Truyền dịch khi sốt xuất huyết: Chớ tùy tiện

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Nhật - Bác sĩ Chuyên khoa truyền nhiễm - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bệnh nhân sốt xuất huyết thường gặp phải tình trạng mất nước, đồng thời sốt cao liên tục khiến cơ thể suy kiệt, không thể ăn uống bù dịch được. Vậy sốt xuất huyết có truyền nước được không?

Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có nguy cơ bị thiếu dịch do hiện tượng tăng tính thấm thành mạch, dẫn đến hiện tượng thoát dịch ra gian bào. Do đó, các bệnh nhân sốt xuất huyết cần được bù đủ một lượng dịch cần thiết. Tuy nhiên truyền loại dịch gì, phương thức truyền như thế nào cho đúng, cho an toàn là thuộc về chỉ định của bác sĩ điều trị.

1. Bệnh nhân sốt xuất huyết có truyền nước được không?

Những bệnh nhân bị sốt, tiêu chảy, mất nước nói chung nên được bù nước bằng đường uống nếu có thể. Việc sốt xuất huyết có truyền nước được không phải cân nhắc vào từng giai đoạn và mức độ cụ thể của từng bệnh nhân.

Trong giai đoạn sốt cao (khoảng 2 - 3 ngày đầu của bệnh), người bệnh nên bổ sung nước bằng cách uống dung dịch oresol hoặc nước hoa quả, để bổ sung cả nước và các chất điện giải.

Đối với giai đoạn biến chứng nguy hiểm (khoảng 4 - 6 ngày tiếp theo), nếu nhận thấy bệnh nhân có tình trạng thoát dịch, mất nước nhiều, bác sĩ sẽ chỉ định truyền dịch với liều lượng và chủng loại phù hợp tùy theo phác đồ.

Sang đến giai đoạn hồi phục (từ ngày 7 trở đi), bệnh nhân đã có khả năng tái hấp thu để bù lại lượng dịch đã thoát trong các giai đoạn trước, do đó, cần tránh tuyệt đối truyền dịch.

Như vậy, sốt xuất huyết có truyền dịch được không cần được bác sĩ xem xét và chỉ định thực hiện. Tránh việc tự ý truyền dịch bừa bãi, rất dễ dẫn đến nguy hiểm.

2. Nguy cơ phản ứng khi tự ý truyền cho người bệnh sốt xuất huyết


Truyền dịch chỉ nên thực hiện khi đã có chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế
Truyền dịch chỉ nên thực hiện khi đã có chỉ định của bác sĩ tại cơ sở y tế

Nhiều người thấy triệu chứng sốt cao, mệt mỏi, rã rời, không thể ăn uống, tâm lý hoang mang, lo lắng nên nghĩ đến việc gọi y sĩ về nhà thực hiện truyền dịch. Trong khi đó, hiện tượng người bệnh tự truyền dịch chỉ vì thấy sốt cao, mệt mỏi là rất nguy hiểm, đặc biệt là với bệnh nhân có dấu hiệu sốt xuất huyết. Bởi nguy cơ sốc có thể xảy ra, rất nguy hiểm. Khi đã có biểu hiện sốc, rất khó để có thể cứu sống bệnh nhân.

Ngay cả những trường hợp sốt xuất huyết cần phải nhập viện theo dõi, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng sẽ chỉ định truyền dịch. Nếu có truyền, tốc độ truyền cũng phải điều chỉnh khác nhau tùy theo ca bệnh, đặc biệt là ở bệnh nhi.

Trong khi bị sốt xuất huyết, tuy có giai đoạn bị mất dịch (thường 3 ngày đầu) nhưng cũng có giai đoạn cuối xảy ra hiện tượng tái hấp thu dịch, nếu truyền dịch trong thời gian này sẽ gây ra hiện tượng thừa dịch, dẫn đến phù phổi và các biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, việc tính toán tốc độ truyền, truyền như thế nào, dịch truyền là gì sẽ do bác sĩ chỉ định trên từng bệnh nhân cụ thể, chứ không được tùy tiện muốn là truyền, sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Việc kiểm soát các biến chứng cũng dễ hơn nếu do bác sĩ thực hiện. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân đột nhiên có biểu hiện cô đặc máu, bác sĩ có thể điều chỉnh dịch lại cho phù hợp, cân nhắc dùng dung dịch cao phân tử để giữ nước, tránh gây thoát dịch.

Tóm lại, việc truyền dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết phải theo đúng phác đồ. Người bệnh không được tự ý truyền nước, đạm, hay máu. Ngay cả với tiểu cầu, bác sĩ cũng ít khi chỉ định truyền, chỉ khi nào mức tiểu cầu hạ thấp dưới 10, hay thậm chí dưới 5, kèm theo dấu hiệu xuất huyết thì bác sĩ mới chỉ định truyền.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có thông tin cảnh báo người dân vào mùa sốt xuất huyết không nên tự ý truyền dịch không đúng chỉ định nhằm đề phòng những biến chứng nguy hiểm.

3. Một số lưu ý khi truyền dịch cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết

Việc thực hiện truyền dịch sớm cho bệnh nhân sốt xuất huyết trong những ngày đầu khởi phát bệnh là không cần thiết nếu bệnh nhân vẫn còn ăn uống được. Lúc này, chỉ nên khuyến khích bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên.

Cần lưu ý, không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch bù nước, công tác này phải đúng chỉ định của bác sĩ điều trị: Chỉ thực hiện khi bệnh nhân ăn uống kém, nôn ói quá nhiều gây mất dịch và điện giải nghiêm trọng, dẫn đến tụt huyết áp, có biểu hiện cô đặc máu trên cận lâm sàng (tăng Hematocrit),...

Bên cạnh đó, lượng dịch truyền không phải như nhau đối với tất cả người bệnh, mà phải cụ thể thiếu bao nhiêu thì cần bù lại bấy nhiêu. Nếu bệnh nhân có biểu hiện sốc, tụt huyết áp thì cần bù lượng dịch là 15ml/kg/1h, sau đó giảm dần theo hướng dẫn của Bộ Y Tế. Trong trường hợp bệnh nhân không có sốc, chỉ cần truyền đều đặn 1 - 2 lít dịch mỗi ngày. Ngoài ra, trong lúc thực hiện truyền dịch, nhân viên y tế cần phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh, chẳng hạn như bệnh lý tim mạch, huyết áp, hô hấp.

Từ ngày thứ 6 của bệnh (vào giai đoạn tái hấp thu và hồi phục), nếu truyền nhiều dịch có khả năng gây nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, phù phổi cấp, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trong giai đoạn đầu có thể tự bù dịch tại nhà bằng đường uống, bao gồm các loại như sau:

  • Oresol (ORS): Tuân theo hướng dẫn pha chế ORS. Nên pha với nước lọc, tránh pha với sữa, nước khoáng hay nước trái cây. Tuyệt đối không thêm đường vào dung dịch ORS. Ngoài ra, không nên chia nhỏ gói ORS để pha thành nhiều lần cũng như pha quá đậm đặc, vì như vậy sẽ làm giảm hiệu quả, đồng thời dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc ORS.
  • Nước hoa quả: Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể truyền nước được bằng các loại nước hoa quả, như nước cam, nước chanh, nước dừa. Nước cam, chanh đặc biệt tốt cho tình trạng bệnh vì có chứa vitamin C, giúp tăng cường miễn dịch, tăng tính vững bền của thành mạch, giảm nguy cơ xuất huyết. Nước dừa có chứa nhiều khoáng chất và điện giải, rất cần thiết cho người bệnh sốt xuất huyết.

Để giảm triệu chứng mất nước, có thể bù nước tại nhà bằng nước trái cây
Để giảm triệu chứng mất nước, có thể bù nước tại nhà bằng nước trái cây
  • Nước lọc: Bệnh nhân có triệu chứng sốt cao, mất nước, dẫn đến nhu cầu sử dụng nước hàng ngày tăng lên nên việc bổ sung nước uống rất quan trọng. Mặt khác, vi rút và vi khuẩn gây bệnh cũng phát triển mạnh hơn ở những tế bào thiếu nước. Do đó, bệnh nhân bị sốt xuất huyết nên tập trung nghỉ ngơi và uống nhiều nước hàng ngày.

Như vậy, sốt xuất huyết có truyền nước được không là tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Người bệnh có thể bù nước tại nhà bằng đường uống để giảm triệu chứng của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe