U nang buồng trứng có gây rối loạn kinh nguyệt?

U nang buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa rất hay gặp hiện nay. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng việc phát hiện và chẩn đoán muộn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Vậy u nang buồng trứng có gây rối loạn kinh nguyệt hay không?

1. U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là một khối u phát triển bất thường ở buồng trứng, bên trong có thể chứa dịch lỏng với các thành phần khác nhau hoặc là một khối rắn chắc, dạng bã đậu và có một lớp vỏ nang bọc bên ngoài.

Độ tuổi hay gặp u nang buồng trứng là những phụ nữ tuổi từ 30 đến 40. Tuy nhiên, u nang buồng trứng vẫn có thể hình thành ở bất kỳ lứa tuổi nào, từ bé gái mới dậy thì cho đến độ tuổi mãn kinh. Đây là một bất thường phụ khoa thường thấy ở phụ nữ, chiếm tỷ lệ khoảng 3.6%.

Hiện nay, cơ chế hình thành u nang buồng trứng vẫn chưa có lời giải đáp chính xác. Một số yếu tố được cho là góp phần làm buồng trứng xuất hiện các u bao gồm:

  • Sự phát triển quá mức của thể vàng: Thể vàng được xem là một đơn vị chức năng của buồng trứng, nếu thể vàng phát triển quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mắc u nang. Bình thường, số ngày hành kinh của phụ nữ dao động từ 4 - 7 ngày, khi thể vàng phát triển quá mức sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt (ngày hành kinh dài hơn hoặc lượng máu kinh nhiều hơn) . Trong trường hợp nặng còn có thể gây vỡ nang trứng.
  • Nang trứng phát triển khiếm khuyết và không hoàn thiện, không thể hấp thu các dưỡng chất từ buồng trứng, dẫn đến u nang buồng trứng. Đây là cơ chế giải thích phổ biến nhất hiện nay.
  • Vỡ các mạch máu của nang trứng: các dấu hiệu này thường không rõ ràng nên khó chẩn đoán chính xác. Tình trạng này nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến u nang buồng trứng dạng xuất huyết.
  • Rối loạn nội tiết tố buồng trứng: nội tiết tố ở mức cao sẽ kích thích buồng trứng phát triển quá mức và hình thành các u bất thường.

U nang buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ đang trong đội tuổi sinh đẻ
U nang buồng trứng là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ đang trong đội tuổi sinh đẻ

2. Các nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng

Các nguyên nhân dẫn đến u nang buồng trứng như sau:

  • Lạm dụng thuốc tránh thai;
  • Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý, ít tiêu thụ các thức ăn tự nhiên như rau xanh, trái cây..., tiêu thụ nhiều thức ăn chứa các hormon như thịt, trứng, sữa...;
  • Căng thẳng, stress quá mức trong cuộc sống;
  • Thừa cân, béo phì;
  • Phụ nữ đã từng sảy thai;
  • Bé gái dậy thì sớm, chu kỳ kinh nguyệt đến sớm hơn so với lứa tuổi bình thường;
  • Suy giảm nội tiết tố hoặc suy chức năng của tuyến giáp.

Sử dụng thuốc tránh thai trong một thời gian dài có thể gây u nang buồng trứng
Sử dụng thuốc tránh thai trong một thời gian dài có thể gây u nang buồng trứng

3. Phân loại u nang buồng trứng

3.1. U nang buồng trứng cơ năng

U nang buồng trứng cơ năng: loại u xuất hiện do rối loạn chức năng của buồng trứng nhưng không xuất hiện các bất thường giải phẫu của các nang noãn (trứng). U nang buồng trứng cơ năng có kích thước khoảng 6-8cm, thông thường sẽ biến mất sau một vài chu kỳ kinh nguyệt. Có 3 loại u cơ năng chính:

  • U nang bọc noãn: Là loại u nang buồng trứng cơ năng xuất hiện khi các nang noãn trưởng thành không thể phóng noãn được hoặc có thể hiểu đơn giản là các nang Degraff không vỡ theo chu kỳ bình thường mà liên tục phát triển lớn lên. Loại u này thường gây biểu hiện chậm kinh.
  • U nang hoàng thể: Sau phóng noãn nhưng các hoàng thể vẫn phát triển bình thường và tạo ra các nang vỏ mỏng, chứa đầy dịch trong. U nang buồng trứng loại này có thể gây đau và xuất huyết vùng tiểu khung.
  • U nang hoàng tuyến: Khi các nang noãn bọc bị kích thích cao độ, không phóng noãn mà bị hoàng thể hóa sẽ dẫn đến u nang hoàng tuyến. Đa số u nang hoàng tuyến sẽ lớn hơn so với nang noãn bình thường và chứa nhiều dịch lutein bên trong. Đây là loại u nang buồng trứng cơ năng ít gặp nhất.

3.2. U nang buồng trứng thực thể

U nang buồng trứng thực thể là các khối u xuất hiện do sự bất thường cấu trúc của buồng trứng. Đa số ở dạng u lành tính nhưng số ít trường hợp cũng có thể chuyển thành u ác. Một số u nang buồng trứng thực thể hay gặp như:

  • U nang nước: U nang buồng trứng dạng nang nước là một túi nhỏ có vỏ mỏng, cuống dài, bên trong chứa dịch trong. Mặt ngoài và mặt trong nang có thể xuất hiện các nhú nhỏ, đây là các cấu trúc có thể tiềm ẩn nguy cơ ung thư hóa, số lượng nhú càng nhiều sẽ càng tỷ lệ thuận với khả năng hóa ác. Tuy nhiên, phần lớn u nang nước là u lành tính, khả năng hóa ác rất thấp.
  • U nang bì: U nang buồng trứng dạng u nang bì gồm nhiều loại, thường gặp là u quái (teratoma) và u tế bào mầm. Đa số u nang bì là lành tính, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Thành nang là một lớp sừng dày, bên trong nang có thể chứa các mô khác của cơ thể như tóc, xương, răng, tuyến giáp... U nang bì rất dễ bị xoắn, hoại tử, làm vỡ nang nên dễ gây nguy hiểm cho bệnh nhân hơn các u thực thể khác.
  • U nang nhầy: U nang buồng trứng thực thể dạng u nang nhầy có cấu tạo gồm nhiều thùy, thường có kích thước to hơn các u khác. Đặc điểm của u nang nhầy là lớp vỏ dày (cấu trúc như da), bên trong chứa dịch nhầy, đặc, màu vàng. U nang nhầy chiếm tỷ lệ cao, dễ dính các tạng lân cận nhưng khả năng hóa ác lại thấp.

U nang bì rất dễ bị xoắn và gây vỡ u nang
U nang bì rất dễ bị xoắn và gây vỡ u nang

4. U nang buồng trứng có gây rối loạn kinh nguyệt không?

Nhiều bệnh nhân thắc mắc u nang buồng trứng có gây rối loạn kinh nguyệt không thì câu trả lời là có. Rối loạn kinh nguyệt chính là biểu hiện dễ gặp nhất của các loại u nang buồng trứng:

  • Chu kỳ kinh nguyệt bất thường, không đều đặn, số ngày có thể ngắn hoặc dài hơn bình thường...
  • Lượng máu kinh nhiều bất thường, đôi khi ra ồ ạt hoặc máu kinh vón cục với màu đen sậm.
  • Rong kinh, rong huyết, số ngày hành kinh kéo dài, đôi khi hơn 10 ngày hành kinh.

Bên cạnh rối loạn kinh nguyệt, u nang buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Thiếu máu do rong kinh, rong huyết kéo dài làm cơ thể xanh xao, mệt mỏi hơn bình thường;
  • Đau bụng vùng có khối u hoặc đau ở nửa bụng dưới hoặc 2 bên hố chậu;
  • Đau lưng;
  • Tiểu lắc nhắc hoặc tiểu rắt do khối u nang buồng trứng lớn, chèn ép bàng quang;
  • Đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt vào những ngày hành kinh;
  • Quan hệ tình dục bị đau nhiều.

Để sớm phát hiện ra bệnh u nang buồng trứng thì phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng một lần. Ngoài phát hiện u nang buồng trứng, khám phụ khoa còn có thể phát hiện sớm các bất thường hoặc khi xuất hiện các triệu chứng như trên, đặc biệt là rối loạn kinh nguyệt kéo dài thì nên đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và điều trị kịp thời các u nang buồng trứng, tránh ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới sau này.


Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu cảnh báo tình trạng u nang buồng trứng
Rối loạn kinh nguyệt là dấu hiệu cảnh báo tình trạng u nang buồng trứng

Để giúp khách hàng phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản, giúp khách hàng phát hiện bệnh sớm các bệnh lý viêm nhiễm giúp điều trị dễ dàng, không tốn kém. Sàng lọc phát hiện sớm ung thư phụ khoa (Ung thư cổ tử cung) ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Gói khám, sàng lọc bệnh lý phụ khoa cơ bản dành cho khách hàng là nữ giới, không giới hạn độ tuổi và có thể có những triệu chứng như sau:

  • Chảy máu bất thường vùng âm đạo
  • Gặp vấn đề về kinh nguyệt: chu kỳ kéo dài bất thường, kinh nguyệt không đều
  • Dịch âm đạo bất thường (có mùi hôi, màu sắc khác bình thường)
  • Đau, ngứa vùng kín
  • Khách hàng nữ có một vài yếu tố nguy cơ như vệ sinh cá nhân không tốt, quan hệ tình dục không an toàn, nạo phá thai,...
  • Khách hàng nữ có triệu chứng khác như: Dịch âm đạo bất thường, ngứa, đau vùng kín, chảy máu âm đạo bất thường.

Vinmec đã thực hiện thăm khám, sàng lọc, phát hiện sớm được nhiều căn bệnh phụ khoa, đem lại cơ hội điều trị tốt cho Quý khách hàng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe