U nang buồng trứng trái: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

U nang buồng trứng thường xuất hiện khi có sự tăng sinh không bình thường của các tế bào trong buồng trứng, tạo thành những khối u. Điều quan trọng là phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nghiêm trọng.

1. U nang buồng trứng là gì?

Nang buồng trứng, được hình thành bên trên hoặc trong buồng trứng, là các túi chứa dịch hoặc có cấu trúc dạng túi. Thường thì các nang là một phần tự nhiên của chu kỳ kinh nguyệt và chúng đều bình thường. Có hai dạng nang chính:

  • Nang chức năng: Đây là loại phổ biến nhất, bao gồm nang noãn và nang hoàng thể. Nang noãn có chứa trứng chưa chín được giữ và thường tiêu biến sau quá trình phóng noãn. Khi trứng phóng noãn, nang hoàng thể sẽ hình thành từ nang noãn, bắt đầu sản xuất hormone progesterone. Nếu trứng không được thụ tinh, nang hoàng thể sẽ tiêu biến.
  • Nang bất thường: Có nhiều nguyên nhân khác nhau tạo nên nang bất thường và không có mối liên hệ với chu kỳ kinh nguyệt. Chúng có thể là nang đơn giản (chứa dịch) hoặc nang phức tạp (chứa dịch và mô rắn), cần theo dõi hoặc can thiệp y tế.

U nang buồng trứng trái là các nang hình thành trong buồng trứng bên trái. Thông thường, các nang đều lành tính và sẽ tự tiêu biến sau chu kỳ kinh nguyệt.


Nếu xuất hiện nang bất thường bệnh nhân cần được theo dõi và can thiệp y tế.
Nếu xuất hiện nang bất thường bệnh nhân cần được theo dõi và can thiệp y tế.

2. Các loại u nang khác

Có những loại u nang khác không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt:

  • U nang bì, còn được gọi là u quái, hình thành từ các tế bào sinh sản tạo ra trứng trong buồng trứng (tế bào mầm). U nang có thể chứa mô như tóc, da hoặc răng. Loại u nang này hiếm khi gây ung thư.
  • U nang tuyến, phát triển từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng. U nang có thể chứa chất lỏng hoặc chất nhầy và có thể phát triển rất lớn.
  • Lạc nội mạc tử cung là tình trạng khiến các tế bào tương tự như tế bào lót bên trong tử cung phát triển bên ngoài tử cung. Một số mô có thể bám vào buồng trứng và tạo thành u nang, được gọi là lạc nội mạc tử cung.

U nang bì và u nang tuyến có thể phát triển lớn và đẩy buồng trứng ra khỏi vị trí ban đầu, làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng gây đau đớn và làm giảm hoặc ngừng lưu lượng máu đến buồng trứng.

3. Nguyên nhân gây ra

U nang buồng trứng, bất kể xuất hiện ở buồng trứng trái hay phải, đều có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết: Sự mất cân bằng hormone estrogen và progesterone, có thể dẫn đến hình thành u nang. Ví dụ điển hình là hội chứng buồng trứng đa nang - khi rối loạn nội tiết tố hình thành nhiều nang nhỏ.
  • Nang noãn phát triển không toàn diện: Trong chu kỳ kinh nguyệt bình thường, một nang noãn sẽ phát triển và phóng thích trứng. Nếu quá trình phóng thích không diễn ra đúng như dự kiến, nang có thể tiếp tục phát triển và trở thành u nang.
  • Lạc nội mạc tử cung: Phần mô phát triển bên ngoài tử cung có thể hình thành u nang.
  • Sự bất thường sau thụ tinh: Hoàng thể có thể phát triển thành nang sau khi trứng được thụ tinh mà không tiêu biến như dự kiến.
  • Sử dụng các loại thuốc hormone: Các loại thuốc làm thay đổi hormone trong cơ thể, như thuốc kích thích buồng trứng để hỗ trợ sinh sản, cũng có thể hình thành u nang.
  • Yếu tố môi trường và lối sống: Mặc dù vẫn còn gây tranh cãi, nhưng một số nghiên cứu cho rằng các yếu tố như căng thẳng, chế độ ăn uống và việc tiếp xúc với chất độc hại trong môi trường có thể dẫn đến hình thành u nang buồng trứng.

Căng thẳng có thể gây ra u nang buồng trứng trái hoặc phải.
Căng thẳng có thể gây ra u nang buồng trứng trái hoặc phải.

