Thở máy là một trong những phương pháp giúp hỗ trợ sự sống, hỗ trợ hô hấp cho trẻ có khả năng tự thở không tốt. Tuy nhiên, trường hợp nào trẻ cần thở máy, thở máy thế nào và những điều liên quan cần phải được tuân thủ đúng để can thiệp này đem lại lợi ích tối đa cho trẻ bị bệnh.
1. Nguyên nhân trẻ phải thở máy
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ thở máy, trong đó phổ biến nhất là trẻ có nồng độ oxy trong máu thấp hoặc bệnh nhi phải thở gắng sức do nhiễm trùng như viêm phổi.
Đặc biệt ở trẻ rất dễ bị nhiễm hội chứng suy hô hấp do sinh non, hoặc trẻ bị thiếu oxy, giảm tưới máu trong lúc sinh hoặc trẻ bị hạ thân nhiệt, không thể giữ ấm thân nhiệt cho trẻ sau khi sinh làm cho các túi khí phổi (phế nang) có xu hướng xẹp hoàn toàn làm phổi cứng, dãn nở không tốt khiến trẻ sơ sinh phải thở máy.
Trong trường hợp trên, để đảm bảo cung cấp đủ lượng oxy cần thiết duy trì sự sống cho trẻ, cho trẻ sinh non thở máy là một phương pháp quan trọng và cấp thiết.
2. Mục đích sử dụng máy thở
Thở máy còn được gọi là thông khí cơ học, là một hình thức hỗ trợ hoặc thay thế hoàn toàn chức năng hô hấp của phổi, lồng ngực và các bộ phận có liên quan.
Thở máy sẽ giúp cho người bệnh vận chuyển khí có nồng độ oxy cao tới phổi, tăng quá trình thải CO2, hỗ trợ hô hấp cho người bệnh không có khả năng tự thở do tổn thương hệ thống thần kinh như não, tủy sống hoặc bị yếu cơ.
Ngoài ra, khi trẻ thở máy sẽ giúp giảm công thở, giúp cơ thể tập trung năng lượng để phản ứng với tình trạng bệnh hoặc đáp ứng được nhu cầu của quá trình hồi phục.
3. Các phương pháp thở máy cho trẻ
Tùy vào tình trạng và khả năng đáp ứng của người bệnh, bác sĩ có thể lựa chọn một trong hai phương thức thở máy sau:
- Thở máy xâm nhập: là phương pháp thông khí nhân tạo qua ống nội khí quản hoặc sử dụng canuyn mở khí quản.
- Thở máy không xâm nhập: là phương pháp thông khí nhân tạo cho bệnh nhân mà không cần phải đặt ống nội khí quản hoặc mở khí quản. Có thể thực hiện thông khí nhân tạo qua mặt nạ mũi hoặc mặt nạ mũi – miệng.
4. Cách thức hoạt động của thở máy
Bác sĩ có thể chỉ định trẻ thở máy xâm nhập hoặc không xâm nhập trong những trường hợp sau:
- Trẻ xuất hiện cơn ngừng thở hoặc thở không hiệu quả
- Trẻ bị thiếu oxygen máu nặng, phân áp oxy máu động mạch < 60 mmHg với thở oxy hoặc thở áp lực dương liên tục
- Sốc nặng
- Trẻ hậu phẫu lồng ngực hoặc bụng trong những giờ đầu
- Tăng thông khí giảm phù não ở trẻ bệnh tăng áp lực nội sọ.
4.1. Thở máy xâm nhập
Thở máy xâm nhập là thở máy qua nội khí quản hoặc canuyn mở khí quản. Khi người bệnh cần được thở máy, bác sĩ sẽ chỉ định đặt một ống nội khí quản qua mũi hoặc miệng vào đến khí quản của bệnh nhân. Sau đó, ống nội khí quản này sẽ được kết nối với hệ thống máy thở để hỗ trợ đưa một hỗn hợp gồm khí nén và khí oxy vào phổi bệnh nhân theo mỗi nhịp thở. Đồng thời, máy thở cũng giúp duy trì một áp lực thấp cố định để giữ cho phổi không bị xẹp.
Phương pháp này có thể kiểm soát được thể tích lưu thông của người bệnh nhưng không thể kiểm soát chặt chẽ được thông khí phút và áp lực của đường thở sẽ thay đổi tùy theo tình trạng cơ học của phổi. Bệnh nhân không ngừng thở hoàn toàn cũng có thể sử dụng phương pháp này, nên không cần sử dụng thuốc giãn cơ.
Lưu ý: Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi thì không cần ống nội khí quản có bóng chèn. Tùy theo độ tuổi và cơ thể của từng trẻ để có kích thước và độ sâu của chiều dài ống nội khí quản phù hợp. Nếu trẻ gặp biến chứng sẹo hẹp hiếm gặp sau một tháng thở nội khí quản thì phải tiến hành mở khí quản. Tuy nhiên, chỉ định mở khí quản ở trẻ sơ sinh thở máy dài ngày vẫn còn đang là vấn đề được bàn cãi. Thời điểm mở khí quản thường chỉ được đưa ra sau khi thở máy từ 7 - 10 ngày.
4.2. Thở máy không xâm nhập
Thở máy không xâm nhập còn được gọi là thở máy qua mặt nạ, đây là phương pháp thở bằng máy mà không cần tiến hành việc đặt nội khí quản hay mở khí quản. Với phương pháp này, người bệnh sẽ thở tự nhiên nhưng sẽ được đặt một áp lực dương trong suốt chu kỳ hô hấp của bệnh nhân.
Thở máy không xâm nhập là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho chứng ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, bệnh nhi sẽ được chỉ định sử dụng phương pháp thở máy không xâm nhập khi mắc phải một số bệnh lý gây suy hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi, hen suyễn, giảm oxy máu ở trẻ bị suy giảm miễn dịch.
Khi áp dụng phương pháp này, bắt buộc bệnh nhân cần phải tỉnh táo và cơ hô hấp còn hoạt động. Lựa chọn phương pháp thở máy không xâm nhập sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ bị biến chứng và tác dụng phụ không mong muốn so với phương pháp thở máy xâm nhập.
5. Những rủi ro khi thở máy
Một số rủi ro người bệnh có thể gặp phải khi thở máy bao gồm:
- Nhiễm trùng: Trẻ được thở máy có nhiều nguy cơ bị viêm phổi, đó có thể là một vấn đề nghiêm trọng khiến trẻ bị bệnh phải thở máy kéo dài hơn.
- Tràn khí màng phổi: Đôi khi, một phần của phổi của trẻ có thể yếu hơn các phần khác, dần bị tổn thương và gây ra tình trạng tràn khí trong khoang màng phổi.
- Tổn thương phổi: Nồng độ oxy quá cao của dòng khí đưa vào, cũng có thể khiến phổi bị tổn thương, nặng hơn có thể dẫn đến vỡ phổi. Vì thế, chỉ nên cung cấp lượng oxy tối thiểu, đủ cung cấp cho nhu cầu của cơ thể người bệnh.
- Tác dụng phụ của thuốc: Các thuốc giảm đau và thuốc an thần có thể khiến cho người bệnh bị nghiện hoặc sảng. Những tác dụng phụ này có thể tiếp tục ảnh hưởng đến người bệnh, ngay cả khi các thuốc này đã được dừng lại.
- Không thể cai máy thở: Đôi khi tình trạng bệnh khiến trẻ phải thở máy không cải thiện mặc dù được điều trị, làm cho bệnh nhân không thể cai được máy thở.
Thở máy chỉ là một biện pháp hỗ trợ, trong khi chờ đợi căn nguyên gây suy hô hấp của trẻ được giải quyết bằng các biện pháp điều trị khác hoặc trẻ có thể tự hồi phục. Máy thở có thể giúp cứu sống bệnh nhân, nhưng cũng có rất nhiều nguy cơ để lại biến chứng cho người bệnh. Vì thế, nhân viên y tế cần sử dụng máy thở cho những trường hợp cần thiết và cố gắng cai máy thở cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.