan C mạn tính
  5. Người có tiền sử người thân trong gia đình (ông, bà, bố, mẹ, anh chị em ruột....) bị ung thư gan
  6. Bệnh lý xơ gan do bất kể nguyên nhân nào: vi-rút viêm gan, do rượu, do rối loạn chuyển hóa......
  7. Sống trong vùng có tỷ lệ bị nhiễm độc một số yếu tố có nguy cơ gây ung thư gan cao như Aflatoxin.....
  8. Thời gian gần đây một số nghiên cứu y học cho thấy bệnh nhân bị đái tháo đường type-II, hút thuốc lá, gan nhiễm mỡ nặng hay béo phì cũng nên khám sàng lọc định kỳ.
Ung thư tế bào gan: những điều cơ bản nhất bạn nên biết

D - Tại sao cần tiến hành kiểm tra định kỳ để sàng lọc ung thư tế bào gan và phương pháp sàng lọc

  1. Để đạt hiệu quả tốt trong điều trị ung thư tế bào gan đòi hỏi phải có sự kết hợp và gắn kết của nhiều chuyên ngành y học, y tế: dịch tễ học, khám đa khoa, chuyên khoa, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, mô bệnh học, phẫu thuật, ung thư và truyền thông y tế.
  2. Mục tiêu của điều trị ung thư gan, cũng như các bệnh ung thư khác, là loại bỏ tổ chức ung thư, kéo dài tuổi đời sau điều trị và đảm bảo chất lượng cuộc sống sau điều trị cho người bệnh. Giảm thiểu tối đa gánh nặng kinh phí cho người bệnh, gia đình người bệnh và cho xã hội.
  3. Để đạt được mục tiêu này thì việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và giai đoạn rất sớm có vai trò ý nghĩa quyết định.
  4. Ung thư tế bào gan dù được điều trị đúng và điều trị ở giai đoạn sớm hay rất sớm thì vẫn có khả năng bị tái phát.
  5. Alpha-fetoprotein (AFP - αFP) là dấu ấn sinh học được sử dụng nhiều nhất và phổ biến nhất trong chẩn đoán và sàng lọc ung thư tế bào gan. Tuy nhiên việc sử dụng đơn thuần xét nghiệm AFP có khả năng bỏ xót khoảng 40% bệnh nhân, do vậy cần phải kết hợp với chẩn đoán hình ảnh, phổ biến nhất là siêu âm.
  6. Thời gian làm xét nghiệm và kiểm tra định kỳ trung bình là 6 tháng/1 lần.

Tuy nhiên ở bệnh nhân có bệnh lý gan mạn tính (đặc biệt là do vi-rút viêm gan B, viêm gan C), xơ gan có nhân xơ tái sinh cần được theo dõi sát hơn và khoảng cách theo dõi nên là 3 tháng/1 lần.

Người bệnh sau điều trị ung thư tế bào gan nên được theo dõi theo lộ trình sau: sau 01 tháng điều trị - sau 03 tháng điều trị và cứ 3 tháng/1 lần trong vòng tối thiểu 2 năm đầu sau điều trị.

Tất cả người bệnh lần đầu tiên phát hiện có khối U gan với kích thước lớn hơn 1cm, nên làm chẩn đoán chuyên sâu với chẩn đoán hình ảnh: chụp CT đa dãy có tiêm thuốc cản quang, chụp cộng hưởng từ hạt nhân (MRI) có tiêm thuốc đối quang từ hay siêu âm có tiêm thuốc cản âm.

Khi các dữ liệu chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm máu không đủ kết luận chẩn đoán, nên tiến hành sinh thiết gan.

Ung thư tế bào gan: những điều cơ bản nhất bạn nên biết

E - Các phương pháp điều trị ung thư tế bào gan

Việc lựa chọn phương pháp điều trị (một phương pháp hay kết hợp một vài phương pháp) trên cụ thể từng người bệnh cần dựa vào các yếu tố sau:

  • Giai đoạn khối u gan và vị trí khối u gan.
  • Giai đoạn bệnh lý của gan: khoảng 80-85% ung thư tế bào gan xuất phát trên nền xơ gan, đặc biệt ở người nhiễm vi-rút viêm gan B và vi-rút viêm gan C mạn tính.
  • Tình trạng toàn thân và các bệnh lý khác của người bệnh.

Không thể áp dụng một phương pháp điều trị duy nhất cho tất cả người bệnh ung thư tế bào gan.

Các phương pháp điều trị ung thư tế bào gan:

  1. Cắt gan bán phần
  2. Ghép gan
  3. Làm hoại tử và loại bỏ khối u gan bằng đốt điện (RFA: radiofrequencyablation)
  4. Làm hoại tử và loại bỏ khối u gan bằng phương pháp tiêm cồn
  5. Nút mạch: cắt nguồn mạch máu nuôi dưỡng khối u gan (nút mạch có thể kết hợp với hóa chất hoặc kết hợp với chất đồng vị phòng xạ)
  6. Hóa trị liệu, hiện nay có rất nhiều thuốc mới được nghiên cứu thành công và đưa và áp dụng điều trị thực tiễn như: Sorafenib, Brivanib, Linifanib, Everolimus, Ramicirumab....
  7. Xạ trị liệu: với sự ra đời của thế hệ máy mới nhất hiện nay, Varian True Beam , vai trò của xạ trị liệu trong điều trị ung thư tế bào gan bắt đầu được đề cập - chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên kết quả còn cần được kiểm chứng thêm.

Đối với thế hệ máy xạ trị liệu từ Gamma-knife và Cyber-knife trở về trước: chưa được các tổ chức Khoa học - Y học có uy tín của Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản.... khuyến cáo coi đó là phương pháp thường qui trong điều trị ung thư tế bào gan.

Chú ý: Một số phương pháp điều trị ung thư tế bào gan khác không đề cập đến. Các phương pháp đó một là do hiệu quả điều trị không đáng kể hoặc chưa đủ số liệu kiểm chứng, hai là có quá nhiều tác dụng phụ không mong muốn mà kết quả đạt được lại không cao. Do vậy các phương pháp đó hiện nay không được các tổ chức Khoa học – Y học có uy tín đề cập đến trong các khuyến cáo chính thức và nhiều phương pháp hiện nay các nền Y học tiên tiến không sử dụng - áp dụng trong điều trị.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe