Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.
Siêu âm trong hồi sức cấp cứu đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh lý mà người bệnh đang gặp phải, hỗ trợ bác sĩ đưa ra quyết định điều trị và theo dõi diễn tiến bệnh một cách chính xác.
1. Siêu âm là gì?
Siêu âm là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh học không sử dụng các phóng xạ ion hóa. Nguyên tắc của siêu âm là để một phần cơ thể tiếp xúc với sóng âm có tần số cao, tạo ra những hình ảnh bên trong cơ thể. Ưu điểm của kỹ thuật này là không xâm lấn, an toàn, dễ thực hiện. Vì vậy, kỹ thuật siêu âm đã được ứng dụng rộng rãi trong chẩn đoán và hướng dẫn can thiệp điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
2. Vai trò của siêu âm trong hồi sức cấp cứu
Siêu âm cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng. Kỹ thuật này sử dụng trên những bệnh nhân nặng, nằm tại khoa hồi sức cấp cứu, khoa điều trị tích cực. Phương pháp siêu âm cấp cứu cung cấp thông tin về bệnh lý ngay tại thời điểm thăm khám, rất nhanh chóng và an toàn với bệnh nhân.
Phương pháp siêu âm có trọng điểm là thực hành siêu âm tại giường bệnh mà bệnh nhân đang điều trị. Mục đích của kỹ thuật là chẩn đoán bệnh, hướng dẫn thủ thuật, theo dõi bệnh và tầm soát bệnh.
Với kỹ thuật này, các bác sĩ có thêm một công cụ có thể đánh giá nhanh được bệnh lý mà bệnh nhân đang gặp phải để có thêm thông tin đưa ra quyết định điều trị, theo dõi diễn tiến bệnh một cách chính xác. Kỹ thuật siêu âm cấp cứu cũng giảm mức độ lệ thuộc vào các xét nghiệm xâm lấn, các kỹ thuật dùng tia X, đồng thời làm giảm biến chứng khi làm thủ thuật.
Ngoài ra, phương pháp siêu âm cũng dễ thực hiện hơn các kỹ thuật khác đối với các bệnh nhân là trẻ em. Vì vậy, siêu âm có trọng điểm ngày càng được khuyến khích thực hiện, đặc biệt ở khoa cấp cứu.
3. Những ứng dụng của siêu âm trong hồi sức cấp cứu
3.1 Siêu âm bệnh nhân chấn thương tại cấp cứu
Siêu âm cho những bệnh nhân bị chấn thương nặng trong hồi sức cấp cứu là một chỉ định thường quy vì kỹ thuật thực hiện nhanh, dễ thực hiện tại giường bệnh, không cần di chuyển bệnh nhân, không xâm lấn, không sử dụng tia xạ và có thể lặp lại nhiều lần.
Từ đó, ra đời kỹ thuật FAST và eFAST Protocol trên các bệnh nhân bị chấn thương. FAST (viết tắt của Focused assessment with sonography for trauma) là kỹ thuật đánh giá có trọng điểm bằng siêu âm trong chấn thương, eFAST (Extended FAST) là FAST mở rộng.
Kỹ thuật có thể phát hiện được bệnh nhân chấn thương nặng, gồm chấn thương ngực kín (tràn máu màng phổi, tràn khí màng phổi, dập phổi, tràn máu màng tim) và chấn thương bụng kín (chấn thương gan, ruột, lách, mạc treo, bàng quang, tụy). Kỹ thuật FAST/EFAST protocol giúp phát hiện sự tồn tại của dịch tự do ở những người bệnh chấn thương, thường tập trung ở rãnh gan - thận, rãnh lách - thận, hạ vị (túi cùng Douglas) và đáy phổi 2 bên.
3.2 Siêu âm bệnh nhân có choáng tại cấp cứu (không do chấn thương)
Bệnh nhân có choáng là trường hợp thường gặp tại khoa hồi sức cấp cứu. Đây là tình trạng nặng, nếu không được chẩn đoán và xử trí nhanh thì tỷ lệ tử vong khá cao. Choáng được chia thành 4 nhóm dựa trên sinh lý bệnh là: Choáng phân bố, choáng giảm thể tích, choáng tim và choáng tắc nghẽn.
Bác sĩ sử dụng kỹ thuật siêu âm RUSH protocol để phát hiện tràn dịch màng ngoài tim - chèn ép tim cấp, đánh giá chức năng thất trái, đánh giá tĩnh mạch chủ dưới, đánh giá kích thước - hình dạng thất phải, đánh giá đường B (xuất hiện khi có sự tụ dịch trong mô kẽ - phế nang do dập phổi, bệnh phổi mô kẽ, phù phổi cấp),...
3.3 Siêu âm hướng dẫn điều trị tại cấp cứu
Ngoài vai trò chẩn đoán xác định bệnh nhanh tại cấp cứu, kỹ thuật siêu âm còn giúp bác sĩ điều trị:
- Thực hiện các thủ thuật điều trị: Chọc tháo dịch (ổ bụng, màng tim, màng phổi), hướng dẫn đặt nội khí quản, sinh thiết mô,...;
- Đánh giá và theo dõi điều trị: Đáp ứng bù dịch
Thực hiện kỹ thuật siêu âm giúp giảm tai biến, rút ngắn thời gian thực hiện thủ thuật.
Ứng dụng cụ thể của siêu âm trong điều trị như sau:
- Siêu âm hướng dẫn chọc tháo dịch màng phổi: Giúp đánh giá lượng dịch màng phổi để có vị trí chọc tháo thuận lợi, xác định được khoảng cách kim chọc tháo;
- Siêu âm hướng dẫn chọc tháo dịch màng tim: Giúp xác định vị trí chọc dò thuận lợi nhất và gần nhất có thể cũng như lấy được lượng dịch nhiều nhất có thể, hạn chế làm tổn thương các cơ quan xung quanh và có thể ước đoán được lượng dịch màng ngoài tim (dựa vào khoảng cách giữa 2 lá của khoang màng tim và kiểu lan tỏa của dịch màng tim);
- Siêu âm hướng dẫn chọc tháo dịch ổ bụng: Giúp bác sĩ có thể xác định vị trí chọc dò thuận lợi nhất, gần nhất có thể và lấy được lượng dịch nhiều nhất có thể, tránh được các vị trí mạch máu;
- Siêu âm đánh giá đáp ứng của bù dịch: Để đánh giá đáp ứng bù dịch trên lâm sàng tại cấp cứu, kỹ thuật đánh giá IVC trên siêu âm chính là phương pháp nhanh, đơn giản, có giá trị và có thể thực hiện lặp lại nhiều lần. Tuy nhiên, cần chú ý là việc chỉ sử dụng trị số IVC đơn lẻ sẽ không đánh giá đúng và đủ đáp ứng bù dịch của bệnh nhân.
Có thể thấy siêu âm trong hồi sức cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp mắc bệnh nặng, nguy kịch.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.