An thần trong khi thực hiện gây tê vùng: Lợi hay hại?

Bài viết bởi Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Hoài Nam - Khoa Gây mê phẫu thuật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

1. Giải thích khái niệm an thần, gây tê vùng

An thần là tình trạng giảm nhận thức của người bệnh đối với môi trường xung quanh và giảm đáp ứng của họ với kích thích bên ngoài dưới tác dụng của thuốc. Tùy vào liều thuốc dùng, có thể chia an thần làm 4 mức từ nhẹ đến sâu bao gồm: an thần nhẹ, an thần trung bình, an thần sâu và gây mê toàn thân.

Gây tê vùng hay còn gọi vô cảm vùng là phương pháp làm mất hay giảm cảm giác ở 1 bộ phận, 1 vùng của cơ thể 1 cách tạm thời nhưng không làm mất ý thức, người bệnh vẫn tỉnh táo. Gây tê vùng gồm gây tê trục thần kinh (gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng) và gây tê thần kinh ngoại biên (gây tê đám rối, tê thân thần kinh, tê liên cân cơ...).

Gây tê vùng hiện nay đang là xu hướng trong giảm đau đa phương thức để điều trị đau sau mổ. Phối hợp gây tê vùng với các thuốc giảm đau thông thường làm giảm sử dụng Morphin sau mổ nên giảm được các tác dụng phụ của thuốc như ngứa, nôn, buồn nôn, bí tiểu, suy hô hấp, gây nghiện, tăng đau, tiến triển đau mạn tính sau mổ...


Gây tê vùng trong điều trị răng miệng
Gây tê vùng trong điều trị răng miệng

2. Ưu điểm của gây tê vùng

Gây tê vùng mang lại ưu điểm như:

  • Giảm đau sau mổ và hồi phục tốt hơn
  • Giảm liều Morphine
  • Giảm thời gian nằm viện
  • Giảm tỷ lệ tái nhập viện
  • Giảm tỷ lệ nôn và buồn nôn sau mổ
  • Người bệnh hoạt động sớm sau mổ và tham gia tập vật lý trị liệu sớm
  • Tăng tỉ lệ hài lòng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người bệnh

Bên cạnh đó gây tê vùng vẫn có 1 số tai biến không mong muốn bao gồm ngộ độc thuốc tê ( LAST) và tổn thương thần kinh. Câu hỏi đặt ra là an thần khi thực hiện gây tê vùng liệu có thể giúp tránh được các tai biến này không?

3. Tại sao nên thực hiện gây tê vùng ở người bệnh được gây mê hoặc an thần sâu?

Một số quan niệm cho rằng khi người bệnh được gây mê toàn thân hay an thần sâu sẽ có lợi khi thực hiện tê vùng vì:

  • Làm tăng độ an toàn của gây tê do giảm cử động đột ngột của người bệnh mà có thể làm kim tê đâm vào các cấu trúc quan trọng của cơ thể.
  • Làm tăng số lượng người bệnh đồng ý gây tê vì phần lớn có tâm lý sợ tiêm khi còn tỉnh táo. Điều này sẽ làm tăng số lượng người bệnh được hưởng lợi từ gây tê vùng để mổ hay giảm đau.

Gây tê vùng giúp giảm cử động đột ngột của người bệnh trong phẫu thuật
Gây tê vùng giúp giảm cử động đột ngột của người bệnh trong phẫu thuật

4. Tại sao nên thực hiện gây tê vùng ở người bệnh tỉnh hoặc an thần nhẹ?

Ngược lại có quan niệm cho rằng nên để người bệnh tỉnh hoặc chỉ an thần nhẹ khi gây tê sẽ giúp nhận biết sớm dấu hiệu ngộ độc do:

  • Người bệnh tỉnh hay chỉ an thần nhẹ có thể cảm nhận và báo bác sĩ biết các dấu hiệu cảnh báo sớm của ngộ độc thuốc tê trước khi liều độc được tiêm.
  • Có thể nhận biết và báo bác sĩ triệu chứng đau và dị cảm vốn là biểu hiện của tổn thương thần kinh khi kim tê đâm vào cấu trúc thần kinh.

Nhiều đề tài nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh ưu nhược điểm khi gây tê vùng có hoặc không an thần hay gây mê.

5. An thần sâu hay gây mê có ảnh hưởng đến khả năng nhận biết và báo cáo các triệu chứng của người bệnh không?

  • Đối với tai biến ngộ độc thuốc tê: Trong 1 nghiên cứu của khoa Gây mê hồi sức ở Virginia Mason medical Center và Đại học Washington cho thấy An thần với Midazolam và Fentanyl làm giảm độ tin cậy của test Lidocaine khi tê vùng. Vì vậy khuyến cáo dùng Epinephrine để làm thuốc test. Người bệnh báo cáo các triệu chứng ngộ độc thần kinh trung ương không nhạy 100% do trẻ nhỏ, người già, có rào cản ngôn ngữ nên triệu chứng không đủ nhạy hay không đầy đủ. Nếu thuốc tê được tiêm nhầm vào mạch máu nhanh, người bệnh bị co giật trước khi họ nhận biết và báo bác sĩ triệu chứng thần kinh trung ương. Hội Gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ khuyến cáo: Khả năng gây mê hoặc an thần sâu che dấu triệu chứng sớm của ngộ độc thuốc tê không phải là lý do hợp lý để từ bỏ việc thực hiện gây tê vùng và tê ngoài màng cứng dưới gây mê hoặc an thần sâu.

Người bệnh có thể bị tai biến ngộ độc thuốc tê
Người bệnh có thể bị tai biến ngộ độc thuốc tê
  • Đối với tai biến tổn thương thần kinh: Người bệnh phát hiện dấu hiệu cảnh báo dị cảm, đau khi tiêm có thật sự giúp phát hiện kim tê chạm vào thần kinh và dự báo tổn thương thần kinh không? Kết quả nghiên cứu cho thấy độ nhạy của dị cảm thấp (38,2%). Một nghiên cứu ở Pháp trên 21.278 gây tê vùng cho thấy dị cảm và đau khi tiêm thỉnh thoảng xảy ra và thỉnh thoảng liên quan đến tổn thương thần kinh (chỉ liên quan, không được chứng minh có mối liên hệ nhân quả). Trong một nghiên cứu phân tích tai biến cấp của gây tê vùng khi người bệnh tỉnh, an thần hay gây mê cho thấy tỷ lệ ngộ độc thuốc tê không khác biệt có ý nghĩa giữa nhóm tỉnh và được an thần hay gây mê. Dị cảm sau mổ có tỉ lệ và nguy cơ thấp hơn ở nhóm được an thần hoặc gây mê.
  • Đối với gây tê vùng ở trẻ em: Phần lớn được thực hiện dưới an thần sâu hay gây mê do trẻ không hợp tác và không chịu nằm yên. Một nghiên cứu cho thấy gây tê gian cơ bậc thang ở trẻ em và trẻ vị thành niên dưới gây mê toàn thân không làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc tê hay tổn thương thần kinh so với nhóm gây tê tỉnh. Hội Gây tê vùng và giảm đau Hoa Kỳ khuyến cáo: Mặc dù tỉnh táo hoàn toàn, trẻ em có thể không có khả năng giao tiếp các triệu chứng của tổn thương thần kinh ngoại biên. Tuy nhiên cử động không kiểm soát được của trẻ em có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh. Vì vậy việc gây tê vùng dưới gây mê hay an thần sâu ở trẻ em có thể phù hợp sau khi cân nhắc tỷ lệ nguy cơ-lợi ích.

An thần sâu có thể dẫn tới tổn thương thần kinh ở cả người lớn và trẻ em
An thần sâu có thể dẫn tới tổn thương thần kinh ở cả người lớn và trẻ em

An thần trong khi thực hiện gây tê vùng lợi hay hại đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác. Những nghiên cứu chỉ đưa ra các khuyến cáo trong thực hành bao gồm:

  • Không có hướng dẫn nào chứng minh được việc gây tê vùng dưới gây mê hay an thần sâu làm giảm nguy cơ ngộ độc thuốc tê và biến chứng thần kinh
  • Ở người lớn gây tê vùng không nên thực hiện dưới gây mê hay an thần sâu một cách thường quy.
  • Ở trẻ em gây tê vùng dưới gây mê hay an thần sâu có thể phù hợp.
  • Không nên gây tê liên cơ bậc thang cho trẻ em dưới gây mê hay an thần sâu
  • Cần cân nhắc tỉ lệ nguy cơ-lợi ích trước khi quyết định.

Tại Hệ thống Y tế Vinmec, người bệnh luôn được đánh giá trước mổ theo quy trình thăm khám tiền mê để có phương án gây mê, gây tê phù hợp. Hệ thống monitor hiện đại theo dõi đầy đủ dấu hiệu sinh tồn trong và sau mổ giúp phát hiện sớm các bất thường của người bệnh nhằm xử trí kịp thời các tai biến có thể xảy ra. Phát triển gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm đang là thế mạnh của Vinmec, giúp người bệnh giảm đau tốt và an toàn trong và sau mổ.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe