U xơ và u nang là những khối u lành tính phổ biến, hay gặp ở tử cung hoặc buồng trứng của phụ nữ. Do đó nhiều chị em thắc mắc u nang và u xơ khác nhau như thế nào?
1. U nang và u xơ khác nhau như thế nào?
Nhiều người thắc mắc u xơ và u nang khác nhau như thế nào? Theo các chuyên gia, u nang bản chất là một cấu trúc dạng túi bất thường, bên trong chứa đầy khí hoặc dịch. Trong khi đó, u xơ là một dạng khối u lành tính, phát triển trên các mô liên kết hoặc các cấu trúc sợi, trong đó phổ biến nhất là u xơ phát triển ở trong, trên hoặc xung quanh tử cung.
U xơ và u nang có thể hình thành ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể, trong đó u nang có thể hình thành cả trong xương và mô mềm. Hầu hết các dạng u nang đều lành tính, tuy nhiên vẫn có một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ. Về mặt cấu tạo, u nang sẽ cho cảm giác mềm mại hơn khi chạm vào, u nang có thể di chuyển dễ dàng. Khác với u nang, u xơ có xu hướng phát triển nhanh và thường cho cảm giác cứng chắc khi sờ chạm vào. Lưu ý: U nang và u xơ có thể cùng tồn tại trong một tổ chức cơ quan cụ thể..
Một số u nang thường gặp:
- Nang vú: Bản chất là những túi chứa dịch và có thể di chuyển dưới da;
- U nang biểu mô: Dạng u nang này phát triển ở lớp trên cùng của cấu trúc da (hay còn được gọi là lớp biểu bì). Vị trí u nang biểu mô hay gặp là trên cổ, vùng ngực, lưng trên và bìu;
- U nang gan: Đúng như tên gọi, loại u nang này phát triển trong gan;
- U nang bã: Phát triển trong lớp tế bào dưới cùng của nang lông. Phần chất lỏng dày bên trong các u nang bã thường chứa keratin (một chất cứng mà tế bào da sản xuất). Theo thống kê, u nang bã thường phát triển trên da đầu;
- U nang thận: Phát triển trong thận;
- U nang buồng trứng: Loại u nang này thường xuất hiện trong giai đoạn rụng trứng, hoàn toàn vô hại và không gây ra các triệu chứng đặc biệt. Đôi khi chị em sẽ có các biểu hiện đau vùng chậu, đau lưng và đầy hơi.
U xơ nhìn chung là một dạng khối u lành tính. Bên cạnh u xơ còn có một số dạng khối u khác như sau:
- U có thể là u lành tính hoặc u ác tính, trong đó các khối u lành tính như u xơ thường chỉ phát triển tại chỗ và không lan rộng. Các khối u ác tính lại phát triển ở một khu vực sau đó lan sang nơi khác. Khối u lành tính và ác tính đều khá đa dạng về kích thước u;
- Adenoma: Nguồn gốc từ biểu mô tuyến với nhiệm vụ bao phủ các cơ quan và tuyến. Ví dụ các khối u này bao gồm polyp đại tràng, adenomas ống mật và adenomas gan... và đa số lành tính;
- Lipoma: Những khối u mỡ này thường hình thành ở những người trên 40 với cấu tạo mềm và nằm ngay dưới da. Hầu hết u Lipoma là lành tính;
- U ác tính: Chúng có thể phát triển bất cứ vị trí nào trong cơ thể: Sarcoma phát triển từ mô liên kết như từ tủy xương trong khi đó ung thư biểu mô - một loại khối u ác tính phổ biến khác lại phát triển từ các tế bào biểu mô ở đại tràng, gan hoặc tuyến tiền liệt.
Các khối u, như u xơ, khi phát triển quá nhanh có thể dẫn đến hiện tượng chèn ép lên các cơ quan xung quanh, từ đó gây đau và nhiều triệu chứng khác. Bác sĩ ngoại khoa thường có xu hướng loại bỏ các khối u lớn, bao gồm cả u xơ. Các khối u lành tính hay ung thư thường được mổ loại bỏ, trừ khi chúng không thể tiếp cận được hoặc nằm gần một cơ quan quan trọng mà phẫu thuật cắt bỏ khối ú sẽ gây hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.
2. U xơ u nang có nguy hiểm không?
Cần nhắc lại, cả u xơ và u nang đa phần đều lành tính, do đó cả hai sẽ không gây ra nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Phương pháp xác định chính là đó là u lành hay u ác chính là sinh thiết và làm giải phẫu bệnh.
Một cơ quan điển hình có thể xuất hiện cả u nang và u xơ chính là tuyến vú. Bệnh nhân phát hiện có u ở vú nên được giải quyết sớm bằng phẫu thuật cắt bỏ càng sớm càng tốt. Nhiều người khi thấy có u ở ngực, thấy u nhỏ, không đau, không ảnh hưởng gì, nghĩ đó là u lành nên... và có tâm lý chủ quan, mặc kệ. Theo thời gian u đó phát triển to ra, đặc biệt có nguy cơ chuyển thành u ác. Các chuyên gia khuyến cáo, đa phần các khối u (bao gồm u xơ và u nang) sẽ phát triển to ra theo thời gian. Vì vậy, chúng ta đừng bao giờ có thái độ chủ quan khi phát hiện các khối u trong cơ thể, cho dù đó là u lành tính.
3. Chẩn đoán u nang và u xơ như thế nào?
Bác sĩ có thể chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán để phân biệt giữa u xơ và u nang. Thông qua các bước hỏi bệnh sử, tiền sử, sau đó xác định thời điểm khởi phát các triệu chứng (nếu có) và tìm xem triệu chứng nào nổi bật nhất.
Thời điểm xuất hiện các triệu chứng đóng vai trò quan trọng để chẩn đoán xác định u nang và u xơ. Ví dụ, u nang buồng trứng dễ phát hiện, chủ yếu xảy ra quanh chu kỳ kinh nguyệt do sự biến đổi của hormone sinh dục. Bác sĩ cũng sẽ thực hiện các kỹ thuật thăm khám để kiểm tra đó là u nang hay u xơ, bằng cách đánh giá vị trí, màu sắc, cảm giác khi sờ và các dịch bất thường (nếu có).
Siêu âm có thể được thực hiện với mục đích kiểm tra khối u nang và u xơ nằm sâu trong cơ thể. Hình ảnh siêu âm thường có thể cho thấy một khối u rỗng, chứa đầy dịch (u nang) hay là khối đặc các tế bào (u xơ). Tuy nhiên một số trường hợp cụ thể sẽ được bác sĩ yêu cầu thực hiện sinh thiết và làm giải phẫu bệnh phần mô lấy ra từ khối u.
Mặc dù không phải tất cả các trường hợp có u nang và u xơ cần đến các biện pháp điều trị, điều quan trọng là chị em nên kiểm tra khối u, nếu có xu hướng phát triển nhanh chóng thì bán. Các triệu chứng nguy hiểm tiềm ẩn khác bao gồm:
- Chảy máu;
- Đau hoặc nhạy đau hơn bình thường;
- Hạn chế khả năng vận động
Mất khả năng hoạt động thường ngày do khối u hoặc u nang.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.