Bupivacain là 1 loại thuốc gây tê tại chỗ, có thành phần chính là Bupivacaine hydrochloride. Thuốc tê Bupivacain thường được dùng trong gây tê cục bộ, gây tê ngoài màng cứng khi sinh mổ hoặc phẫu thuật. Ngoài ra, thuốc gây tê Bupivacain cũng được dùng trong thủ thuật nha khoa.
1. Thuốc tê Bupivacain là thuốc gì?
Bupivacain thuộc nhóm thuốc gây tê tại chỗ hoặc nhóm amid. Thuốc có thời gian tác dụng kéo dài và bắt đầu tác dụng chậm hơn nhưng mạnh hơn và độc hơn thuốc gây tê lidocain. Thuốc có thành phần chính là Bupivacaine hydrochloride, hoạt chất này có tác dụng chặn các xung thần kinh gửi tín hiệu cơn đau đến não bộ.
Bupivacain được bào chế dưới thuốc tiêm (có thể chứa adrenalin hoặc không) với nhiều hàm lượng khác nhau như: 0,25% (2,5mg/ml), 0,5% (5mg/ml) hoặc 0,75% (7,5mg/ml) và được đóng gói dạng ống với dung tích 10ml, 20ml hoặc 30 ml.
Thuốc tê Bupivacain được chỉ định trong những trường hợp gây tê cục bộ, gây tê ngoài màng cứng trong sinh đẻ, phẫu thuật hoặc các trường hợp khác, bao gồm cả thủ thuật nha khoa.
2. Cách dùng và liều dùng thuốc tê Bupivacain
2.1 Cách dùng thuốc tê Bupivacain
Thuốc tê Bupivacain được thực hiện bởi nhân viên y tế. Thuốc được tiêm trực tiếp vào khu vực gây tê hoặc gần đó. Trong trường hợp gây tê ngoài màng cứng, thuốc sẽ được tiêm vào cột sống ở vùng giữa hoặc dưới lưng. Nếu sử dụng để gây tê trong nha khoa, thuốc được tiêm trực tiếp trong miệng, vào khu vực có răng cần điều trị.
Trong quá trình tiêm thuốc gây tê Bupivacain, các chỉ số sinh lý và sinh tồn của người bệnh được theo dõi chặt chẽ, bao gồm nhịp thở, nồng độ oxy, huyết áp, ... Một số chức năng của cơ thể có thể bị ảnh hưởng khi sử dụng thuốc gây tê ngoài màng cứng như kiểm soát ruột, bàng quang, chức năng tình dục, cảm giác hoặc vận động ở chân.
2.2 Liều dùng thuốc tê Bupivacain
Liều dùng thuốc tê Bupivacain ở người lớn cụ thể như sau:
- Gây tê tại chỗ: Tiêm một liều duy nhất 175mg, tuy nhiên liều dùng tùy thuộc vào từng người bệnh. Sau mỗi 3 giờ, tiêm lại nhưng liều tối đa không được vượt quá 400mg/ngày.
- Gây tê tủy sống trong sinh đẻ: 7,5 - 10,5mg (từ 1 - 1,4 ml).
Liều dùng thuốc tê Bupivacain ở trẻ em cụ thể như sau:
- Gây tê tại chỗ ngoài màng cứng: 1,25mg/kg cân nặng/liều.
- Gây tê tại chỗ xương cùng: 1 - 3,7mg/kg cân nặng.
- Tiêm truyền ở trẻ sơ sinh dưới 4 tháng tuổi: 0,2 - 0,25 mg/kg cân nặng/giờ.
- Tiêm truyền ở trẻ sơ sinh trên 4 tháng tuổi và trẻ em: 0,4 - 0,5 mg/kg cân nặng/giờ.
2.3 Quá liều thuốc tê Bupivacain
Sử dụng thuốc gây tê Bupivacain quá liều có thể gây biến chứng ở tim mạch và hệ thần kinh. Khi đó, có thể sử dụng diazepam hoặc thiopental để chống co giật và kèm theo biện pháp hỗ trợ hô hấp.
Nếu người bệnh bị suy tuần hoàn do thuốc tê Bupivacain, cần được điều trị bằng cách truyền dịch, dùng thuốc chống giao cảm. Trong trường hợp cần thiết có thể tiêm adrenalin trực tiếp hoặc nhỏ giọt tĩnh mạch.
3. Tác dụng phụ của thuốc gây tê Bupivacain
Thuốc tê Bupivacain có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn với tần suất thường gặp như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn, đau lưng, các vấn đề liên quan đến chức năng tình dục.
Trong trường hợp gặp các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sưng mặt, lưỡi, miệng, họng, chóng mặt, nôn, khó thở, hắt hơi, ngứa, phát ban, nổi mẩn đỏ sau khi dùng thuốc tê Bupivacain, người bệnh cần được xử trí cấp cứu ngay lập tức.
Liên hệ với bác sĩ nếu gặp phải những tác dụng phụ có mức độ nghiêm trọng như bồn chồn, lo lắng, lú lẫn, ngất xỉu, có vấn đề về thị giác hoặc nói, ù tai, miệng ngứa ran và có vị kim loại, động kinh, co giật, thở nông, thở yếu, thở hổn hển, nóng trong người, tim đập nhanh hoặc chậm hoặc yếu, bí tiểu hoặc tiểu ít.
Thuốc gây tê Bupivacain cũng có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn với mức độ ít nghiêm trọng hơn như buồn nôn, nôn, run, ớn lạnh, đau đầu, đau lưng.
4. Một số lưu ý khi dùng thuốc tê Bupivacain
- Không dùng thuốc tê Bupivacain ở người bị quá mẫn hoặc dị ứng với thành phần của thuốc cũng như thuốc tê nhóm amid, người bị thiếu máu và mắc bệnh tim mức độ nặng.
- Không tiêm thuốc tê Bupivacain vào vùng đang bị viêm nhiễm, gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống ở người bị rối loạn đông máu, tụt huyết áp do mất máu, người bị sốc do tim.
- Trước khi tiến hành gây tê với thuốc tê Bupivacain, người bệnh cần báo cho bác sĩ về các tình trạng sức khỏe có liên quan và bị ảnh hưởng bởi thuốc, bao gồm: thiếu tế bào hồng cầu hay thiếu máu, rối loạn chảy máu hoặc đông máu, tăng/hạ huyết áp, mắc bệnh gan, thận, có cảm giác tê hoặc ngứa ran, đau đầu, đau lưng do phẫu thuật, viêm khớp, vẹo cột sống, bệnh bại liệt, giang mai, u não, u tủy.
- Phụ nữ nuôi con cho bú chỉ được dùng thuốc gây tê Bupivacain khi đã cân nhắc nguy cơ ảnh hưởng và lợi ích đối với trẻ.
- Không được dùng Bupivacain cùng với các thuốc Hyaluronidase, Propofol, Propranolol, St John’s Wort, Verapamil. Nếu bắt buộc phải dùng, liều lượng và tần suất sử dụng sẽ được điều chỉnh phù hợp.
- Thuốc gây tê Bupivacain có thể tương tác với các loại thuốc và gây tác dụng phụ, bao gồm: Alacepril, Benazepril, Captopril, Cilazapril, Delapril, Enalaprilat, Enalapril maleate, Fosinopril, Imidapril, Lisinopril, Moexipril, Pentopril, Perindopril, Quinepril, Ramipril, Spirapril, Temocapril, Trandolapril, Zofenopril.
- Việc dùng rượu hoặc các đồ uống chứa chất kích thích trong khi dùng thuốc tê Bupivacain cần có ý kiến của bác sĩ.
- Trong mọi trường hợp, để hạn chế những nguy cơ tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tình trạng đã và đang sử dụng thuốc, trong đó bao gồm thuốc kê đơn hoặc không, các sản phẩm thảo dược hoặc thực phẩm chức năng bổ sung.
Công dụng của thuốc tê Bupivacain là chặn các xung thần kinh gửi tín hiệu cơn đau đến não bộ. Với công dụng này, Bupivacain được dùng để gây tê tại chỗ, gây tê ngoài màng cứng trong phẫu thuật, sinh mổ và các thủ thuật nha khoa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.