4. Triệu chứng bệnh

Nang buồng trứng, kể cả khi là u nang buồng trứng trái hay phải, thường không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng và bệnh nhân chỉ phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi xảy ra biến chứng. Tuy nhiên, các biểu hiện mà bệnh nhân có thể gặp như sau:

  • Đau vùng chậu: Cơn đau bắt nguồn từ vùng chậu hoặc vùng bụng dưới, có thể xuất hiện đột ngột, mãn tính, hoặc chỉ xuất hiện ở một bên, phụ thuộc vào kích thước, tình trạng của nang.
  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường: Chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc lượng máu kinh thay đổi.
  • Đầy bụng hoặc sưng bụng: Phụ nữ cảm thấy bụng dưới sưng lên hoặc cảm giác đầy bụng và không thoải mái.
  • Đau khi quan hệ tình dục: Đau hoặc thấy không thoải mái trong hoặc sau khi quan hệ tình dục có thể là một dấu hiệu của nang buồng trứng.
  • Mắc tiểu thường xuyên: Nang lớn có thể chèn ép bàng quang, gây ra cảm giác mắc tiểu thường xuyên.
  • Tăng cân không rõ nguyên nhân: Phụ nữ có thể bị tăng cân nhưng không rõ nguyên nhân.
  • Rối loạn tiêu hóa: Bệnh nhân mắc phải táo bón hoặc tiêu chảy, do nang chèn ép các cơ quan lân cận.

5. U nang buồng trứng trái có nguy hiểm không?

U nang buồng trứng trái, tương tự như u nang buồng trứng phải, thường không nguy hiểm và đa số là khối u lành tính. Hầu hết quá trình rụng trứng bình thường sẽ tạo ra các u nang và chúng thường tự tiêu biến sau vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp u nang vẫn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe và cần được chú ý:

  • Đau: Nang lớn có thể làm bệnh nhân thấy đau hoặc không thoải mái, đặc biệt là trường nang vỡ hoặc gây ra biến chứng xoắn buồng trứng.
  • Xoắn buồng trứng: Nang lớn làm tăng nguy cơ xoắn buồng trứng, làm giảm lưu lượng máu đến buồng trứng và gây hoại tử mô nếu không được điều trị kịp thời.
  • Vỡ nang: Khi nang vỡ, bệnh nhân có thể chảy máu và đau dữ dội, trong một số trường hợp, bệnh nhân bị vỡ nang cần phải cấp cứu.
  • Ảnh hưởng đến chức năng sinh sản: Trong một số trường hợp như hội chứng buồng trứng đa nang, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
  • Ung thư buồng trứng: Mặc dù hiếm, một số nang có thể phát triển thành ung thư, đặc biệt là ở phụ nữ sau kỳ mãn kinh, bệnh nhân cần được đánh giá cẩn thận để loại trừ khả năng chuyển biến thành khối u ác tính.

Khi phụ nữ mắc u nang buồng trứng trái có thể bị đau bụng.
Khi phụ nữ mắc u nang buồng trứng trái có thể bị đau bụng.

Để xác định liệu u nang buồng trứng trái có nguy hiểm không, bệnh nhân cần được theo dõi kích thước và hình dạng của nang. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nghiêm trọng nào như đau bụng cấp tính, buồn nôn hoặc nôn mửa, bệnh nhân cần tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

6. Phương pháp điều trị

Cách điều trị nang buồng trứng, bao gồm cả u nang buồng trứng trái và buồng trứng phải phụ thuộc vào kích thước, loại nang, triệu chứng và ảnh hưởng của nang đối với tử cung và khả năng sinh sản. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:

6.1 Điều trị bằng phương pháp nội khoa

Theo dõi với các nang cơ năng không cần điều trị thuốc.

6.2 Điều trị bằng phẫu thuật

Cách tiếp cận phẫu thuật trong điều trị u nang buồng trứng trái hoặc phải bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi: Nếu nang có nguy cơ gây xoắn buồng trứng hoặc gây đau, phẫu thuật nội soi có thể thực hiện để loại bỏ nang mà không cần loại bỏ toàn bộ buồng trứng.
  • Loại bỏ buồng trứng: Bệnh nhân có thể cần phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng trong trường hợp nang rất lớn, phức tạp, hoặc có nguy cơ ung thư.

U nang buồng trứng trái hoặc phải được điều trị bằng phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng.
U nang buồng trứng trái hoặc phải được điều trị bằng phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ buồng trứng.

Trong mọi tình huống, việc chọn lựa phương pháp điều trị phù hợp phải dựa trên những đánh giá y tế kỹ lưỡng, thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ về các phương pháp và mục tiêu điều trị. Các phương pháp bảo tồn buồng trứng sẽ được ưu tiên dành cho phụ nữ mong muốn mang thai và sinh con. Trong khi đó, các trường hợp có nghi vấn về ung thư, bác sĩ có thể khuyến nghị can thiệp sớm bằng những biện pháp mạnh mẽ hơn.

7. Cách phòng ngừa

Không có biện pháp cụ thể nào để ngăn ngừa hầu hết các u nang buồng trứng trái hoặc phải. Tuy nhiên, việc kiểm tra vùng chậu thường xuyên có thể giúp phát hiện sớm các biến đổi trong buồng trứng. Nữ giới cần chú ý những thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt và ghi lại bất kỳ triệu chứng bất thường nào, đặc biệt là những triệu chứng kéo dài qua nhiều chu kỳ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe