Thay thế huyết tương là phương pháp sử dụng thiết bị (máy và quả lọc), đưa máu ra ngoài và tách riêng phần huyết tương có chứa yếu tố gây bệnh ra khỏi các tế bào máu. Phần huyết tương bị thiếu hụt được bổ sung bằng huyết tương của người cho hoặc dịch thay thế huyết tương. Phương pháp thay thế huyết tương được ứng dụng trong điều trị các bệnh lý liên quan đến tự kháng thể, hoặc phức hợp kháng nguyên kháng thể lưu hành trong máu.
1. Phương pháp thay thế huyết tương là gì?
Phương pháp thay huyết tương là liệu pháp loại bỏ lượng huyết tương trong máu người bệnh và thay thế vào một lượng huyết tương khác tương tự. Máu được dẫn ra ngoài qua hệ thống máy và quả lọc, tại đây một lượng huyết tương được loại bỏ và thay thế vào một lượng huyết tương hay albumin tương ứng, sau đó máu được trả về lại cho cơ thể.
Quá trình thay thế huyết tương thường kéo dài 2 - 3 giờ. Người bệnh có thể gặp một số phản ứng phụ như tê nhẹ, ngứa, buồn nôn hoặc chóng mặt.
2. Ứng dụng của phương pháp thay thế huyết tương
Ý nghĩa của phương pháp thay thế huyết tương bao gồm:
- Loại bỏ các chất gây bệnh như: Globulin miễn dịch; Paraproteins, lipoproteins; Cytokines; Các độc chất, các sản phẩm chuyển hóa...
- Bổ sung các chất bị thiếu hoặc có lợi trong máu: Yếu tố đông máu; ADAMTS13...
Phương pháp thay thế huyết tương được ứng dụng trong điều trị các bệnh có liên quan đến tự kháng thể hoặc phức hợp kháng nguyên kháng thể lưu hành trong máu như:
- Bệnh lý do bất thường hệ tự miễn: Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP).
- Bệnh lý liệt do miễn dịch: Bệnh nhược cơ, Hội chứng Guillain-Barré.
- Đặc biệt Viêm tụy cấp do tăng Triglycerid máu, đáp ứng rất tốt trong thay huyết tương.
- Thải ghép của các tạng đặc (thận, tim).
- Suy gan cấp chờ gan phục hồi hoặc chờ ghép gan.
Khi phần huyết tương có yếu tố bệnh lý được thay thế giúp các triệu chứng lâm sàng của bệnh được cải thiện rõ rệt. Ví dụ bệnh nhân nhược cơ nặng phải thở máy, không thể vận động toàn thân có thể hoạt động trở lại sau 1-2 lần thay thế huyết tương; Các trường hợp viêm tụy cấp có nồng độ triglyceride cao cũng được cải thiện triệu chứng rõ rệt sau khi thay huyết tương.
Phương pháp thay thế huyết tương đang được ứng dụng điều trị một số bệnh lý khác như viêm gan C, bilirubin máu tăng cao, hội chứng HELLP... và bước đầu cho kết quả khả quan.
3. Tác dụng phụ khi thay thế huyết tương
Sau khi thay lọc huyết tương, người bệnh có thể có triệu chứng tê nhẹ, ngứa, buồn nôn, chóng mặt hoặc cảm thấy mệt mỏi vài ngày. Trong thời gian này, bạn nên nghỉ ngơi và thông báo cho cán bộ y tế nếu có những triệu chứng bất thường.
Một số nguy cơ có thể gặp sau khi thay thế huyết tương như dị ứng, hạ canxi máu, chảy máu, nhiễm khuẩn tại chỗ đặt catheter lấy máu ra và đưa máu vào cơ thể; hạ huyết áp, dị ứng với quả lọc.... Tuy nhiên nếu phương pháp thay thế huyết tương được thực hiện đúng quy trình với một ekip bác sĩ có kinh nghiệm, các nguy cơ thường được xử lý tốt và hiếm khi ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec áp dụng kỹ thuật thay huyết tương với tỷ lệ thành công đến 95%. Bệnh viện sử dụng hệ thống máy thay huyết tương Prismaflex® được thực hiện bởi các bác sĩ giàu kinh nghiệm khoa Hồi sức cấp cứu.
Thông qua việc loại bỏ một phần huyết tương, một lượng lớn các tự kháng thể, các phức hợp miễn dịch, các thành phần mỡ máu, các độc chất gắn với các thành phần của huyết tương được thải ra ngoài dùng để điều trị các bệnh lý liên quan.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.