Penicillin, Clarithromycin, Amoxicillin, Cephalexin,... là các loại thuốc kháng sinh điều trị viêm họng được sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng cách, đúng liều thì thuốc có thể sẽ gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho cơ thể người bệnh. Chính vì vậy, cần phải thận trọng với kháng sinh liều cao trị viêm họng.
1. Nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng
Khi bị viêm họng, người bệnh thường sẽ gặp phải các triệu chứng như nuốt bị đau, chảy nước mũi, nước mắt, cảm giác bị vướng ở cổ họng, ù tai, ...
Bệnh viêm họng xuất hiện thường do hai nguyên chính sau:
- Do virus: chiếm 80% các trường hợp bị viêm họng. Một số virus có thể gây ra bệnh viêm họng như: coronavirus, rhinovirus, virus cúm A/B, virus Epstein-Barr, herpes simplex, ...
- Do vi khuẩn: một số loại vi khuẩn gây ra bệnh viêm họng như liên cầu, tụ cầu.
2. Thuốc kháng sinh có tác dụng gì?
Thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt các loại vi khuẩn viêm nhiễm gây hại cho cơ thể con người. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không thể hoàn toàn tiêu diệt được hết vi khuẩn, vì có những loại vi khuẩn mạnh vẫn có thể phát triển và tiếp tục lây lan.
Người bệnh cần phải nhớ, thuốc kháng sinh chỉ có thể tiêu diệt được vi khuẩn nếu được sử dụng đúng loại, phù hợp, đúng phổ, đúng liều và đúng thời gian.
3. Thuốc kháng sinh điều trị viêm họng cấp
Viêm họng cấp do vi khuẩn gây ra, kèm theo các triệu chứng như sốt, thường được sử dụng một số loại thuốc kháng sinh như:
- Nhóm thuốc kháng sinh Beta-lactamin: chủ yếu là Amoxicillin được kết hợp với một số loại thuốc kháng sinh khác như axit Clavulanic, Ceftriaxone, Cephalexin
- Nhóm Macrolid: bao gồm Clarithromycin, Erythromycin, Azithromycin,...
Hầu hết, các nhóm thuốc kháng sinh điều trị bệnh viêm họng cấp này thường được sử dụng ở dạng uống hoặc tiêm. Sử dụng sau khoảng 7 đến 10 ngày thì thuốc sẽ có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là đối với nhóm vi khuẩn liên cầu tan huyết nhóm A.
4. Khi nào nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh viêm họng?
Thông thường, người bị viêm họng do virus thường sẽ tự khỏi bệnh trong khoảng thời gian từ 3-5 ngày mà không cần phải sử dụng kháng sinh, chỉ cần sử dụng các loại thuốc điều trị các triệu chứng xuất hiện như sốt, ho, đau họng, ...
Nếu người bệnh bị viêm họng mà không phải là do nhiễm khuẩn thì không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Ví dụ như người bệnh bị đau họng do hút thuốc lá, do uống nhiều nước lạnh,... thì không nên vội sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị.
Nếu người bệnh bị cảm lạnh cũng không cần sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị được cảm lạnh vì cảm lạnh là do virus gây ra và kháng sinh không có hiệu lực trên virus. Việc điều trị cảm lạnh thường cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, dùng các loại hạ sốt và đau đầu.
Viêm họng do vi khuẩn thường nghiêm trọng hơn viêm họng do virus. Đặc biệt, viêm họng do liên cầu khuẩn có thể để lại biến chứng nặng nề như bệnh tim mạch và thấp khớp. Nếu sau khoảng 5 ngày điều trị mà không tiến triển thì người bệnh cần đưa đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.
5. Một số thận trọng với kháng sinh liều cao trị viêm họng
Bất kể khi sử dụng loại thuốc nào cũng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người dùng. Do đó, người bệnh cần phải chú ý một số vấn đề sau khi sử dụng thuốc kháng sinh:
- Chỉ nên sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị các bệnh do vi khuẩn gây ra. Vì nó chỉ mang lại các tác dụng cho bệnh có nguyên nhân từ virus. Tốt nhất là người bệnh cần thăm khám để biết được chính xác nguyên nhân rồi mới sử dụng thuốc.
- Người bệnh cần tuân thủ đúng liều lượng, đúng cách dùng, đúng thời gian với phác đồ điều trị. Chính vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc để dùng, vì nó sẽ làm tăng nguy cơ đề kháng với thuốc kháng sinh.
- Sử dụng thuốc kháng sinh liều cao điều trị bệnh viêm họng có thể gây ra các tác dụng phụ cho người sử dụng. Chính vì vậy, hãy tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Đồng thời, phải nhanh chóng đến cơ sở khám chữa bệnh khi cơ thể có các triệu chứng khác thường nghi do dùng thuốc.
- Tuyệt đối không được tự ý đưa thuốc của mình cho người khác sử dụng.
6. Một số lưu ý với người bị viêm họng
Để chữa bệnh viêm họng hiệu quả, người bệnh cần phải lưu ý một số điều sau:
- Uống nhiều nước để tránh bị mất nước
- Uống nước và canh ấm
- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối ấm: pha loãng 1 muỗng 1 cà phê muối với 236ml nước ấm
- Sử dụng máy tạo độ ẩm trong nhà
- Nghỉ ngơi, vận động hợp lý cho đến khi cơ thể cảm thấy tốt hơn.
- Không nên tiếp xúc thường xuyên với người đang bị viêm họng cấp
- Cần vệ sinh sạch sẽ răng miệng và rửa tay thường xuyên sau khi cầm nắm các loại đồ vật có khả năng nhiễm khuẩn hoặc có chứa virus gây bệnh
- Hạn chế sử dụng các loại đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, rượu bia,...
Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp người đọc biết cách thận trọng với kháng sinh liều cao trị viêm họng. Từ đó bảo vệ sức khỏe bản thân bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh đúng cách, đúng liều lượng.