Ung thư khi mang thai không thường gặp, nhưng nếu không may xảy ra, đây là một tình huống phức tạp đối với cả thai phụ và cả các bác sĩ. Ung thư hiếm khi gây ảnh hưởng trực tiếp lên sự phát triển của thai nhi, nhưng phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư mà bác sĩ phải cân nhắc lựa chọn là điều nan giải.
1. Những loại ung thư nào có thể xảy ra trong khi mang thai?
Trong thời kỳ mang thai, ung thư vú là loại ung thư hay xảy ra nhất, với tỉ lệ gặp 1/3000 phụ nữ mang thai. Theo sinh lý tự nhiên của thai kỳ, vú sẽ to ra, thay đổi hình dạng, che lấp những biến đổi của ung thư, khiến ung thư khó phát hiện. Do đó, ung thư vú khi mang thai thường được phát hiện muộn hơn ung thư vú đơn thuần.
Ngoài ra, các ung thư khác cũng hay gặp khi mang thai ở người trẻ tuổi là:
- Ung thư cổ tử cung
- Ung thư tuyến giáp
- U lympho Hodgkin
- U lympho không Hodgkin
- Ung thư hắc tố
- U nguyên bào nuôi do thai nghén.
2. Phương pháp chẩn đoán ung thư khi mang thai
Thai kỳ có thể khiến ung thư được phát hiện muộn hơn, bởi một số triệu chứng của ung thư (như sưng phù, đau đầu, thay đổi của vú, chảy máu hậu môn,...) lại thường gặp khi mang thai. Nhưng không có nghĩa ung thư không thể bị phát hiện, ví dụ như xét nghiệm Pap trong khám thai định kỳ có thể phát hiện ung thư cổ tử cung, hay siêu âm có thể phát hiện được ung thư buồng trứng,...
Không phải tất cả các xét nghiệm đều có thể tiến hành trên phụ nữ mang thai, bởi có những xét nghiệm có thể gây hại cho thai phụ và thai nhi.
- Chụp X quang: nhiều nghiên cứu cho kết quả rằng cường độ tia xạ của chụp X quang sử dụng trong chẩn đoán là quá thấp để có thể gây hại tới thai nhi. Nếu có thể, thai phụ nên sử dụng thêm tấm chắn bằng chì để bảo vệ vùng bụng trong khi chụp.
- Chụp cắt lớp vi tính (Computed tomography scan - CT): về nguyên lí hoạt động, chụp cắt lớp vi tính cũng tương tự như chụp X quang nhưng có độ chính xác cao hơn nhiều, có thể phát hiện ung thư cũng như phát hiện vị trí di căn.
Chụp cắt lớp vi tính vùng đầu và ngực thường an toàn khi mang thai, bởi thai nhi không bị phơi nhiễm trực tiếp với tia xạ. Giống như chụp X quang, thai phụ có thể mang tấm chắn bằng chì để bảo vệ vùng bụng trong khi chụp. Chụp cắt lớp vi tính vùng bụng hoặc chậu hông chỉ được tiến hành khi thật cần thiết và có chỉ định từ bác sĩ.
- Các xét nghiệm khác: chụp cộng hưởng từ (Magnetic resonance imaging - MRI), siêu âm và giải phẫu bệnh thường an toàn khi mang thai.
3. Điều trị ung thư khi mang thai
Để thiết lập phác đồ điều trị ung thư khi mang thai cần sự phối kết hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau, bao gồm cả bác sĩ chuyên ngành ung thư và bác sĩ sản khoa. Họ sẽ thảo luận với nhau trên nhiều phương diện:
- So sánh các phương pháp điều trị, hiệu quả của chúng, nguy cơ đối với sự phát triển của thai nhi.
- Cân nhắc một số yếu tố, như:
- Giai đoạn của thai kỳ.
- Loại, vị trí, kích thước, giai đoạn của ung thư.
- Nguyện vọng của thai phụ và gia đình.
- Theo dõi sát thai phụ trong quá trình điều trị cũng như theo dõi sự phát triển của thai nhi.
Một số trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định trì hoãn hoặc không chỉ định một số điều trị nhất định, ví dụ như:
- Trong ba tháng đầu thai kỳ, một số phương pháp điều trị ung thư sẽ gây hại tới thai nhi, do đó phải trì hoãn chúng cho tới ba tháng giữa hoặc ba tháng cuối.
- Nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn cuối của thai kỳ, có thể bác sĩ sẽ đợi thai phụ sinh xong em bé mới bắt đầu tiến hành điều trị. Tình huống khác là nếu phát hiện ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm, bác sĩ cũng có thể đợi thai phụ sinh con rồi mới chỉ định điều trị ung thư.
- Có một số phương pháp điều trị sẽ gây hại cho thai nhi dù ở bất cứ giai đoạn nào của thai kỳ, và các bác sĩ hầu như sẽ tránh chỉ định các phương pháp này đối với thai phụ. Ví dụ như xạ trị sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư, nhưng lại gây nhiều nguy cơ cho thai nhi, bởi mức độ nguy cơ dựa trên liều xạ được sử dụng và khu vực cơ thể được điều trị.
4. Các phương pháp điều trị có thể sử dụng trong thai kỳ
Nếu bị ung thư khi mang thai, một số phương pháp điều trị có thể sử dụng là:
- Phẫu thuật: trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ khối u và một số mô lành xung quanh. Phương pháp này có rất ít nguy cơ với thai nhi, và được coi là phương pháp điều trị an toàn nhất đối với mọi giai đoạn của thai kỳ.
- Hóa trị: bác sĩ sử dụng hóa trị để tiêu diệt các tế bào ác tính, nhưng sẽ chỉ ở một số thời điểm nhất định của thai kỳ:
- Trong ba tháng đầu của thai kỳ, các cơ quan của thai nhi vẫn đang phát triển, do đó hóa trị có nguy cơ gây ra dị tật thai nhi hoặc sảy thai.
- Trong ba tháng giữa và ba tháng cuối của thai kỳ, các bác sĩ có thể chỉ định một vài loại hóa trị không có ảnh hưởng rõ rệt lên thai nhi. Nhau thai hoạt động như một hàng rào giữa thai phụ và thai nhi, khiến một số thuốc nhất định không thể đi qua, trong khi một số khác có thể qua được với lượng nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy những em bé phơi nhiễm với hóa chất điều trị khi còn ở trong tử cung không xuất hiện bất thường ngay sau khi sinh hoặc trong quá trình phát triển và lớn lên, so với những em bé không bị phơi nhiễm.
- Hóa trị ở những giai đoạn sau của thai kỳ có thể gây tác dụng không mong muốn ở thai phụ, từ đó gián tiếp gây hại cho thai nhi (một tác dụng không mong muốn có thể xảy ra là thiếu máu khi sinh, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm khuẩn).
- Một số bác sĩ có thể chỉ định chuyển dạ nhân tạo sớm để bảo vệ em bé trước các điều trị ung thư. Tuy nhiên cố gắng để thai nhi phát triển và chuyển dạ tự nhiên vẫn là tốt. Trẻ sinh sớm có nguy cơ cao hơn mắc các vấn đề về sức khỏe so với trẻ sinh tự nhiên mà bị phơi nhiễm với hóa chất trong hóa trị.
- Phụ nữ đang thực hiện hóa trị không nên cho con bú, bởi hóa chất có thể từ sữa mẹ đi vào cơ thể em bé.
5. Mang thai ảnh hưởng tới nguy cơ ung thư như thế nào?
Bản thân việc mang thai không có ảnh hưởng tới hiệu quả của việc điều trị ung thư. Nhưng nếu việc chẩn đoán và điều trị bị trì hoãn vì căn bệnh ung thư của thai phụ, thì ung thư có thể gây ra tác động lớn hơn, dẫn tới tăng các nguy cơ có liên quan tới ung thư.
6. Các câu hỏi thai phụ có thể sử dụng để tham vấn với bác sĩ
Nếu bị ung thư khi mang thai, thai phụ có thể tham khảo một số câu hỏi sau trong quá trình tham vấn bác sĩ:
- Có xét nghiệm đặc biệt nào nên làm không?
- Phác đồ điều trị nào nên được sử dụng?
- Trong trường hợp này, điều trị ngay hay trì hoãn sẽ tốt hơn?
- Tiếp tục mang thai liệu có an toàn hay không?
- Trong ngắn hạn và dài hạn, liệu việc điều trị sẽ ảnh hưởng tới em bé như thế nào?
- Việc điều trị có ảnh hưởng tới chuyển dạ hay không?
- Có nên cho con bú không?
Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: cancer.net