Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Độ tuổi trung bình bắt đầu mãn kinh tự nhiên là 51, tuy nhiên, do di truyền, bệnh tật hoặc các phương pháp điều trị, một số phụ nữ trước 40 tuổi đã đến thời kỳ mãn kinh. Thời kỳ mãn kinh xảy ra trước tuổi này, dù là tự nhiên hay có nguyên nhân gây ra thì đều được gọi là mãn kinh sớm.
1. Các triệu chứng của mãn kinh sớm là gì?
Các triệu chứng của mãn kinh sớm thường giống như các triệu chứng của phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh tự nhiên bao gồm: Kinh nguyệt không đều hoặc mất; kỳ kinh nguyệt nặng hơn hoặc nhẹ hơn bình thường; bốc hỏa,... Những triệu chứng này là một dấu hiệu cho thấy buồng trứng đang sản xuất ít estrogen hơn.
Cùng với các triệu chứng trên, một số phụ nữ có thể gặp phải:
- Khô âm đạo.
- Bàng quang hay bị kích thích và kiểm soát bàng quang kém (tiểu không tự chủ).
- Thay đổi cảm xúc (khó chịu, thay đổi tâm trạng, trầm cảm nhẹ).
- Khô da, khô mắt hoặc khô miệng.
- Mất ngủ.
- Giảm ham muốn tình dục.
Ngoài các triệu chứng được liệt kê ở trên, nếu bạn dưới 40 tuổi và gặp bất kỳ các bệnh nào sau đây, bạn nên gặp bác sĩ để xác định xem bạn có gặp phải tiền mãn kinh sớm hay không:
- Bạn đã điều trị hóa trị hoặc xạ trị.
- Bạn hoặc thành viên gia đình bị rối loạn tự miễn dịch như suy tuyến giáp trạng (hypothyroidism), bệnh Graves hoặc lupus ban đỏ.
- Bạn đang cố gắng mang thai nhưng không thành công trong hơn một năm.
- Mẹ hoặc chị gái của bạn đã mắc tiền mãn kinh sớm.
Ngoài việc đối phó với các cơn bốc hỏa, thay đổi tâm trạng và các triệu chứng khác của thời kỳ tiền mãn kinh, nhiều phụ nữ mãn kinh sớm phải đối phó với các mối quan tâm về thể chất và cảm xúc như giảm ham muốn tình dục, mong muốn có thai.
2. Làm thế nào để biết tôi có mắc mãn kinh sớm hay sớm?
Bạn có thể nhận ra triệu chứng điển hình của mắc mãn kinh sớm khi 12 tháng liên tiếp mà bạn không có kinh nguyệt trước 40 tuổi.
Để chẩn đoán mãn kinh sớm, bác sĩ sẽ thực hiện khám toàn thân và lấy máu để loại trừ các bệnh khác, chẳng hạn như mang thai và các bệnh tuyến giáp. Ngoài ra, bác sĩ sẽ có thể yêu cầu kiểm tra mức estradiol. Nếu nồng độ estradiol thấp (một dạng estrogen) có thể chỉ ra buồng trứng của bạn đang bắt đầu giảm sản xuất hormone. Khi nồng độ estradiol dưới 30, đây là báo hiệu rằng bạn đang trong thời kỳ mãn kinh.
Tuy nhiên, xét nghiệm quan trọng nhất được sử dụng để chẩn đoán mãn kinh sớm là xét nghiệm hormon kích thích tạo nang trứng (FSH). FSH là hormone của thùy trước tuyến yên, có vai trò thúc đẩy sự phát triển của noãn bào, đồng thời kích thích bao noãn tiết estrogen. Khi buồng trứng bị chậm quá trình sản xuất estrogen, mức độ FSH của bạn sẽ tăng lên. Mức FSH tăng lên trên 40 mIU/mL thì đây là triệu chứng cho thấy bạn đang trong thời kỳ mãn kinh.
3. Nguyên nhân của mãn kinh sớm
Mãn kinh sớm có thể tự xảy ra mà không có lý do rõ ràng hoặc nó có thể xảy ra do một số phẫu thuật, thuốc hoặc tình trạng sức khỏe, bao gồm:
- Tiền sử gia đình. Phụ nữ có tiền sử gia đình mãn kinh sớm thì khả năng mắc mãn kinh sớm cao hơn so với những phụ nữ trong gia đình không mắc tình trạng này.
- Hút thuốc. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có hút thuốc lá đến tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh sớm hơn hai năm so với người không hút thuốc. Bên cạnh đó, các triệu chứng mãn kinh của phụ nữ có hút thuốc lá nghiêm trọng hơn và tử vong sớm hơn khoảng hai năm so với phụ nữ không hút thuốc.
- Hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu điều trị ung thư. Những phương pháp điều trị này có thể làm hỏng buồng trứng và khiến kỳ kinh nguyệt dừng lại vĩnh viễn hoặc trong một khoảng thời gian dẫn đến tình trạng khó khăn để mang thai hoặc không có khả năng mang thai nữa. Không phải tất cả phụ nữ phải điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị thì sẽ tiền mãn kinh và mãn kinh sớm. Khi phụ nữ càng trẻ ở thời điểm hóa trị hoặc xạ trị thì ít có khả năng dẫn đến mãn kinh sớm.
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng có thể gây ra các triệu chứng mãn kinh ngay lập tức với các triệu chứng điển hình như chu kỳ kinh nguyệt bị mất sau phẫu thuật và mức độ hormone giảm nhanh chóng, bốc hỏa và giảm ham muốn tình dục.
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Một số phụ nữ phải cắt bỏ tử cung, loại bỏ tử cung nhưng có thể giữ buồng trứng khiến người bệnh không có kinh nguyệt và cũng không thể mang thai. Tuy nhiên khác với trường hợp phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng ở trên, người bệnh có thể sẽ chưa tới thời kỳ mãn kinh ngay lập tức vì buồng trứng sẽ vẫn tiếp tục tạo ra hormone. Tuy nhiên, sau này, người bệnh này sẽ mãn kinh tự nhiên sớm hơn một hoặc hai năm so với dự kiến.
Một số bệnh khác:
- Bệnh tự miễn dịch, chẳng hạn như bệnh tuyến giáp và viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Bình thường hệ thống miễn dịch cơ thể sẽ chống lại mầm bệnh và các yếu tố gây bệnh để bảo vệ cơ thể nhưng trong trường hợp người bệnh mắc các tự miễn, thì hệ thống miễn dịch có thể tấn công nhầm vào buồng trứng và khiến cơ quan này không tạo ra hormone.
- HIV và AIDS. Phụ nữ nhiễm HIV nhưng không được kiểm soát tốt bằng thuốc có thể bị mãn kinh sớm. Bên cạnh đó, phụ nữ nhiễm HIV cũng có thể có những bốc hỏa nặng hơn so với phụ nữ không nhiễm HIV.
- Thiếu nhiễm sắc thể (Missing chromosomes). Phụ nữ sinh ra bị thiếu nhiễm sắc thể hoặc có vấn đề với nhiễm sắc thể có thể mắc mãn kinh sớm. Ví dụ, những phụ nữ mắc hội chứng Turner được sinh ra thiếu 1 nhiễm sắc thể X, do đó buồng trứng của họ không phát triển bình thường dẫn đến sự bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và thời gian mãn kinh.
- Hội chứng mệt mỏi kinh niên (Chronic fatigue syndrome) khiến phụ nữ rất mệt mỏi, yếu cơ, đau cơ và khớp, mất trí nhớ, đau đầu, ngủ không ngon giấc,... Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng phụ nữ mắc hội chứng này có nhiều khả năng mãn kinh sớm.
4. Tiền mãn kinh sớm ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh sớm có thể có các triệu chứng hoặc các vấn đề sức khỏe tương tự như những người mãn kinh đúng tuổi như:
- Nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim và loãng xương do thiếu hormone estrogen.
- Triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng hơn. Hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương pháp điều trị để giúp giảm bớt với các triệu chứng nếu chúng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của bạn.
- Lo âu hoặc trầm cảm vì mất khả năng sinh sản sớm hoặc thay đổi trong cơ thể. Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn có các triệu chứng trầm cảm như thiếu sức sống hoặc giảm sự quan tâm/thích thú đến những điều mà bạn từng thích kéo dài trong vài tuần. Bác sĩ có thể đề nghị các chuyên gia tâm lý có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề về cảm xúc. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể thảo luận về các lựa chọn như nhận con nuôi hoặc sử dụng trứng hiến tặng nếu bạn muốn có con.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện có Gói khám và tư vấn sức khỏe tuổi tiền mãn kinh. Khi đăng ký gói khám, khách hàng sẽ được khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa Phụ khoa; Thực hiện các xét nghiệm đánh giá tình trạng nội tiết tố như:
- Khám chuyên khoa Phụ khoa.
- Khám phụ khoa, khám vú.
- Siêu âm tử cung, buồng trứng qua đường bụng.
- Lấy bệnh phẩm làm phiên đồ tế bào cổ tử cung – âm đạo.
- Chụp Xquang tuyến vú (2 bên).
- Đo độ loãng xương.
- Thực hiện các xét nghiệm khác để phát hiện các bệnh lý tiền mãn kinh nếu có.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Mận nguyên là Trưởng khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng, Trưởng đơn nguyên IUI ( Bơm tinh trùng vào buồng tử cung) - Bệnh viện Hoàn Mỹ - Đà nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, tư vấn và điều trị trong lĩnh vực Sản Phụ khoa như:
- Khám và tư vấn hiếm muộn, thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như: Kích trứng, theo dõi canh noãn, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)
- Khám, siêu âm, tầm soát và điều trị các bệnh lý phụ khoa
- Phẫu thuật nội soi u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Webmd.com và Healthline.com