Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Dược sĩ Hoàng Trà Linh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Thuốc co mạch mũi có tác dụng gây co mạch tại chỗ, từ đó làm giảm hiện tượng sưng nề, sung huyết và xuất huyết, giúp dịch đọng trong khoang mũi và hốc xoang đào thoát nhanh hơn, làm cho mũi trở nên thông thoáng và dễ thở hơn. Thuốc được sử dụng cho các trường hợp bị chảy nước mũi do dị ứng, kích ứng xoang, hoặc cảm lạnh thông thường.
1. Phân loại thuốc co mạch
Thuốc co mạch trị nghẹt mũi là chất kích thích thần kinh giao cảm, có tác dụng co mạch bằng cách làm giảm sưng và tắc nghẽn khi tác động lên màng nhầy. Đồng thời, thuốc gây co thắt các tế bào cơ trơn của thành mạch, khiến các mạch máu co lại, hẹp đi, tốc độ lưu thông máu chậm và làm gia tăng áp lực lên thành mạch gây tăng huyết áp.
Các thuốc co mạch mũi được chia làm 2 nhóm chính:
- Nhóm tương tự vasopressin (vasopressin, desmopressin, terlipressin...)
- Nhóm chủ vận alpha-adrenergic (Epinephrine, norepinephrine, phenylephrine...).
Ngoài 2 nhóm chính, còn có một số loại thuốc khác cũng có tác dụng gây co mạch như: nhóm thuốc kháng histamin, cafein...
2. Các thuốc co mạch mũi
- Epinephrin (adrenalin) là chất dẫn truyền thần kinh cường giao cảm nhóm catecholamine. Khi vào cơ thể, epinephrine có tác dụng gây co mạch, tăng huyết áp, tăng nhịp tim, giãn cơ trơn phế quản.
- Norepinephrin (noradrenalin) là chất dẫn truyền thần kinh cường giao cảm nhóm catecholamine, tương tự như epinephrine. Khi vào cơ thể, norepinephrine cũng có tác dụng co mạch và đồng thời làm tăng huyết áp.
- Vasopressin là một loại hoóc-môn kháng lợi tiểu do tuyến yên tiết ra nhưng hiện nay đã tổng hợp được. Khi vào cơ thể, vasopressin gây co mạch, tăng huyết áp và tái hấp thu nước ở thận.
- Phenylephrine là chất giao cảm có tác dụng kéo dài hơn adrenalin, gây co mạch và làm tăng huyết áp.
- Xylometazolin là chất giao cảm tác dụng lên những thụ thể alpha- adrenergic tại niêm mạc mũi, gây co mạch cục bộ ở mũi nên làm giảm sung huyết mũi.
3. Ứng dụng thuốc co mạch trong điều trị
Thuốc nhỏ mũi co mạch được dùng để giảm triệu chứng và giảm sung huyết trong các trường hợp viêm mũi cấp hoặc mạn tính, viêm xoang, cảm lạnh, cảm mạo hoặc dị ứng (dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi co mạch hay dạng xịt mũi). Tác dụng co mạch trị nghẹt mũi đạt trong vòng 10 phút và kéo dài trong khoảng 2 - 6 giờ.
Thuốc co mạch kết hợp với các thuốc gây tê cục bộ với mục đích kéo dài thời gian tác dụng của thuốc gây tê (adrenalin kết hợp với lidocain sẽ kéo dài thời gian tác dụng)
Các thuốc co mạch như adrenalin, noradrenalin... được sử dụng cấp cứu trong các trường hợp rối loạn tuần hoàn do sốc phản vệ, sốc do nhiễm khuẩn.
Các thuốc co mạch (ephedrin, phenylephrine) có tác dụng làm co các mạch máu nên có tác dụng làm giảm tạm thời các triệu chứng sưng, đau, bỏng rát ở vùng hậu môn bị kích thích ở người mắc bệnh trĩ.
Các thuốc co mạch có tác dụng cầm máu trong phẫu thuật như: vasopressin, desmopressin.
Cần lưu ý với thuốc nhỏ mũi co mạch
- Những trường hợp sau không dùng thuốc co mạch trị nghẹt mũi là trẻ sơ sinh, người đang mắc bệnh glocom.
- Không nên dùng thuốc nhỏ mũi co mạch cho trẻ em dưới 6 tuổi. Nếu cần thiết, dùng dung dịch 0,025% và phải hết sức thận trọng theo chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc. Chỉ được dùng dung dịch 0,05% cho trẻ em dưới 12 tuổi khi có chỉ dẫn và giám sát của thầy thuốc.
- Không nên dùng thuốc nhỏ mũi co mạch nhiều lần và liên tục để tránh bị sung huyết nặng trở lại. Khi dùng thuốc nhỏ mũi liên tục 3 ngày không đỡ người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ.
Các chú ý với những thuốc co mạch khác:
- Thuốc co mạch có thể gây ra tác dụng phụ làm tăng huyết áp, căng thẳng thần kinh, run, mất ngủ.
- Không sử dụng thuốc co mạch với những người mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, u xơ tiền liệt tuyến...
- Đa số các thuốc co mạch là những thuốc kê đơn, người bệnh không được tự ý sử dụng, phải được sự chỉ định và theo dõi chặt chẽ của các thầy thuốc chuyên khoa.
- Khi dùng thuốc co mạch không nên dùng quá 7 ngày vì nếu lạm dụng dễ gây hiện tượng “nhờn thuốc”, thuốc không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây hiện tượng viêm mạn tính niêm mạc mũi rất khó trị. Mặt khác, không những thuốc có tác dụng tại chỗ mà còn thấm qua niêm mạc vào máu gây tác dụng toàn thân, bởi vậy càng không nên dùng liều cao dài ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.