Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng
Túi thừa đại tràng là những túi nhỏ phình ra ở thành đại tràng. Các túi này có thể sẽ bị viêm, nhiễm trùng tạo ra tình trạng viêm túi thừa đại tràng và gây nguy hiểm cho người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1. Túi thừa đại tràng là gì?
Túi thừa là một phần nhô ra giống như cái túi của thành đại tràng. Bệnh túi thừa được xác định bởi sự hiện diện của túi thừa. Bệnh túi thừa có thể không hoặc có triệu chứng.
Dịch tễ:
Tỷ lệ mắc bệnh túi thừa phụ thuộc vào tuổi, ít hơn 20% ở tuổi 40 và tăng lên 60% ở tuổi 60. Sự phân bố của bệnh túi thừa đại tràng thay đổi theo vùng địa lý:
- Các nước phương Tây và các nước công nghiệp phát triển có tỷ lệ hiện mắc bệnh từ 5 - 45%. Khoảng 65% bệnh nhân có túi thừa sigmoid. 24% bệnh nhân túi thừa chủ yếu liên quan đến đại tràng xích ma, nhưng cũng có ở các phần đại tràng khác; 7% bệnh nhân phân bố đều khắp đại tràng và 4% túi thừa được giới hạn ở một đoạn gần với đại tràng xích ma. Sự phân bố của túi thừa cũng có thể khác nhau tùy theo chủng tộc.
- Ở Châu Á, tỷ lệ mắc bệnh túi thừa là từ 13 - 25%, và bệnh túi thừa chủ yếu là bên phải.
- Tỷ lệ mắc chứng bệnh túi thừa đã tăng lên cả ở Tây bán cầu và ở các nước áp dụng lối sống phương Tây hơn, ví dụ như Nhật Bản.
2. Triệu chứng của bệnh lý túi thừa đại tràng
Hầu hết (70 – 80%) người có bệnh lý túi thừa đại tràng không có nhiều biểu hiện lâm sàng. Một số ít người bệnh có triệu chứng đau vùng bụng dưới bên trái, kèm theo cảm giác chướng bụng, đầy hơi. Bên cạnh đó các triệu chứng về tiêu hóa như táo bón, thi thoảng phân lỏng, phân có máu... Các triệu chứng khá khó phân biệt với hội chứng ruột kích thích.
3. Biến chứng bệnh lý túi thừa đại tràng
Bệnh lý túi thừa đại tràng biến chứng với tỷ lệ khá thấp nhưng nếu dẫn tới biến chứng thì gây ra tình trạng khá nghiêm trọng, trong đó viêm túi thừa là thường gặp nhất.
3.1 Viêm túi thừa đại tràng
- 4% túi thừa đại tràng có biến chứng viêm túi thừa, trong đó 15% có biến chứng: áp xe, tắc, thủng, dò.
- Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất, thường đau ở hố chậu trái do liên quan đến đại tràng xích ma. Tuy nhiên, có thể đau hố phải hoặc đau trên xương mu đại tràng xích ma bị viêm hoặc ít gặp hơn là viêm túi thừa bên phải (manh tràng). Cơn đau thường liên tục và thường xuất hiện trong vài ngày trước khi xuất hiện viêm túi thừa. Khoảng 50% bệnh nhân đã từng có một hoặc nhiều đợt đau tương tự trước đó.
- Buồn nôn và nôn: gặp 20 - 62% bệnh nhân do tắc ruột hoặc liệt ruột do kích thích phúc mạc. Bệnh nhân cũng có thể bị sốt nhẹ. Huyết động không ổn định với hạ huyết áp và sốc rất hiếm, có liên quan đến thủng và viêm phúc mạc.
- Viêm túi thừa cấp tính có thể làm đổi thói quen đại tiện, táo bón (50 % ) và tiêu chảy (25 – 35%). Rất hiếm đại tiện máu đỏ.
- Khoảng 10 - 15% bệnh nhân bị viêm túi thừa cấp tính có biểu hiện tiểu gấp, tiểu nhiều lần hoặc khó tiểu do bàng quang bị kích thích từ đại tràng xích ma bị viêm.
- Có thể sờ thấy một khối đau ở khoảng 20% bệnh nhân do viêm quanh đại tràng hoặc áp xe túi thừa. Bệnh nhân có thể có các dấu hiệu phúc mạc khu trú.
- Biến chứng viêm túi thừa: 15%
- Áp xe - Áp xe túi thừa xảy ra ở khoảng 17% bệnh nhân nhập viện vì viêm túi thừa cấp tính. Các triệu chứng của áp xe túi thừa tương tự như viêm túi thừa cấp tính. Áp xe túi thừa có thể được ghi nhận trên CT bụng khi biểu hiện ban đầu hoặc có thể phát triển sau đó. Do đó nên nghi ngờ áp xe túi thừa ở những bệnh nhân bị viêm túi thừa không biến chứng không cải thiện tình trạng đau bụng hoặc sốt dai dẳng mặc dù đã điều trị kháng sinh ba ngày.
- Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh nhân có thể bị áp xe gan sinh mủ do sự lây lan của nhiễm trùng qua hệ tuần hoàn cửa.
- Tắc: tắc nghẽn một phần đại tràng có thể xảy ra do hẹp tương đối do viêm túi thừa hoặc do áp xe túi thừa chèn ép.
- Viêm túi thừa cấp tính cũng có thể gây tắc ruột non nếu một quai ruột non kết hợp với một khối viêm quanh đại tràng.
- Tùy theo mức độ và vị trí tắc nghẽn mà người bệnh có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn, chướng bụng.
- Đường rò - viêm do viêm túi thừa cấp tính có thể dẫn đến hình thành một đường rò giữa đại tràng và các tạng lân cận.
- Bệnh nhân có lỗ rò đại tràng có thể bị đái ra máu, đái ra phân hoặc đái buốt. Bệnh nhân có lỗ rò âm đạo có thể báo cáo tình trạng đi ngoài ra phân hoặc đầy hơi qua âm đạo.
- Thủng - thủng gây viêm phúc mạc toàn thể có thể do vỡ áp xe túi thừa vào khoang phúc mạc hoặc vỡ tự do của túi thừa bị viêm với nhiễm bẩn phân của phúc mạc. Mặc dù chỉ có 1 - 2% bệnh nhân bị viêm túi thừa cấp tính bị thủng do viêm phúc mạc có mủ hoặc phân nhưng tỷ lệ tử vong lên tới 20%. Chướng bụng, phản ứng thành bụng, cảm ứng phúc mạc, mất âm ruột.
- Chảy máu túi thừa: Chiếm tỷ lệ 5 -15%
3.2 Xuất huyết
Là biến chứng của bệnh lý túi thừa đại tràng xảy ra do vỡ mạch máu ở túi thừa. Có thể đại tiện máu đỏ tươi hoặc đổ sẫm hoặc nâu tùy vị trí túi thừa và tốc độ chảy. Biến chứng xuất huyết thường xảy ra ở túi thừa đại tràng phải.
3.3 Thủng túi thừa
Là tình huống ít gặp nhưng là biến chứng nguy hiểm nhất. Khi túi thừa đại tràng bị thủng, vi trùng từ đại tràng thoát vào ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc hoặc abscess. Người bệnh cần phải phẫu thuật để giải quyết.
4. Điều trị bệnh túi thừa đại tràng
Để điều trị viêm túi thừa đại tràng phổ biến nhất trong bệnh lý túi thừa, người bệnh cần chữa nhiễm trùng, cho ruột nghỉ ngơi, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Nếu tình trạng viêm túi thừa nhẹ, người bệnh chỉ cần dùng kháng sinh 7-10 ngày, để ruột được nghỉ ngơi. Bệnh nhân phải ăn vài ngày, dùng thức ăn lỏng cho đến khi hết đau hẳn. Ngoài ra người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau, chống co thắt.
Nếu người bệnh đối mặt với cơn đau nhiều hơn, tình trạng nặng hơn, cần được điều trị tại bệnh viện, trước hết là truyền dịch, kháng sinh tĩnh mạch, giảm đau tĩnh mạch có thể nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và được theo dõi điều trị phù hợp với tình trạng viêm túi thừa đại tràng.
Với trường hợp bệnh lý thường xuyên tái phát, người bệnh có thể phải mổ cắt bỏ đoạn ruột bị bệnh.
Chảy máu túi thừa: bù khối lượng tuần hoàn. Tùy từng trường hợp mà lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp: điều trị qua nội soi, can thiệp mạch, phẫu thuật.
5. Phòng ngừa bệnh lý túi thừa
Chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bệnh lý túi thừa đại tràng bằng cách tăng cường chất xơ trong mỗi bữa ăn. Chất xơ có trong vỏ lức của gạo, lúa mì, ngũ cốc và nhiều loại thực phẩm sẽ khiến phân mềm hơn, giảm áp lực trong lòng ruột trong quá trình tiêu hóa. Bên cạnh đó cần kiểm soát stress nhằm giảm co thắt đại tràng, hạn chế nguy cơ gây túi thừa đại tràng.
Lời khuyên từ các bác sĩ, để phòng ngừa và điều trị bệnh lý túi thừa hiệu quả thì mỗi người cần:
- Có chế độ ăn hợp lý, ăn nhiều chất xơ, rau củ quả, ngũ cốc, giảm lượng mỡ, hạn chế thịt màu đỏ.
- Tránh các thức ăn nhiều hạt như vùng, dâu tây, bỏng ngô, ngô, ổi...
- Uống đủ 2 lít nước/ ngày.
- Tập thể dục thể thao đều đặn.
- Giảm cân nếu thừa cân.
- Duy trì thói quen đại tiện đúng giờ, tránh bị táo bón.
- Bỏ thuốc lá.
Túi thừa đại tràng có thể được phòng ngừa và điều trị sớm để hạn chế nguy cơ biến chứng nguy hiểm. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị bệnh túi thừa đại tràng tại Bệnh viện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.