U nang nhầy buồng trứng là một trong những dạng u nang thường gặp ở phụ nữ, đặc biệt là những người trong độ tuổi sinh sản. Mặc dù là u nang lành tính nhưng có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản phụ nữ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây sẽ giúp chị em hiểu rõ về mức độ phổ biến cũng như những điều cần biết để đối phó tốt hơn với u nang nhầy.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Đinh Thanh Hà - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
1. U nang nhầy buồng trứng là gì?
U nang buồng trứng là một trong những loại khối u phổ biến nhất ở buồng trứng, chiếm khoảng 80% các trường hợp. Bệnh này thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Phần lớn các u nang buồng trứng là u lành tính, tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ các u nang này có thể phát triển thành ung thư.
Có nhiều loại u nang buồng trứng, được phân loại như sau:
- U nang cơ năng;
- Nang hoàng tuyến;
- U nang thực thể;
- Lạc nội mạc tử cung dạng u nang.
Trong đó, u nang thực thể bao gồm các khối u có thay đổi về tổ chức học trong buồng trứng, do đó, loại u nang này có nguy cơ tiến triển thành ung thư. U nang thực thể được phân thành nhiều dạng khác nhau:
- U nang nước buồng trứng;
- U nang nhầy buồng trứng;
- U nang bì buồng trứng.
U nang nhầy buồng trứng là một biến thể của u nang thực thể. Đây là loại khối u nhỏ xuất hiện ở buồng trứng. Bên ngoài khối u này là lớp tổ chức xơ, được bao phủ bởi một lớp vỏ dày hơn so với u nang nước nhưng các mạch máu bên trong vẫn có thể được quan sát rõ.
Vỏ ngoài loại u nang này có màu trắng, trong khi dịch bên trong có màu vàng. Kích thước của u nang nhầy có thể biến đổi từ vài milimet đến vài chục centimet và trọng lượng từ vài gam đến vài kilogram. Mặc dù kích thước và trọng lượng của u nang nhầy có thể khác nhau giữa mỗi người nhưng khi phát triển đến kích thước lớn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho phụ nữ bị bệnh này.
2. Các dấu hiệu nhận biết
Trước khi có biến chứng, triệu chứng của các khối u nang buồng trứng thường khó nhận biết rõ ràng. Đặc biệt với u nang nhầy, mỗi phụ nữ có thể có những biểu hiện khác nhau nhưng đa số các trường hợp thường gặp các triệu chứng sau:
- Các rối loạn chu kỳ kinh nguyệt bao gồm tắc kinh, rong kinh, ra huyết trắng có mùi khó chịu và xuất hiện tình trạng máu vón cục đen sẫm khi hành kinh;
- Cảm giác đau khi quan hệ tình dục;
- Đau bụng, với tần suất và mức độ đau tăng dần theo sự phát triển kích thước của các u nang nhầy;
- Đau xương chậu kết hợp với cảm giác mỏi lưng dưới;
- Khó tiểu và tiểu buốt: Triệu chứng này thường không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác khi kích thước của u nang nhầy còn nhỏ.
3. U nang nhầy buồng trứng có hay gặp không?
U nang nhầy buồng trứng chiếm khoảng 20% tổng số các khối u được phát hiện ở buồng trứng. Đặc trưng của u nang nhầy là kích thước thường lớn, có thể nặng tới vài chục kilogram và có xu hướng dễ dàng bám vào các tổ chức lân cận.
U nang nhầy được chia thành:
- U tuyến bọc nhầy lành tính (chiếm tỉ lệ 80%);
- U có tiềm năng ác tính thấp;
- Carcinôm (có mô học ác tính).
U nang nhầy thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 60. Loại u này có thể phát triển ở buồng trứng trái hoặc phải và khi quan sát dưới kính hiển vi, có thể thấy các tế bào tiết ra dịch nhầy.
4. U nang nhầy buồng trứng có nguy hiểm không?
Phần lớn các u nhầy buồng trứng là lành tính, chiếm đến 80%. Tuy nhiên, các biến chứng từ loại u này có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như xoắn nang, vỡ nang, dẫn đến nhiễm trùng hoặc hoại tử buồng trứng, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
5. U nang nhầy ở buồng trứng khi nào cần phẫu thuật?
Trong thực tế lâm sàng, các u nang thực thể cần được phẫu thuật sớm ngay khi phát hiện để tránh các biến chứng nguy hiểm. Tùy thuộc vào kích thước và tình trạng của khối u, cũng như nguyện vọng sinh sản của bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ khối u và buồng trứng bị ảnh hưởng hoặc chỉ bóc tách khối u, để lại phần buồng trứng lành. Tuy nhiên, việc chỉ bóc tách có thể làm tăng nguy cơ tái phát của u nang buồng trứng.
Thông thường, nếu khối u nhỏ, có thể chỉ cần nội soi để loại bỏ. Nếu u lớn, bác sĩ sẽ khuyến nghị phẫu thuật. Trong trường hợp các thai phụ mắc u nang nhầy trong tháng thứ 3 đến tháng thứ 6 của thai kỳ, phẫu thuật sẽ được thực hiện để loại bỏ u. Nếu u xuất hiện sau giai đoạn này có thể được lấy ra khi thai nhi được sinh ra.
Nếu u nhầy buồng trứng tiến triển thành ung thư, có thể cần phải cắt bỏ một hoặc cả hai buồng trứng. U nang nhầy buồng trứng vẫn có nguy cơ tái phát sau khi điều trị.
6. Biện pháp phòng ngừa u nang nhầy tái phát
Để phòng ngừa u nang nhầy tái phát, chị em phụ nữ nên lưu ý một số biện pháp sau:
- Xây dựng và tuân thủ chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng, tránh tiêu thụ nhiều thịt, sữa và trứng.
- Uống nhiều nước và bổ sung rau xanh, trái cây, các loại đậu,nấm và cá.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh thức khuya và quá căng thẳng.
- Tập luyện thể dục thể thao đều đặn để tăng cường sức khỏe và buồng trứng hoạt động ổn định.
- Giảm thiểu việc sử dụng thuốc tránh thai và các loại thuốc khác ảnh hưởng đến hormone, trừ khi được bác sĩ chỉ định.
- Duy trì cân nặng ở mức ổn định.
- Tránh tiêu thụ rượu bia, hút thuốc lá và đồ ăn nhanh.
- Khám phụ khoa định kỳ để được bác sĩ theo dõi và can thiệp kịp thời.
U nang nhầy buồng trứng chiếm tỷ lệ đáng kể trong số các khối u buồng trứng được phát hiện. Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp u nang nhầy là lành tính và có thể được quản lý hiệu quả với các phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh nên thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và xử lý kịp thời, đồng thời ngăn chặn các biến chứng có thể xảy ra do loại u nang này gây ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.