Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đỗ Hoàng Hà - Bác sĩ Hóa sinh, Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Giai đoạn tiền mãn kinh (còn được gọi là giai đoạn chuyển đổi mãn kinh) của người phụ nữ thường kéo dài khoảng 2 đến 5 năm trước khi kinh nguyệt dừng lại hẳn, là thời kỳ chuyển đổi chức năng sinh sản của người phụ nữ, trung bình hay gặp ở tầm tuổi từ 45 đến 55 tuổi. Với tuổi thọ có thể đạt đến 80 tuổi như hiện nay, người phụ nữ sẽ phải sống một thời gian dài sau mãn kinh trong tình trạng thiếu hụt các nội tiết tố đặc biệt là Progesterone và Estrogen, vì vậy việc thực hiện các xét nghiệm tầm soát những rối loạn nội tiết để có biện pháp điều chỉnh sớm là việc cần làm giúp người phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn khi vượt qua giai đoạn này.
1. Định lượng Estrogen máu
Buồng trứng là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể người phụ nữ. Ngoài chức năng kích thích sự phát triển của nang trứng để thụ thai trong mỗi chu kỳ, buồng trứng còn chịu trách nhiệm tổng hợp và phóng thích estrogen – một trong những hormon quan trọng nhất của người phụ nữ bên cạnh Progesterone, chủ yếu quy định các đặc tính của cơ thể nữ giới ( các đặc điểm về hình thể như xương ngắn hơn, xương chậu rộng hơn, vai hẹp hơn, ít lông hơn, giọng cao và thanh hơn).
Khi cơ thể bước qua tuổi mãn kinh, buồng trứng suy thoái và teo dần, kéo theo sự giảm tiết estrogen. Thật ra khi làm xét nghiệm estrogen trong máu ở giai đoạn này, estrogen vẫn còn hiện diện trong cơ thể nhưng lại ở nồng độ ngày càng thấp dần. Tuổi thọ nữ giới càng cao, thời gian sống sau giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh càng lâu thì hormon estrogen càng giảm. Nồng độ hormon thấp không đủ đáp ứng các nhu cầu của cơ thể cũng như bảo vệ người phụ nữ khỏi các bệnh lý, đặc biệt là bệnh lý tim mạch (do estrogen có ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng cholesterol được sản xuất ở gan giúp bảo vệ động mạch và tim), loãng xương (estrogen ngăn ngừa việc thoái hóa xương, loãng xương).
Chính vì thế, khi người phụ nữ bước vào giai đoạn tuổi trung niên với các chu kỳ kinh nguyệt không còn ổn định như bình thường kèm theo những biểu hiện như “bốc hỏa”, chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ, rối loạn tâm lý,..., nên được xét nghiệm đo nồng độ estrogen trong máu. Nếu nồng độ estrogen trong máu giảm thấp và xuất hiện những triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh như trên, có thể xem xét đến phương pháp điều trị bằng sử dụng liệu pháp hormone thay thế.
Tuy nhiên, estrogen không chỉ được sản xuất duy nhất ở mô đệm buồng trứng mà còn được sản xuất tại nang thượng thận, mô mỡ, trong cơ và tại gan. Vì vậy, không phải tất cả các phụ nữ khi mãn kinh đều thiếu hụt hoàn toàn estrogen. Hormone này được sản xuất ở nhiều cơ quan trong cơ thể, mỗi cơ quan cũng có khả năng nhạy cảm khác nhau. Theo đó, estrogen suy giảm có thể không đủ sản xuất progesterone làm cho nội mạc tử cung phát triển tạo chu kỳ kinh nguyệt nhưng vẫn có thể được sản xuất đầy đủ theo nhu cầu ở các mô khác. Điều này lý giải cho vì sao không phải phụ nữ nào cũng có biểu hiện triệu chứng thiếu hụt estrogen như nhau.
2. Định lượng Progesterol máu
Bên cạnh estrogen, progesterone cũng là một trong những hormone nữ quan trọng, xây dựng và điều hòa tạo nên chu kỳ kinh nguyệt của một người phụ nữ. Bên cạnh đó, progesterone còn đóng vai trò cần thiết trong thai kỳ, tạo thuận lợi cho quá trình làm tổ của trứng. Sau thụ thai, một lượng progesterone khác có nguồn gốc sản xuất từ nhau thai có tác dụng ngăn ngừa sự đẻ non, bảo vệ thai nhi phát triển bình thường.
Vì thế, không giống như estrogen, progesterone đã có xu hướng giảm thấp dần ngay khi người phụ nữ chớm bước vào tuổi tiền mãn kinh với chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn (ngắn lại hay thưa ra, bị rong kinh, rong huyết hoặc cường kinh). Đến khi kinh nguyệt chính thức kết thúc, hầu như progesterone không còn xét nghiệm tìm thấy được trong máu, điều này là bằng chứng đánh dấu cho tuổi mãn kinh.
3. Định lượng FSH, LH máu
Ngược lại với estrogen hay progesterone, FSH và LH là hormon được tuyến yên sản xuất, thay vì của bộ phận sinh dục nữ. Đây là hormone của hệ thần kinh trung ương trong não, giúp điều hòa nồng độ estrogen và progesterone. Khi nồng độ estrogen và progesterone thấp dần, tuyến yên tăng bài tiết FSH và LH và ngược lại, khi nồng độ estrogen và progesterone tăng lên, tuyến yên giảm phóng thích FSH và LH.
Khi vào giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh, do buồng trứng và nội mạc tử cung suy thoái dần, kéo theo nồng độ estrogen và progesterone cũng hạ thấp dần. Dòng tín hiệu phản hồi ngược lên tuyến yên kích hoạt bài tiết FSH và LH. Tuy nhiên, các cơ quan sinh dục nữ không còn khả năng đáp ứng với kích thích. Hệ quả là khi xét nghiệm, nồng độ FSH và LH luôn được tìm thấy ở mức rất cao trong máu.
4. Phết phiến đồ âm đạo
Khi còn trong giai đoạn hoạt động tình dục, dưới tác động của các loại hormone nữ, niêm mạc âm đạo đặc trưng quan sát thấy dưới kính hiển vi điện tử là lớp biểu mô hình trụ tiết nhầy. Do đó, đường âm đạo nữ giới luôn giữ được độ trơn và độ ẩm ướt cần thiết.
Khi chuyển tiếp qua tuổi tiền mãn kinh – mãn kinh, nồng độ các hormone giảm dần, bên cạnh buồng trứng và buồng tử cung cũng teo nhỏ dần, lớp biểu mô của âm đạo cũng mất dần cấu trúc đàn hồi hình trụ. Niêm mạc trở nên dẹt hơn và teo đét, giảm và mất dần khả năng bài tiết nên khô lại, khiến giao hợp đau, dễ chảy máu và nhiễm trùng.
Bằng cách quan sát gián tiếp qua biểu hiện trên lớp phết phiến tế bào âm đạo, những rối loạn nội tiết hormone nữ cũng có thể được đánh giá và xem xét bổ sung các liệu pháp thay thế nếu cần.
5. Siêu âm phụ khoa
Buồng trứng, thành tử cung teo nhỏ, lớp niêm mạc trong lòng tử cung mỏng dần, mạch máu đến nuôi giảm là những bằng chứng về giai đoạn tiền mãn kinh – mãn kinh quan sát được trên siêu âm phần phụ. Đây là những biểu hiện của hệ quả sụt giảm các nồng độ hormone nữ, giúp loại trừ các bệnh lý khác có thể đồng mắc trong giai đoạn này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.