Ung thư biểu mô tế bào đáy là khối u ác tính bắt nguồn từ những tế bào ở lớp đáy của thượng bì. Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy dựa vào triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm mô bệnh học.
1. Ung thư biểu mô tế bào đáy là bệnh gì?
Ung thư biểu mô tế bào đáy (Basal cell carcinoma - BCC) là một loại ung thư da phổ biến, chiếm tỷ lệ khoảng 75% trong các loại ung thư da. Ung thư da biểu mô tế bào đáy bắt nguồn từ trong các tế bào nền - một loại tế bào trong da tạo thành lớp sâu nhất của biểu mô. Các tế bào da mới này sẽ thay thế dần các tế bào cũ khi chúng chết đi.
Bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy thường xuất hiện dưới dạng vết sưng u trên da, hơi trong suốt. Ngoài ra, bệnh có thể biểu hiện tổn thương ở các dạng khác. Ung thư da biểu mô tế bào đáy thường xảy ra trên các vùng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, chẳng hạn như đầu và cổ.
Hầu hết bệnh nhân bị ung thư biểu mô tế bào đáy là do tiếp xúc lâu dài với tia cực tím (UV) từ ánh sáng mặt trời. Tránh ánh nắng mặt trời và sử dụng kem chống nắng là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy
Để đánh giá bất kỳ khối u hoặc dấu hiệu thay đổi bất thường nào trên da của bạn, bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu sẽ tiến hành thăm khám và thực hiện chẩn đoán.
2.1. Thông tin bệnh sử
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra tổng quát và hỏi bệnh nhân một số câu hỏi về tiền sử bệnh, thay đổi bất thường trên da hoặc bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào khác.
Các câu hỏi về thông tin bệnh sử bao gồm:
- Lần đầu tiên bạn nhận thấy sự xuất hiện của khối u hoặc tình trạng tổn thương da này là khi nào?
- Biểu hiện triệu chứng dường như có sự thay đổi kể từ lần đầu tiên bạn nhận thấy chúng?
- Khối u hoặc tổn thương trên da có gây đau?
- Bạn đã từng nhận thấy bất kỳ khối u hoặc tổn thương nào khác trên cơ thể?
- Bạn đã bị ung thư da từ trước?
- Có ai trong gia đình bạn bị ung thư da không và ung thư loại nào?
- Bạn có thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giữ an toàn cho da dưới tác động của ánh nắng mặt trời không, chẳng hạn như sử dụng kem chống nắng và tránh đi ra nắng giữa trưa?
- Bạn có kiểm tra tình trạng của da định kỳ không?
2.2. Thăm khám da
Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám không chỉ tại khu vực nghi ngờ có ung thư biểu mô tế bào đáy mà còn tại một số nơi khác trên cơ thể bệnh nhân để tìm những tổn thương khác.
2.3. Sinh thiết da
Sinh thiết da là thủ thuật lấy ra một mẫu nhỏ của tổn thương và đem đi xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Điều này sẽ cho thấy liệu bệnh nhân có bị ung thư da hay không và nếu có thì đó là loại ung thư da nào. Loại sinh thiết da cần thực hiện phụ thuộc vào loại và kích thước của tổn thương.
3. Điều trị ung thư da biểu mô tế bào đáy
Mục tiêu điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy là loại bỏ hoàn toàn ung thư. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh tùy thuộc vào loại, vị trí và kích thước của khối u ung thư, cũng như nguyện vọng và khả năng tái khám để điều trị. Quyết định điều trị cũng có thể phụ thuộc vào việc đây là ung thư biểu mô tế bào đáy lần đầu phát hiện hay đã tái phát. Một số lựa chọn chủ yếu bao gồm:
3.1. Phẫu thuật
Bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy thường được điều trị bằng phẫu thuật, nhằm loại bỏ tất cả tế bào ung thư và những phần mô xung quanh chúng.
Các lựa chọn phẫu thuật có thể bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ: Bác sĩ sẽ cắt bỏ mô da ung thư và phần rìa xung quanh. Phần rìa được kiểm tra dưới kính hiển vi để chắc chắn không mang tế bào ung thư. Biện pháp này được khuyến nghị cho trường hợp ung thư biểu mô tế bào đáy ít có khả năng tái phát, chẳng hạn như những bệnh nhân biểu hiện triệu chứng trên ngực, lưng, tay và chân;
- Phẫu thuật Mohs: Bác sĩ sẽ loại bỏ lớp da ung thư theo từng lớp dưới sự hỗ trợ của kính hiển vi cho đến khi không còn phát hiện tế bào bất thường nào. Điều này cho phép bác sĩ phẫu thuật loại bỏ toàn bộ tế bào ác tính, đồng thời tránh lấy đi quá nhiều tế bào da khỏe mạnh xung quanh. Phẫu thuật Mohs được khuyến nghị nếu bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tế bào đáy có nguy cơ tái phát cao, chẳng hạn như khối u có chiều hướng trở nên lớn hơn, vào sâu hơn trong da hoặc nằm trên khuôn mặt bệnh nhân.
3.2. Phương pháp điều trị khác
Đôi khi, các phương pháp điều trị khác có thể được khuyến cáo trong một số tình huống, chẳng hạn như khi bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hoặc không muốn phẫu thuật.
Các phương pháp điều trị khác bao gồm:
- Nạo và điện di: Loại bỏ bề mặt của ung thư da bằng dụng cụ cạo, sau đó khống chế tế bào ung thư bằng kim điện. Phương pháp này thường được lựa chọn để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy loại nhỏ, ít có khả năng tái phát, chẳng hạn như những bệnh nhân biểu hiện triệu chứng ở lưng, ngực, tay và chân;
- Xạ trị: Sử dụng các chùm tia mang năng lượng cao, chẳng hạn như tia X và dòng proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị đôi khi được sử dụng sau phẫu thuật nếu bệnh nhân có nguy cơ cao sẽ tái phát ung thư;
- Đông lạnh: Đóng băng các tế bào ung thư bằng nitơ lỏng trong điều kiện nhiệt độ thấp. Đây là một lựa chọn để điều trị tổn thương da bề mặt. Phương pháp đông lạnh có thể được thực hiện sau khi đã loại bỏ bề mặt của ung thư da bằng dụng cụ cạo và thường được áp dụng vào trong điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy loại nhỏ và mỏng, khi phẫu thuật không phải là một lựa chọn thích hợp;
- Điều trị tại chỗ: Bôi kem hoặc thuốc mỡ (theo toa bác sĩ) có thể được xem xét để điều trị ung thư biểu mô tế bào đáy loại nhỏ và mỏng nếu bệnh nhân không thể làm phẫu thuật;
- Liệu pháp quang động lực học: Liệu pháp điều trị ung thư da bề mặt bằng cách ứng dụng năng lượng từ ánh sáng và thuốc cản quang. Trong liệu pháp quang động lực học, bác sĩ sử dụng một loại thuốc lỏng làm cho các tế bào ung thư trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Sau đó, một nguồn sáng được chiếu vào và phá hủy các tế bào ung thư da.
3.3. Điều trị ung thư lây lan
Trong một số trường hợp hiếm, ung thư biểu mô tế bào đáy có thể lan rộng đến các hạch bạch huyết gần đó và các khu vực khác trên cơ thể (gọi là di căn). Các lựa chọn điều trị bổ sung trong tình huống này bao gồm:
- Điều trị bằng thuốc nhắm mục tiêu: Phương pháp điều trị bằng thuốc với cơ chế tập trung tấn công vào các điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư. Bằng cách can thiệp vào những điểm yếu này, phương pháp điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích có thể khiến các tế bào ung thư chết đi, trong khi giữ nguyên tính toàn vẹn của tế bào thường. Thuốc điều trị nhắm mục tiêu cho ung thư biểu mô tế bào đáy ngăn chặn các tín hiệu phát triển ung thư, không cho chúng tiếp tục phát triển. Phương pháp này có thể được xem xét sau khi thực hiện các phương pháp điều trị khác hoặc khi những lựa chọn khác không thể thực hiện được;
- Hóa trị: Hóa trị sử dụng phác đồ điều trị với các loại thuốc có hoạt tính mạnh, nhằm tiêu diệt triệt để các tế bào ung thư. Đây là một lựa chọn khi các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả.
Để phục vụ cho thông tin chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy, bệnh nhân cần chú ý lưu giữ lại thông tin bệnh sử của cá nhân và gia đình, bao gồm cả các loại thuốc đã và đang sử dụng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org
XEM THÊM: