Triệu chứng thiếu hormone nam giới

Nếu như estrogen là hormone đại diện cho phái nữ thì ngược lại, testosterone là hormone đại diện cho phái mạnh. Những người đàn ông có tuổi tác càng cao thì mức độ testosterone trong cơ thể càng giảm. Sự thiếu hụt testosterone trong cơ thể khiến cho nam giới phải đối mặt với một số triệu chứng nghiêm trọng.

1. Hormone Testosterone là gì?

Testosterone là một loại hormone có vai trò vô cùng quan trọng đối với nam giới. Các chức năng chính của nó bao gồm kích thích ham muốn tình dục, tăng khả năng cương cứng, tăng số lượng và chất lượng của tinh trùng; ngoài ra nó cũng góp một phần lớn vào việc xây dựng cơ bắp và điều chỉnh sức khỏe của xương.

Ở cơ thể nam giới, testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn (chiếm tới 95%) và một lượng nhỏ ở tuyến thượng thận (chiếm khoảng 4%). Đối với nữ giới, hormone này được sản xuất một phần nhỏ tại tuyến thượng thận và buồng trứng.


Testosterone là hormone vô cùng quan trọng với nam giới
Testosterone là hormone vô cùng quan trọng với nam giới

2. Tình trạng thiếu hụt hormone Testosterone ở nam giới

Theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ (AUA) cho biết, một người đàn ông sẽ có mức testosterone bình thường là khoảng 300-1.200 nanogram mỗi deciliter (ng/dL), tùy thuộc vào tình trạng protein, chức năng tuyến giáp và một số yếu tố khác. Nếu dưới 300 ng/dL thì người đó sẽ được chẩn đoán là có mức testosterone thấp. Đối với nữ giới trên 19 tuổi, mức testosterone bình thường sẽ dao động trong khoảng 8-60 ng/dL. Mức testosterone đạt đến đỉnh điểm sẽ rơi vào khoảng 18-25 tuổi trước khi nó giảm dần trong suốt phần còn lại của tuổi trưởng thành.

Thông thường, quá trình sản xuất testosterone sẽ giảm khoảng 1% mỗi năm ở những người đàn ông có độ tuổi từ 40 trở lên. Điều này dẫn tới mức testosterone trong máu giảm. Khi độ tuổi càng cao thì số lượng tế bào Leydig trong tinh hoàn càng giảm và khiến cho quá trình sản xuất testosterone cũng giảm đi. Ngoài ra, những thay đổi ở tuyến yên và vùng dưới đồi cũng ảnh hưởng một phần tới quá trình này.

Trắc nghiệm: Tìm hiểu về “bí mật” của các Hormone

Hormone hầu như quyết định tới toàn bộ các chức năng quan trọng của cơ thể. Nó “làm việc” miệt mài để phát tín hiệu và điều hòa sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, mô cũng như tế bào nhất định. Để hiểu hơn về vai trò cũng như cách thức các hormone tác động lên cơ thể, bạn có thể làm bài trắc nghiệm sau đây.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Ở những người lớn tuổi, các hormone testosterone sẽ hoạt động kém hiệu quả hơn. Nguyên nhân chính là do cơ thể sản xuất ra nhiều hormone globulin gắn kết với nội tiết tố sinh dục và làm giảm chức năng của testosterone. Vì vậy, mặc dù lượng testosterone được sản xuất giảm khoảng 1% mỗi năm, nhưng lượng hormone testosterone hỗ trợ các đặc điểm sinh dục thứ phát và ham muốn tình dục lại giảm từ 2-3% mỗi năm.

Một số nguyên nhân khác làm giảm mức testosterone bao gồm các bệnh mạn tính (chẳng hạn như bệnh tiểu đường), có vấn đề về tinh hoàn, chế độ ăn uống, suy tuyến thượng thận, sự căng thẳng, thừa cân béo phì hoặc các loại thuốc được sử dụng để điều trị các căn bệnh này. Đặc biệt, những căn bệnh kinh niên này thường bắt gặp ở những nam giới lớn tuổi hơn là những người trẻ.


Suy tuyến thượng thận có nguy cơ làm giảm testosterone
Suy tuyến thượng thận có nguy cơ làm giảm testosterone

3. Các triệu chứng thiếu hormone nam giới

Những nam giới bị thiếu hụt hormone testosterone có thể phải đối mặt với các triệu chứng phổ biến sau:

3.1 Suy giảm ham muốn tình dục

Testosterone có một vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành và kích thích ham muốn tình dục ở nam giới. Khi bước vào độ tuổi trung niên, rất nhiều người gặp phải vấn đề suy giảm ham muốn tình dục nghiêm trọng, khiến cho họ không còn hứng thú với “chuyện ấy” nữa.

3.2 Gặp khó khăn khi cương cứng

Testosterone không chỉ giúp kích thích ham muốn tình dục của nam giới mà nó còn có vai trò không thể thiếu trong việc giúp phái mạnh đạt được và duy trì trạng thái cương dương. Hormone này không thể trực tiếp gây ra sự cương cứng mà nó sẽ kích thích các thụ thể trong não sản sinh ra oxit nitric- một phân tử có nhiệm vụ là chất xúc tác giúp kích hoạt các phản ứng hóa học cần thiết cho sự cương dương diễn ra. Tuy nhiên, khi nồng độ testosterone quá thấp sẽ gây ra khó khăn trong việc đạt hoặc duy trì sự cương cứng trước khi quan hệ tình dục, hoặc dẫn tới tình trạng cương dương không kiểm soát (chẳng hạn như cương dương trong khi ngủ).

Tuy vậy, testosterone cũng chỉ là một trong những nhân tố giúp quá trình cương dương diễn ra chính xác. Vẫn chưa thể xác định được vai trò cụ thể của sự thay thế testosterone trong quá trình điều trị chứng rối loạn cương dương. Khi tìm hiểu về những lợi ích của testosterone ở những người gặp khó khăn trong việc cương dương, có khoảng 50% số người thử nghiệm không có sự cải thiện sau khi điều trị bằng testosterone. Một số vấn đề về sức khỏe khác cũng gây ra tình trạng này, bao gồm:

  • Các vấn đề về tuyến giáp
  • Bệnh tiểu đường
  • Huyết áp cao
  • Thường xuyên hút thuốc và lạm dụng bia rượu
  • Có mức cholesterol cao
  • Thường xuyên căng thẳng, lo lắng

3.3 Lượng tinh dịch thấp

Tinh dịch là một chất dịch đặc có màu trắng sữa, giúp hỗ trợ cho sự chuyển động của tinh trùng. Đối với phái mạnh, hormone testosterone có ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình sản sinh lượng tinh dịch. Nếu mức testosterone thấp, lượng tinh dịch sẽ có dấu hiệu giảm đi sau khi xuất tinh xảy ra. Khi lượng tinh trùng sản sinh ra không đủ sẽ gây khó khăn cho quá trình thụ thai của nữ giới.


Mức testosterone thấp có nguy cơ làm giảm lượng tinh dịch
Mức testosterone thấp có nguy cơ làm giảm lượng tinh dịch

3.4 Mất cơ

Testosterone là nhân tố góp phần hình thành và xây dựng khối cơ bắp ở nam giới. Nếu nồng độ testosterone thấp sẽ khiến cho khối lượng cơ trong cơ thể giảm đi rõ rệt. Một số nghiên cứu gần đây cũng chỉ ra rằng mức testosterone có ảnh hưởng tới khối lượng cơ, tuy nhiên nó không thực sự quá cần thiết trong việc tăng sức mạnh hoặc chức năng của các cơ.

3.5 Giảm khối lượng xương

Các tình trạng mất xương, loãng xương, xương mỏng đi hoặc giảm lượng xương đa phần đều bắt gặp ở nữ giới. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những đấng mày râu có nồng độ testosterone thấp. Bởi vì testosterone là hormone quan trọng tham gia vào quá trình sản xuất và củng cố sức khỏe của xương. Do đó, những người đàn ông lớn tuổi, bị suy giảm testosterone thường có khối lượng xương thấp hơn và dễ bị gãy xương hơn.

3.6 Rụng tóc

Ngoài chức năng xây dựng khối cơ bắp, testosterone còn giữ vai trò chính trong việc duy trì một số chức năng của cơ thể, chẳng hạn như sự mọc và phát triển của tóc, lông trên cơ thể. Những nam giới có nồng độ testosterone thấp có thể mắc bệnh hói đầu hoặc rụng bớt lông ở các vùng khác trên cơ thể như mặt, vùng da dưới cánh tay.

3.7 Cơ thể mệt mỏi

Nhiều nam giới có mức độ testosterone thấp phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi cực độ và suy giảm năng lượng. Họ có thể thấy mệt mỏi thường xuyên mặc dù đã ngủ đủ giấc hoặc nghỉ ngơi, thậm chí thấy khó khăn mỗi khi vận động cũng như tập thể lực.

3.8 Tăng lượng mỡ thừa trong cơ thể

Mức testosterone thấp cũng có thể gây ra các vấn đề ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nam giới, điển hình là gia tăng lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể. Đôi khi, họ có thể gặp phải chứng vú to hoặc mô vú mở rộng ở nam giới. Sự thay đổi này là do sự mất cân bằng giữa hai hormone testosterone và estrogen ở nam giới gây ra.


Mức testosterone thấp làm gia tăng lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể
Mức testosterone thấp làm gia tăng lượng mỡ thừa tích tụ trong cơ thể

3.9 Tâm trạng thay đổi thất thường

Những quý ông dù có mạnh mẽ tới đâu cũng không thể tránh khỏi những bất ổn trong tâm trạng, nhất là khi mức testosterone trong cơ thể giảm xuống. Hormone này có ảnh hưởng đến nhiều quá trình thể chất của cơ thể, thêm vào đó, nó cũng ảnh hưởng lớn tới sự chuyển biến tâm trạng của con người.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người đàn ông bị thiếu hụt testosterone thường có nguy cơ đối mặt với các vấn đề như cáu gắt, trầm cảm hoặc thiếu sự tập trung. Các triệu chứng này một phần cũng có thể xuất phát từ các vấn đề về sức khỏe khác, ví dụ như bệnh trầm cảm, thiếu máu, rối loạn giấc ngủ hoặc các tình trạng bệnh mãn tính.

4. Kiểm soát sự suy giảm testosterone ở nam giới

Biện pháp hữu hiệu nhất đối với những người đàn ông muốn duy trì testosterone ở mức ổn định chính là thay đổi lối sống. Các thủ phạm chính làm “nhấn chìm” testosterone bao gồm việc không ăn uống điều độ và lành mạnh, ngủ ít, không tập thể dục thường xuyên, lạm dụng rượu bia, thuốc lá. Đặc biệt, khi cơ thể trong tình trạng căng thẳng, nồng độ cortisol sẽ tăng cao khiến cho testosterone bị giảm sút mạnh mẽ. Do đó, cánh mày râu cần cân bằng lại cuộc sống của mình giữa làm việc với nghỉ ngơi thư giãn và tích cực luyện tập thể dục.

Đối với chế độ dinh dưỡng, nên ăn thêm dầu mỡ, những chất béo không bão hòa đơn rất tốt cho sức khỏe, ví dụ bơ, trứng, dầu dừa, oliu, các loại hạt,... Nên tắm nắng nhiều hơn và ngủ đủ giấc. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tập luyện các bài tập tăng cường độ làm việc của cơ bắp như chạy nước rút, nâng tạ hoặc đạp xe. Tuy nhiên, tránh tập quá sức để tránh bị mệt mỏi và gây hiệu ứng ngược cho sức khỏe.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, uptodate.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe