Chẩn đoán và điều trị nhược cơ

Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh nhược cơ là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, nhược cơ cũng khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, mất tập trung, ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, cần chẩn đoán và điều trị đúng phương pháp.

1. Nhược cơ là gì?

Nhược cơ là bệnh về rối loạn thần kinh cơ, cụ thể là tình trạng yếu và mỏi cơ. Tình trạng yếu cơ sẽ thay đổi và xảy ra với một số cơ chủ động, chủ yếu là các cơ kích thích bởi những tế bào thần kinh vận động. Bệnh nhược cơ được phân loại thành các nhóm sau trên lâm sàng:

  • Nhóm 1: Xảy ra ở các cơ vận nhãn như cơ nâng mi.
  • Nhóm 2A: Bệnh nhược cơ xảy ra với nhiều nhóm cơ trong cơ thể nhưng mức độ nhẹ.
  • Nhóm 2B: Xảy ra với nhiều nhóm cơ trong cơ thể với mức độ vừa, biểu hiện là sụp mí, nói ngọng, yếu các chi, nuốt hay bị nghẹn và sặc.
  • Nhóm 3: Xảy ra đột ngột, các cơ toàn thân yếu nhanh chóng.
  • Nhóm 4: Nhóm nhược cơ ở mức độ nặng kèm theo diễn tiến mãn tính,

Nguyên nhân gây bệnh nhược cơ là do giảm hoặc mất sự liên tục trong việc dẫn truyền các xung động thần kinh đến các cơ tương ứng, bên cạnh đó có thể do:

  • Tự kháng thể phá hủy các thụ cảm của acetylcholin gây xung động thần kinh dẫn truyền đến không được tế bào cơ tiếp nhận.
  • Sự tồn tại các tự kháng thể kháng lại enzyme kinase làm cản trở sự hình thành và biệt hóa các thụ thể của acetylcholin.
  • Các bệnh lý tuyến ức: Tăng sản tuyến ức, u tuyến ức thường làm tăng sản xuất các tự kháng thể trong cơ thể tấn công các thụ thể acetylcholin.

Nhược cơ là bệnh về rối loạn thần kinh cơ, cụ thể là tình trạng yếu và mỏi cơ
Nhược cơ là bệnh về rối loạn thần kinh cơ, cụ thể là tình trạng yếu và mỏi cơ

2. Chẩn đoán nhược cơ

Chẩn đoán nhược cơ dựa trên triệu chứng lâm sàng:

  • Yếu cơ: Yếu cơ tăng lên sau khi vận động. Yếu cơ thường xuất hiện đầu tiên ở các cơ ổ mắt, cơ ở mặt, cơ nhai, cơ cổ, cơ họng.
  • Tổn thương các cơ vận nhãn: Với triệu chứng sụp mí, có thể sụp mí một bên kèm theo nhìn đôi. Khi người bệnh nhìn xuống để cơ nâng mi và sau đó là nhìn thẳng thật nhanh, nếu mi trên giật mạnh và sụp xuống luôn thì có thể là dấu hiệu nhược cơ.
  • Nếu bị nhược cơ, người bệnh sẽ nhanh chóng bị mỏi hàm khi nhai, thậm chí cằm có thể trễ xuống phải lấy tay đẩy lên. Kèm theo các triệu chứng trên thì người bệnh nhược cơ thường hay nuốt nghẹn.
  • Nếu nói chuyện lâu, giọng nói càng khó nghe hơn và chuyển thành giọng mũi.
  • Một số trường hợp cổ rũ xuống do yếu các cơ gáy.
  • Khi bệnh tiến triển, tất cả các cơ đều có thể bị yếu. Thậm chí khi bệnh nặng, các cơ vòng của bàng quang và trực tràng đều bị ảnh hưởng.

Chẩn đoán nhược cơ dựa trên triệu chứng cận lâm sàng:

  • Chụp X quang phổi: Phát hiện viêm phổi do sặc
  • Khí máu động mạch và chức năng hô hấp: Sử dụng trong trường hợp nhược cơ nặng nhằm chỉ định thở máy.

Chẩn đoán nhược cơ dựa trên triệu chứng cận lâm sàng bằng cách chụp Xquang phổi
Chẩn đoán nhược cơ dựa trên triệu chứng cận lâm sàng bằng cách chụp Xquang phổi

3. Điều trị nhược cơ

Biến chứng nguy hiểm của bệnh nhược cơ là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, nhược cơ cũng khiến cho người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, suy kiệt, ăn uống kém, mất tập trung, ảnh hưởng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, cần chẩn đoán nhược cơ sớm và điều trị đúng phương pháp. Việc điều trị nhược cơ bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng Cholinesterase: Liều lượng và thời gian dùng của mỗi thuốc cần được điều chỉnh từng trường hợp cụ thể. Với người bệnh bị nhược cơ nhẹ, nhược cơ thể mắt đơn thuần hoặc sau phẫu thuật tuyến ức thì chỉ cần dùng thuốc kháng cholinesterase.
  • Sử dụng Corticosteroids: Chỉ định trong trường hợp nhược cơ toàn thân mức độ trung bình hoặc nặng. Đồng thời phải bổ xung kali, calci và cho thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày. Trường hợp người bệnh không thể uống có thể dùng đường tiêm tĩnh mạch,
  • Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch: Phối hợp với corticosteroids, hoặc dùng đơn độc khi bệnh nhân không dung nạp với corticosteroids.
  • Phẫu thuật tuyến ức: Những người mắc bệnh nhược cơ gặp những triệu chứng bất thường về tuyến ức, vì thế phương pháp phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức là phương pháp điều trị bệnh nhược cơ. Tuy nhiên, việc phẫu thuật cần phải thực hiện ở những cơ sở điều trị có chuyên môn cao.
  • Lọc huyết tương: Phương pháp này có tác dụng lọc bỏ các kháng thể kháng thụ thể cũng như các thành phần bổ thể trong huyết tương, các triệu chứng nặng của nhược cơ sẽ thuyên giảm.
  • Globulin miễn dịch: Truyền immunoglobulin tĩnh mạch là phương pháp điều trị tốt nhưng chi phí cao. Phương pháp này áp dụng trong trường hợp bệnh nhược cơ nặng, không đáp ứng với các phương pháp điều trị đã nêu trên.

4. Phòng ngừa bệnh nhược cơ


Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để phòng ngừa bệnh nhược cơ
Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để phòng ngừa bệnh nhược cơ

Bệnh nhược cơ là một bệnh lý tự miễn, tùy thuộc vào cơ địa từng người. Vì vậy không có biện pháp nào có hiệu quả để giúp phòng tránh được bệnh. Tuy nhiên, cần duy trì một sức khỏe tốt là điều nên làm. Các biện pháp bao gồm:

  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi.
  • Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao và xây dựng một lối sống lành mạnh.

Đối với những người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh nhược cơ thì cần:

  • Phòng tránh các bệnh nhiễm trùng trong quá trình điều trị bệnh nhược cơ.
  • Không được tự ý ngưng thuốc hay dùng thêm các loại thuốc khác nếu không có trong chỉ định từ bác sĩ điều trị.
  • Bổ sung kali
  • Tinh thần luôn lạc quan, thoải mái, tránh căng thẳng lo âu.
  • Khi các cơn nhược cơ tiến triển, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý.

Để biến chứng bệnh nhược cơ không trở lên quá nguy hiểm thì người bệnh cần chú ý các yếu tố có thể góp phần làm tình trạng nhược cơ tăng lên, đầu tiên phải đảm bảo yếu tố dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm chứa nhiều kali, thứ hai cần tránh các bệnh nhiễm khuẩn răng miệng, hầu họng,... khi đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có sự tư vấn từ các bác sĩ có chuyên môn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe