Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thục Vỹ - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang
Bệnh lý u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực rất hiếm gặp, với tỷ lệ hiện mắc được báo cáo là từ 0,3/ 100.000 đến 1/1.000 phụ nữ có đặt túi ngực. Có ít hơn 1000 trường hợp đã được báo cáo (đến tháng 9 năm 2019).
1. U lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực là gì?
U lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan đến túi ngực (BIA-ALCL), là một dạng ung thư hệ miễn dịch rất hiếm gặp, chủ yếu liên quan đến vật liệu nâng ngực thẩm mỹ loại có vỏ nhám (túi ngực vỏ nhám, túi ngực cấu trúc: Textured breast implant).
BIA-ALCL là bệnh u lympho không Hodgkin tế bào T với 2 phân nhóm:
- Tràn dịch quanh túi ngực;
- Khối quanh túi ngực.
U lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực không phải là ung thư vú. Nói chung, đây là một loại ung thư phát triển chậm, thường có thể được điều trị bằng cách loại bỏ túi ngực và mô xơ xung quanh.
2. Dịch tễ học
Bệnh lý u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực rất hiếm gặp, với tỷ lệ hiện mắc được báo cáo là từ 0,3/ 100.000 đến 1/1.000 phụ nữ có đặt túi ngực. Có ít hơn 1000 trường hợp đã được báo cáo (đến tháng 9 năm 2019).
Theo thống kê, có ít hơn 10 bệnh nhân mỗi năm được chẩn đoán mắc dạng ung thư hạch này trong khi ước tính rằng mỗi năm có đến 10 đến 11 triệu phụ nữ trên khắp thế giới đã được đặt túi ngực. Phần lớn các trường hợp có liên quan đến túi ngực loại vỏ nhám.
3. Biểu hiện lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực là 1 bên vú có thể lớn hơn bên kia hoặc có hình dạng khác với bên còn lại (không đối xứng). Thông thường, phải mất ít nhất 2 năm sau khi phẫu thuật thì các triệu chứng mới xuất hiện. Tuy nhiên, khoảng thời gian trung bình trước khi các triệu chứng xuất hiện là 8 năm.
Các triệu chứng của u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực có thể bao gồm:
- Sưng hoặc tích tụ chất lỏng trong vú hoặc xung quanh mô cấy;
- Đau, đỏ da;
- Sờ thấy khối u ở vú;
- Những thay đổi về hình dạng hoặc kích thước của vú.
2/3 số bệnh nhân có tràn dịch khởi phát muộn (hơn 1 năm sau phẫu thuật) và 1/3 bệnh nhân sờ thấy khối ở vú.
4. Nguyên nhân gây bệnh BIA-ALCL
Nguyên nhân chính xác gây bệnh u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, phần lớn các quan điểm cho rằng bệnh có bản chất đa yếu tố, do sự kết hợp của viêm mạn tính, phản ứng dị ứng lâu dài, yếu tố di truyền, nhiễm trùng dưới lâm sàng, sự hình thành màng sinh học quanh túi ngực. Túi ngực vỏ nhám có thể gây viêm nhiều hơn so với túi ngực vỏ trơn. Kết quả cuối cùng được cho là sự biến đổi ác tính của tế bào T, trở thành tế bào u lympho không biệt hóa.
5. Làm thế nào để chẩn đoán BIA-ALCL?
Bệnh nhân mắc bệnh u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực thường biểu hiện bằng tràn dịch quanh túi ngực (khoảng từ 50-1000 mL). Số khác ít phổ biến hơn có biểu hiện với khối bất thường ở vú, có thể kèm tràn dịch hoặc không. Chụp nhũ ảnh ít có giá trị trong phát hiện bệnh. Siêu âm là phương thức đầu tiên và sau đó là MRI vú. Cụ thể:
- Siêu âm: Siêu âm có độ nhạy cao (84%) đối với BI-ALCL. Hình ảnh siêu âm thường cho thấy tụ dịch giữa túi ngực và mô bao xơ xung quanh, thường có vách bên trong. Nếu có khối u thì nó thường dạng đặc, giảm âm và giới hạn rõ mà không có hiện tượng tăng sinh mạch máu. Các khối u dạng nang phức tạp cũng đã được báo cáo. Cũng có thể thấy viêm mô vú quanh túi ngực.
- MRI vú: Khối u và tràn dịch liên quan đến BIA-ALCL có thể được đánh giá tốt trên MRI. Bắt thuốc bao xơ cũng đã được báo cáo trong một số ít trường hợp.
- Sinh thiết bằng kim: Nếu các xét nghiệm hình ảnh cho thấy có khối hoặc tụ dịch quanh túi ngực, sinh thiết bằng kim nhỏ sẽ được thực hiện để chẩn đoán u lympho tế bào lớn không biệt hóa liên quan túi ngực. Trong thủ thuật, 1 lượng nhỏ chất lỏng được rút ra khỏi vú bằng kim. Sau đó, mẫu được gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra thêm. Phải hút ít nhất 50 ml dịch để lấy xét nghiệm và tế bào học.
- Nhuộm miễn dịch CD30: Một xét nghiệm trong phòng thí nghiệm được thực hiện trên chất lỏng thu được để phát hiện sự hiện diện của CD30, một chất xảy ra khi tế bào lympho T được kích hoạt. Nếu CD30 xuất hiện, điều đó cho thấy rằng không thể loại trừ BIA-ALCL và cần phải kiểm tra thêm.
6. Điều trị và tiên lượng
- Nếu các xét nghiệm chẩn đoán xác nhận sự hiện diện của BIA-ALCL, bệnh nhân sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa ung bướu. Bác sĩ chuyên khoa sẽ xác định giai đoạn bệnh và đưa ra kế hoạch điều trị. Điều trị sẽ phụ thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh, sức khỏe chung của bệnh nhân, tuổi tác và các yếu tố khác.
- Phẫu thuật: Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ túi ngực và bao xơ xung quanh nó có hiệu quả điều trị bệnh. Việc loại bỏ một số hạch bạch huyết cũng có thể cần thiết nếu chúng chứa tế bào ung thư.
- Hóa trị: Trong một số ít trường hợp ung thư tiến triển nặng hơn, bệnh nhân có thể phải tiến hành hóa trị sau phẫu thuật.
- Tiên lượng rất tốt cho những bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn đầu và điều trị. Khả năng tái phát hoặc tử vong rất thấp.
7. Những khuyến nghị chung cho phụ nữ đặt túi ngực
Tất cả phụ nữ đặt túi ngực nên khám sức khỏe định kỳ và chụp MRI vú theo khuyến cáo. FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm hoa kỳ) khuyến cáo những phụ nữ có túi ngực nên được kiểm tra MRI vú 3 năm sau khi phẫu thuật đặt túi đầu tiên và 2 năm/ lần sau đó để xác minh tính toàn vẹn của túi ngực cũng như các biến chứng nếu có. Phụ nữ cũng nên tự khám vú hàng tháng để phát hiện sớm các bất thường nếu có.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo: My.clevelandclinic.org, radiopaedia.org