Chào bác sĩ,
Bố cháu chụp cộng hưởng từ có kết quả: cột sống thắt lưng có đường cong sinh lý bình thường; trượt L4 ra trước độ 1, thoái hóa gai xương các đốt sống thắt lưng, giảm chiều cao và tín hiệu các đĩa đệm trên T2WI do thoái hóa, phình đĩa đệm nhiều tầng, gây hẹp ống sống và các ngách bên cùng mức, chèn ép các bao rễ L2-3-4-5 hai bên với các mức độ khác nhau. Bác sĩ cho cháu hỏi, trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 điều trị như thế nào? Bệnh của bố cháu có thể phẫu thuật nội soi được không hay phải phẫu thuật mở? Cháu cảm ơn bác sĩ.
Thân Văn Tân
Trả lời
Được giải đáp bởi ThS.BSCK I Đặng Minh Quang - Bác sĩ Phẫu thuật u xương và phần mềm tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 điều trị như thế nào?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Trượt đốt sống thắt lưng là tình trạng đốt sống trên trượt ra trước hoặc ra sau so với đốt sống dưới. Tình trạng này khiến bệnh nhân đau thắt lưng, đi đứng khó khăn, và thường đau lan xuống một hoặc hai chân. Với tình trạng hiện tại của bố bạn, cần tới thăm khám sớm để được đánh giá kỹ tổn thương, xem những tổn thương nào cần phẫu thuật và mức độ tổn thương. Từ đó, bác sĩ sẽ có kế hoạch phẫu thuật tốt nhất. Trong trường hợp các tổn thương không quá nặng, bố bạn có thể chỉ cần phẫu thuật nội soi giải quyết sự chèn ép, cùng với kết hợp vật lý trị liệu để có kết quả tốt nhất.
Nếu bạn còn thắc mắc về trượt đốt sống, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm bạn nhé. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Tình trạng trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 thường gây đau và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Do đó, bệnh nhân cần chủ động thăm khám bác sĩ càng sớm càng tốt để ngăn chặn quá trình tiến triển, các biến chứng có thể xảy ra và điều trị bệnh kịp thời.
1. Trượt đốt sống ra trước là gì?
Trượt đốt sống ra trước xảy ra khi đốt sống trên trượt ra phía trước so với đốt sống dưới. Đây là tình trạng gây đau ở vùng thắt lưng, khiến người bệnh khó khăn khi di chuyển. Triệu chứng đau thường lan xuống một hoặc cả hai chân.
Bên cạnh đó, tình trạng này thường xảy ra ở các đốt sống L3-L4, L4-L5, hoặc thường gặp nhất là L5-S1.
2. Tình trạng trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 đến độ 5
Tình trạng trượt đốt sống có năm cấp độ được phân loại dựa trên tỷ lệ kết quả X-quang quy ước ở tư thế nghiêng.
Tỷ lệ trượt thường được tính bằng khoảng cách trượt so với chiều rộng của thân đốt sống.
- Độ 1: Trượt từ 0% đến 25% thân đốt sống.
- Độ 2: Trượt từ 25% đến 50% thân đốt sống.
- Độ 3: Trượt từ 50% đến 75% thân đốt sống.
- Độ 4: Trượt từ 75% đến 100% thân đốt sống.
- Độ 5: Trượt đốt sống hoàn toàn (trên 100%), khiến cho đốt sống trên không còn tiếp xúc với bề mặt thân đốt dưới.
3. Nguyên nhân gây trượt đốt sống ra phía trước
Một số nguyên nhân gây trượt đốt sống bao gồm:
- Trượt do thoái hóa: Đây là hậu quả của quá trình lão hóa tự nhiên làm suy yếu các dây chằng và khớp cố định ở đốt sống, dẫn đến tình trạng cột sống không ổn định và gây ra trượt đốt sống theo thời gian.
- Trượt do khuyết eo: Xảy ra do khuyết eo đốt sống, thường là ở đốt sống lưng như L4 hoặc L5, dẫn đến khuyết phần sau của đốt sống và tiến triển thành trượt đốt sống.
- Trượt đốt sống bẩm sinh: Xảy ra khi có thiếu sót trong quá trình phát triển của cột sống ở trẻ em.
- Trượt do chấn thương: Xảy ra do có lực mạnh đột ngột tác động hoặc gãy xương, thường là sau tai nạn giao thông hoặc khi ngã. Trong một số trường hợp, tập luyện quá mức cũng có khả năng gây ra trượt đốt sống.
- Trong khi đó, trượt đốt sống do bệnh lý là kết quả của nhiễm trùng, loãng xương, ung thư hoặc các vấn đề khác liên quan đến xương.
- Trượt sau phẫu thuật là một nguy cơ tiềm ẩn sau khi người bệnh tiến hành thủ thuật giải nén cột sống
4. Triệu chứng thường gặp
Trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 đến độ 5 có khả năng gây ra các cơn đau nghiêm trọng và tiến triển nặng nề. Cơn đau thường xuất hiện kéo dài và ảnh hưởng đến khu vực lưng dưới và chân.
Cơn đau gây ra nhiều trở ngại trong các hoạt động hàng ngày. Đa số người bệnh thường sợ đau, dẫn đến hạn chế vận động quá mức. Hành động này dần dần làm giảm mật độ xương và sức cơ của cơ thể. Theo thời gian, cơ thể người bệnh mất đi sự linh hoạt trong các hoạt động hàng ngày.
Các dấu hiệu khác của bệnh bao gồm cả những triệu chứng như:
- Co cơ (muscle spasms)
- Đau nhức lan xuống một hoặc hai chân, cảm giác bị rối loạn
- Mất khả năng cảm nhận nhiệt độ nóng hoặc lạnh
- Thay đổi về dáng vẻ cơ thể và tư thế đi
Trong những trường hợp nặng, có thể xuất hiện những dấu hiệu như:
- Khó khăn trong việc di chuyển, hạn chế khả năng vận động của cơ thể
- Khó tự chủ quá trình đi tiểu và đại tiện do mất kiểm soát cơ vòng
5. Chẩn đoán trượt đốt sống ra trước
Để chẩn đoán bệnh nhân trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 hay mức độ khác, bác sĩ sẽ bắt đầu chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cảm giác, sức mạnh và phản xạ của người bệnh.
Ngoài ra, người bệnh cũng được chỉ định thực hiện một số phương pháp chẩn đoán như sau:
- Chụp X-quang: Kỹ thuật này cho phép bác sĩ quan sát vị trí của các đốt sống trong cột sống và so sánh với các đốt sống xung quanh. X-quang cũng giúp bác sĩ phát hiện viêm khớp cột sống hoặc thoái hóa đĩa đệm.
- Chụp từ cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp này cho phép bác sĩ đánh giá tình trạng của tủy sống, dây thần kinh cột sống, cơ bắp và đĩa đệm để xác định có tổn thương hay không.
- Chụp CT Scan: Kỹ thuật này cung cấp thông tin chi tiết về cấu trúc xương, vị trí của các đốt sống, mức độ trượt và các tổn thương ở các vùng như eo, mấu khớp, và hẹp ống sống.
6. Điều trị trượt đốt sống ra trước
Bác sĩ thường đề xuất phương pháp điều trị dựa trên mức độ trượt đốt sống của bệnh nhân. Đối với các trường hợp nhẹ (độ I và II), mục tiêu điều trị là giảm đau và cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
Trong khi đó, với những trường hợp tiến triển nặng hơn (độ III, IV và V), người bệnh có thể cần phẫu thuật nếu cần thiết.
7. Trượt đốt sống L4 ra trước độ 1 điều trị như thế nào?
Người bệnh cần đi khám sớm để đánh giá tổn thương một cách cẩn thận và xác định mức độ tổn thương và có cần phẫu thuật hay không. Dựa trên kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị hoặc phẫu thuật phù hợp nhất.
Trong một số trường hợp tổn thương không quá nghiêm trọng, bệnh nhân chỉ cần phẫu thuật nội soi để giảm bớt sự chèn ép, kết hợp với vật lý trị liệu để đạt được kết quả tốt nhất.
Nếu cần thêm thông tin về trượt đốt sống, người bệnh hãy đến bệnh viện của Hệ thống Y tế Vinmec để được tư vấn và kiểm tra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.