Bài viết được viết bởi Bác sĩ Diêm Thị Yến - Bác sĩ Lab IVF, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Thalassemia là bệnh lý di truyền gen lặn phổ biến nhất trên thế giới chiếm khoảng 4,8% dân số toàn cầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ mang gen bệnh ở người Kinh 2 - 4%. Tỉ lệ này rất cao ở các dân tộc Mường, Tày, Thái 22%; dân tộc Ê đê, Stiêng trên 40%. Đây là bệnh di truyền, bố và/hoặc mẹ truyền gen bệnh cho con. Bệnh gặp cả ở nam và nữ.
1. Bệnh Thalassemia (Hội chứng tan máu bẩm sinh) là gì và cách phòng ngừa?
Bệnh liên quan đến khiếm khuyết di truyền làm suy giảm chức năng của hồng cầu. Có 2 thể bệnh chính là alpha-thalassemia và beta-thalassemia. Người mắc bệnh sẽ bị tan máu thường xuyên dẫn đến thiếu máu mạn tính, phải được truyền máu và thải sắt suốt đời.
Việc phát hiện sớm và tầm soát có vai trò vô cùng cần thiết liên quan đến tiên lượng điều trị. Nếu cả vợ cả chồng đều mang gen thì có 25% khả năng con có nguy cơ mắc bệnh.
Vì vậy, các cặp vợ chồng chuẩn bị có thai, đặc biệt các gia đình đã có người bệnh Thalassemia nên đi khám sàng lọc để phát hiện kịp thời và có biện pháp phòng ngừa thích hợp nhờ vào kỹ thuật PGT-M (preimplantation genetic testing for monogenetic gene disorders).
2. Kỹ thuật PGT-M hay xét nghiệm các bệnh lý di truyền do rối loạn đơn gen là gì ?
Kỹ thuật PGT-M còn được biết đến với cái tên quen thuộc khác là PGD (Preimplatation genetic diagnosis) - chẩn đoán di truyền tiền làm tổ. PGT-M đang được áp dụng tại nhiều trung tâm hiện đại trên thế giới, trong đó có Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Vinmec Times City.
Với kỹ thuật này chúng ta có thể kiểm tra bộ gen của phôi từ giai đoạn rất sớm, từ đó phát hiện ra các đoạn bất thường trên 1 gen cụ thể mà được di truyền từ bố mẹ.
Từ đó, các phôi đồng hợp gen bệnh sẽ bị loại bỏ trước khi chuyển vào trong buồng tử cung của mẹ. Hiệu quả của phương pháp này đã được chứng minh giúp hạn chế tình trạng trẻ sinh ra mắc bệnh cũng như hạn chế việc phải chấm dứt thai kỳ nửa chừng khi thai nhi bị bất thường thiếu máu nặng.
Không chỉ có hiệu quả trên việc chẩn đoán bệnh Thalassemia, phương pháp PGT-M còn giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý di truyền đơn gen khác ở trên phôi như Hemophilia, loạn dưỡng cơ Duchenne, các bệnh lý di truyền liên kết NST X...
Bên cạnh đó, trong tương lai, kỹ thuật này còn được hướng tới ứng dụng trong điều trị cho anh/chị/em của trẻ đã ra đời nhưng mang bệnh. Với PGT-M có thể chẩn đoán sự phù hợp về kháng nguyên bạch cầu người (HLA) của phôi với các anh/chị/em bị bệnh. Tế bào gốc từ máu cuống rốn của trẻ sinh ra từ các phôi được lựa chọn qua kỹ thuật PGT-M sẽ giúp điều trị cho anh/chị/em mang bệnh.
3. Kỹ thuật PGT-M được thực hiện như thế nào?
Về cơ bản, để thực hiện được kỹ thuật PGT-M, các cặp vợ chồng cần được hỗ trợ sinh sản bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Các phôi được tạo ra sẽ được nuôi lên ngày 5.
Với các phôi ngày 5 (phôi nang hay phôi túi) đủ điều kiện sẽ được sinh thiết (lấy ra 3-5 tế bào phôi từ vùng tế bào sẽ phát triển thành nhau thai sau này). Các mẫu tế bào sau sinh thiết sẽ được áp dụng các phương pháp xét nghiệm đặc biệt để phát hiện gen mang bệnh.
Ngày nay, với y học hiện đại, người ta còn có thể thực hiện kỹ thuật Ni-PGT-M (PGT-M không xâm lấn) trên mẫu môi trường nuôi cấy phôi mà không cần sinh thiết phôi.
Với kỹ thuật này chúng ta không còn lo ngại gì về các tác động có thể ảnh hưởng đến phôi trong quá trình sinh thiết, mà thay vào đó chỉ cần lấy một lượng nhỏ môi trường nuôi cấy chừng 10-20μl là có thể thực hiện chẩn đoán được.
Tuy nhiên, đây là 1 hướng nghiên cứu còn khá mới mẻ và vẫn chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh về hiệu quả vượt trội cũng như độ tin cậy của phương pháp Ni-PGT-M so với PGT-M thông thường.
4. Những nguy cơ gì có thể gặp phải khi áp dụng kỹ thuật PGT-M?
Trước khi được chỉ định kỹ thuật PGT-M, người bệnh nên được tư vấn trước về các rủi ro có thể gặp phải như sau:
- Không có phôi ngày 5: cho đến nay, phương pháp PGT-M chẩn đoán tốt nhất vẫn là trên phôi ngày 5, trong khi tỷ lệ phôi phát triển từ ngày 3 lên đến ngày 5 chỉ đạt xung quanh 60%. Như vậy, có khả năng bệnh nhân sẽ không có phôi ngày 5 để làm chẩn đoán di truyền, hoặc có thể có phôi ngày 5 nhưng chất lượng phôi không đủ điều kiện để tiến hành kỹ thuật này.
- Kết quả sau chẩn đoán di truyền, không có phôi nào có thể chuyển vào tử cung: kết quả sau chẩn đoán di truyền có thể rơi vào 3 khả năng (phôi bị bệnh hoàn toàn, phôi mang gen bệnh dị hợp, phôi không bị bệnh). Như vậy, vẫn có khả năng xấu nhất là tất cả các phôi đều bị bệnh hoàn toàn và không thể chuyển vào tử cung được.
- Phôi khảm hoặc mang các bất thường khác ngoài gen được chẩn đoán: Phương pháp PGT-M chỉ giúp chẩn đoán tiền làm tổ các bất thường liên quan đến 1 gen cụ thể, đã biết do di truyền từ bố mẹ, mà không thể chẩn đoán được bất thường của gen khác không được sàng lọc cũng như thể khảm. Vì vậy, vẫn có khả năng phôi được sàng lọc bệnh liên quan đến 1 gen đã biết nhưng vẫn bị bất thường về các gen khác do không được sàng lọc và chẩn đoán.
- Phôi bị ngừng phát triển sau khi sinh thiết: do phương pháp PGT-M phổ biến đang được áp dụng hiện nay là trên các mẫu tế bào phôi sinh thiết, do đó quá trình sinh thiết có thể gây tác động làm phôi ngừng phát triển. Tuy nhiên, với tiến bộ của kỹ thuật sinh thiết phôi ngày nay thì khả năng này là hiếm xảy ra.
5. Vinmec triển khai phương pháp PGT-M sàng lọc bệnh Thalassemia như thế nào?
Dựa trên tất cả những hiểu biết và các thông tin có thể tiếp cận về các bệnh lý di truyền đơn gen, đặc biệt là bệnh Thalassemia, chúng ta cần có chiến lược dự phòng chủ động để giảm thiểu trẻ sinh ra bị bệnh, giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng nhờ kỹ thuật PGT-M.
Hiện nay, phương pháp PGT-M đang được tiến hành ở hầu hết các trung tâm hỗ trợ sinh sản hiện đại trên thế giới, trong đó có Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec Times City. Đặc biệt, tỷ lệ thành công của các cặp vợ chồng làm hỗ trợ sinh sản kết hợp PGT-M sàng lọc Thalassemia tại IVF Vinmec Times City lên tới 75%.
Trung tâm được trang bị trang thiết bị và hệ thống tủ nuôi cấy theo dõi liên tục hiện đại bậc nhất thế giới, tỷ lệ nuôi cấy thành công phôi ngày 5 của IVF Vinmec Times City luôn ở mức trên 60%, giảm được mối lo ban đầu là không có phôi ngày 5 cho bệnh nhân.
Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ, chuyên viên được đào tạo bài bản cả về chuyên môn và kỹ thuật tại các trường đại học hàng đầu Việt Nam (ĐH Y Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên), thường xuyên được gửi đào tạo cập nhật chuyên môn tại các quốc gia Mỹ, ÚC, Tây Ba Nha, Pháp.... người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm về độ an toàn của các kỹ thuật cũng như độ chính xác của của các phương pháp chẩn đoán di truyền.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán bệnh Thalassemia
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.