Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Quốc Tuấn - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
Nhồi máu cơ tim là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, xuất phát từ sự tắc nghẽn của một hoặc nhiều nhánh động mạch vành, gây ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho cơ tim. Điều này dẫn đến việc cơ tim không nhận đủ lượng máu cần thiết, dẫn đến tổn thương dần dần và xuất hiện cơn đau thắt ngực, một triệu chứng nhồi máu cơ tim phổ biến. Nếu không được điều trị kịp thời, vùng cơ tim bị tổn thương sẽ hình thành sẹo trong vài tuần và gia tăng nguy cơ biến chứng suy tim.
1. Tổng quan về nhồi máu cơ tim
1.1 Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm do tắc nghẽn của một hoặc nhiều nhánh động mạch vành nuôi dưỡng cơ tim. Khiến cơ tim không được cung cấp đủ máu và dần hoại tử, gây triệu chứng đau tức ngực dữ dội cho người bệnh. Nếu không được điều trị kịp thời, phần cơ tim hoại tử sẽ tạo sẹo sau vài tuần và tăng nguy cơ biến chứng suy tim.
1.2 Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Theo nghiên cứu, đến 90% lý do dẫn đến bệnh nhồi máu cơ tim là do xơ vữa động mạch vành. Nguyên nhân khởi đầu là do sự hình thành cục máu đông bên trong mạch máu làm tắc mạch vành này. Với một lòng mạch vành bình thường, cục máu đông rất khó xuất hiện. Thế nhưng khi cholesterol và các thành phần mỡ máu khác lắng đọng sẽ khiến thành mạch vành hình thành các mảng vữa xơ.
Các mảng vữa này lâu dần tiếp xúc với máu hình thành cục máu đông và gây tắc nghẽn mạch vành, khiến máu không thể luân chuyển đến nuôi dưỡng cơ tim.
1.3 Ai có thể bị nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim hay gặp ở những người cao tuổi, người hay hút thuốc lá, người mắc chứng thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu...Những người có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh về tim mạch sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi) cũng là đối tượng có nguy cơ cao. Người càng tập hợp nhiều yếu tố nguy cơ kể trên thì càng dễ mắc nhồi máu cơ tim.
1.4. Nhồi máu cơ tim có nguy hiểm không?
Nhồi máu cơ tim luôn được đánh giá là căn bệnh phức tạp và có mức độ cảnh báo ở mức báo động. Theo thống kê có đến 30% người bệnh tử vong trước khi nhập viện. Quá trình chẩn đoán và điều trị cũng yêu cầu sự nhanh chóng và tính chính xác tuyệt đối. Khi bệnh nhân lên cơn nhồi máu cơ tim, các y bác sĩ cần chạy đua với thời gian để giành giật, bảo vệ tính mạng của người bệnh.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người bị nhồi máu cơ tim có xu hướng tăng vọt trong những năm gần đây. Trung bình năm sau sẽ cao hơn năm trước khoảng 15-20%. Ở người trẻ tuổi, tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở nam cao gấp 3 lần so với nữ giới. Sau độ tuổi mãn kinh, do không còn sự bảo vệ từ hormone sinh dục nữ nên tỷ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ cân bằng trở lại.
2. Triệu chứng nhồi máu cơ tim
Biểu hiện nhồi máu cơ tim điển hình chính là các cơn đau thắt ngực, bệnh nhân có thể nhận biết bản thân đang gặp tình trạng nhồi máu cơ tim cấp một cách dễ dàng nhờ vào triệu chứng này. Cơn đau xuất hiện ở vùng xương ức, ngực trái hoặc thượng vị, khiến người bệnh có cảm giác như bị đè nặng, ngực bị bóp nghẹt, có trường hợp còn lan dần đến cổ, cằm, hai vai và cả hai tay.
Bên cạnh đau thắt ngực, còn có một số triệu chứng có thể kể tên khác của bệnh nhồi máu cơ tim, bao gồm:
● Vã mồ hôi
● Tim đập liên hồi, cảm giác hồi hộp
● Buồn nôn và nôn
● Hơi thở khó khăn, chóng mặt, thậm chí là mất ý thức, bất tỉnh
Tùy theo từng trường hợp (tuổi, giới tính, vị trí bị tổn thương, bệnh lý đi kèm) mà bệnh nhân sẽ có triệu chứng nhồi máu cơ tim khác nhau, thay đổi theo từng người.
Người bệnh tiểu đường, người lớn tuổi có nguy cơ diễn biến thầm lặng bệnh nhồi máu cơ tim, đây là một trường hợp cực kỳ nguy hiểm. Bệnh nhân không có triệu chứng nhồi máu cơ tim rõ ràng, nhưng lại cơ thể lại mệt mỏi, dễ dàng kiệt sức mà không rõ nguyên nhân.
3. Khi có triệu chứng nhồi máu cơ tim, người bệnh nên làm gì?
Khi xuất hiện những triệu chứng nhồi máu cơ tim như đã nêu trên, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao về bệnh tim mạch, cần ngay lập tức đến các bệnh viện hoặc các đơn vị y tế chuyên về can thiệp tim mạch để tiến hành kiểm tra và các xét nghiệm chẩn đoán quan trọng như siêu âm tim, điện tâm đồ và xét nghiệm men tim.
Với những bệnh nhân đã được xác định mắc nhồi máu cơ tim, họ cần được điều trị tại các bệnh viện, đơn vị y tế chuyên môn cao về tim mạch. Đối thủ quan trọng nhất của bác sĩ trong cấp cứu và điều trị nhồi máu cơ tim chính là thời gian, giải quyết vấn đề tắc nghẽn mạch máu càng sớm, quá trình điều trị càng hiệu quả, càng giảm nhẹ nguy cơ xuất hiện biến chứng nguy hiểm.
Các đối tượng dễ mắc nhồi máu cơ tim cần phải theo dõi sức khoẻ sát sao và thực hiện tầm soát chẩn đoán bệnh ngay khi xuất hiện các triệu chứng cảnh báo nguy cơ.
4. Khám và chẩn đoán, điều trị nhồi máu cơ tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tự hào là địa chỉ thăm khám, tầm soát, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tim mạch hàng đầu với đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế chuyên môn cao, cơ sở vật, trang thiết bị tiên tiến hiện đại, chuẩn y khoa.
Hiện nay, ngoài chuyên khám, tầm soát và chẩn đoán các bệnh lý về tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc triển khai phương pháp Điều trị tiêu sợi huyết áp dụng với đối tượng bệnh nhân nhồi máu cơ tim có chỉ định. Đây là kỹ thuật dựa trên cơ sở dùng thuốc phá vỡ các cục máu đông hình thành trong các mạch máu. Phương pháp được các Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa tim mạch - Bác sĩ Lương Võ Quang Đăng - Bác sĩ Nội tim mạch, Trưởng khoa Khám bệnh, nội khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, với nhiều kinh nghiệm thực hiện với tỷ lệ thành công và an toàn cao (>95%), cứu chữa được nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp nguy hiểm đến tính mạng.
Bên cạnh đó, việc thường xuyên thăm khám, điều trị nội khoa theo ý kiến Bác sĩ cũng là việc người bệnh nên làm để giảm thiểu tỷ lệ tử vong cũng như các biến chứng về sau.