Thuốc Trosicam 7.5 mg thường được chỉ định để điều trị các triệu chứng viêm đau xương khớp (thoái hóa khớp, hư khớp), viêm khớp dạng thấp, viêm cứng khớp đốt sống. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn để đạt được hiệu quả cao nhất.
1. Công dụng thuốc Trosicam
Thuốc Trosicam 7.5 mg có thành phần chính là hoạt chất Meloxicam và tá dược khác. Thuốc Trosicam được chỉ định để điều trị cho các trường hợp:
- Viêm đau xương khớp (thoái hóa khớp, hư khớp);
- Viêm cột sống dính khớp;
- Viêm cứng khớp đốt sống;
- Viêm khớp dạng thấp.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Trosicam
2.1. Cách dùng thuốc
Thuốc Trosicam 7.5 mg được bào chế dưới dạng viên nén phân tán tại miệng, để sử dụng người bệnh đặt viên thuốc trên lưỡi và ngậm cho hòa tan dần. Tuyệt đối không được nhai hay nuốt viên thuốc. Sau khi thuốc đã tan hết, có thể uống thêm với 240ml nước.
2.2. Liều dùng thuốc
- Để điều trị viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp: Dùng 2 viên Trosicam/ngày. Tùy vào khả năng đáp ứng của người bệnh có thể điều chỉnh liều, giảm liều còn 1 viên/ ngày;
- Để điều trị viêm đau xương khớp: Dùng 1 viên Trosicam/ngày. Nếu cần có thể tăng liều dùng đến 2 viên/ngày;
- Đối với những bệnh nhân có nguy cơ phản ứng phụ cao (người cao tuổi): Khởi đầu điều trị với liều 1 viên Trosicam/ngày;
- Đối với bệnh nhân suy thận nặng đang chạy thận nhân tạo: Dùng không quá 1 viên Trosicam/ngày;
- Khi phối hợp với các thuốc dạng viên, thuốc tiêm: Tổng liều dùng không được vượt quá 2 viên (7,5mg)/ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Trosicam
Trong một số trường hợp, người dùng thuốc Trosicam 7.5 mg có thể có một số biểu hiện tác dụng phụ ngoài ý muốn như:
- Tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, khó tiêu, nôn;
- Huyết học: Thiếu máu và rối loạn công thức máu;
- Hệ hô hấp: Khởi phát cơn hen cấp (hiếm gặp);
- Da: Mề đay, ngứa, phát ban trên da, viêm miệng, nhạy cảm với ánh sáng;
- Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt ù tai, đau đầu, ngủ gật;
- Hệ tiết niệu: tăng creatinin máu, tăng ure máu;
- Hệ tim mạch: Phù, đỏ bừng mặt, hồi hộp, tăng huyết áp;
- Các phản ứng nhạy cảm: Phù niêm mạc và các phản ứng phản vệ.
Người bệnh nên lưu ý và thông báo ngay cho bác sĩ các phản ứng phụ có thể gặp phải sau khi dùng thuốc.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Trosicam
Chống chỉ định dùng thuốc Trosicam 7.5 mg cho các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với hoạt chất Meloxicam và bất cứ thành phần nào khác của thuốc;
- Bệnh nhân có tiền sử polyp mũi, hen suyễn, phù mạch hay nổi mề đay sau khi dùng Aspirin hoặc dùng các loại thuốc kháng viêm giảm đau không steroid khác.
- Bệnh nhân bị suy gan nặng, loét dạ dày tá tràng tiến triển;
- Bệnh nhân suy thận nặng và đang không chạy thận nhân tạo;
- Bệnh nhân suy tim nặng khó kiểm soát;
- Bệnh nhân có tiền sử thủng ruột, viêm ruột (bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng);
- Bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết mạch máu não hoặc có các rối loạn chảy máu khác;
- Bệnh nhân mới trải qua phẫu thuật ghép bắc cầu động mạch vành (CABG).
- Phụ nữ có thai và đang cho con bú;
- Trẻ em và thanh thiếu niên <15 tuổi.
5. Tương tác thuốc Trosicam
Để tránh tương tác thuốc, không nên phối hợp thuốc Trosicam 7.5 mg với các thuốc và sản phẩm sau:
- Các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid khác: vì có thể tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa;
- Các thuốc kháng đông, làm tan huyết khối: vì sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu;
- Dụng cụ ngừa thai: suy giảm hiệu quả ngừa thai của những dụng cụ này;
- Thuốc lợi tiểu: làm tăng nguy cơ suy thận cấp ở bệnh nhân mất nước;
- Thuốc hạ huyết áp (như thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn bêta, thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu): có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp;
- Lithi: có thể làm tăng nồng độ Lithi huyết;
- Methotrexat: có thể làm tăng độc tính trên hệ tạo máu;
- Cholestyramin: có thể làm tăng độ thải trừ của Meloxicam do hiện tượng liên kết ở ống tiêu hoá;
- Ciclosporin: có thể làm tăng độc tính trên thận của Ciclosporin.
Để đảm bảo việc điều trị các bệnh đau xương khớp đạt kết quả như ý muốn, người bệnh nên sử dụng thuốc Trosicam 7.5 mg theo đúng hướng dẫn, chỉ định. Đồng thời cần tham khảo ý kiến bác sĩ về hiệu quả, mức độ an toàn khi kết hợp thuốc này với các loại thuốc khác đang sử dụng.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.