Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nội tổng hợp - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Bệnh thấp tim làm tổn thương, gây viêm cơ tim, viêm màng trong tim, có thể để lại di chứng nặng nề như tàn phế hoặc thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân. Vì vậy, việc nhận biết sớm triệu chứng và có biện pháp can thiệp điều trị bệnh thấp tim kịp thời là vô cùng quan trọng.
1. Bệnh thấp tim là gì?
Thấp tim còn được gọi là bệnh thấp khớp cấp hoặc sốt thấp khớp, là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân. Đây là một thể lâm sàng của bệnh tự miễn dịch, tức là cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại chính các cơ quan, tổ chức trên cơ thể. Bệnh xảy ra sau một hoặc nhiều đợt viêm họng hoặc viêm da, viêm xoang, viêm amidan do liên cầu tan huyết nhóm A. Ở Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh thấp khớp tim ở trẻ dưới 16 tuổi là 0,45%.
Biểu hiện của bệnh là một hội chứng bao gồm viêm đa khớp, viêm tim, ban đỏ vòng, xuất hiện hạt dưới da,... Bệnh thấp tim có thể gây ra nhiều biến chứng và di chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi đó, bệnh dễ gây ra những tổn thương ở van tim gây hẹp van, hở van hoặc hẹp hở van tim. Ngoài ra, các biến chứng khác của bệnh gồm viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy tim và biến chứng ở não, thận,...
2. Triệu chứng bệnh thấp tim
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Biểu hiện lâm sàng của bệnh thấp tim thường xảy ra sau 2 - 4 tuần hoặc lâu hơn kể từ khi người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm A. Các triệu chứng bệnh có thể xuất hiện độc lập hoặc phối hợp với nhau. Cụ thể:
- Viêm họng: Thường gặp trước đó 1-2 tuần. Trên toàn thân, người bệnh có triệu chứng sốt nhẹ hoặc sốt cao 38 - 40°C, mệt mỏi, chán ăn, có thể kèm ho, đau ngực,...;
- Tại khớp, ở thể điển hình: Có biểu hiện viêm khớp gồm sưng, nóng, đỏ, đau tại khớp và vận động hạn chế. Bệnh nhân thường bị viêm đa khớp và viêm ở các khớp lớn. Đặc biệt là triệu chứng viêm khớp có tính chuyển tiếp, khi khớp này giảm đau sưng thì xuất hiện viêm đau ở khớp khác. Thời gian viêm của mỗi khớp thường kéo dài 3 - 7 ngày, tối đa không quá 1 tháng;
- Viêm cơ tim: Là tổn thương thường gặp nhất trong bệnh thấp tim với biểu hiện đau ngực vùng trước tim, loạn nhịp tim, tim đập nhanh, cơ thể mệt mỏi, da xanh tái,... Ở người bị viêm cơ tim nặng, có thể có triệu chứng suy tim cấp với biểu hiện khó thở, niêm mạc tím tái, phù, tiểu ít,... dễ tử vong;
- Viêm nội tâm mạc (viêm màng trong tim): Nếu không điều trị bệnh thấp tim kịp thời và tích cực, sau khi bị viêm cơ tim khoảng vài tuần, bệnh nhân có thể bị viêm nội tâm mạc. Tình trạng này dễ dẫn đến các di chứng van tim như hở van 2 lá, hẹp van 2 lá và hở van động mạch chủ;
- Viêm màng ngoài tim: Ít gặp, thường xuyên bị tràn dịch với lượng ít, nếu dùng thuốc corticoid sẽ giảm dịch tràn và sau khi khỏi sẽ không để lại di chứng. Triệu chứng viêm màng ngoài tim gồm đau ngực, khó thở, mạch nhanh nhỏ,...;
- Viêm tim toàn bộ: Là tổn thương viêm xảy ra ở cơ tim, màng trong và màng ngoài tim. Viêm tim toàn bộ hay gặp ở trẻ dưới 7 tuổi, nếu không được điều trị sớm và tích cực bệnh có thể dẫn đến suy tim nặng và tử vong nhanh;
- Nổi hạt Meynet trên da: Là hạt cứng to bằng hạt đỗ hoặc hạt ngô, sờ vào không đau, phân bố quanh khớp hoặc dọc cột sống, tồn tại từ 1 - 2 tuần đến 1 - 2 tháng rồi biến mất;
- Ban vòng và hồng ban trên da, xếp thành quầng với đường kính viền 1 - 2mm, hay gặp ở mạn sườn, thân, gốc chi và không có ở mặt; thường biến mất sau vài ngày;
- Triệu chứng ở thần kinh: Múa vờn múa giật là các vận động nhanh không tự chủ, tăng khi xúc động và mất khi ngủ hoặc khi tập trung làm một việc khác. Múa giật có thể xuất hiện ở chi, nửa người hoặc toàn thân, có thể hết sau 4 - 6 tuần;
- Triệu chứng khác: Viêm phổi, viêm gan cấp tính, viêm cầu thận và các tổn thương mạch máu,...
2.2 Triệu chứng cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu: Công thức máu thấy bạch cầu tăng, máu lắng tăng; sợi huyết tăng, Protein C tăng, Antistreptolysin O tăng cao > 200 đơn vị Todd. Các chỉ số này tăng nhiều sau khi nhiễm liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A sau 2 tuần, kéo dài khoảng 3 - 5 tuần rồi giảm dần;
- Chụp tim phổi: Thấy tim to, rốn phổi đậm,...;
- Điện tâm đồ: Hay gặp bloc nhĩ - thất cấp I, có thể gặp bloc nhĩ - thất cấp II và III, nhịp nhanh xoang, ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ,...;
- Siêu âm tim: Hình ảnh HoHL, HoC và có thể có dịch màng tim,...
3. Cách chữa bệnh thấp tim
3.1 Nguyên tắc điều trị
- Điều trị triệu chứng của bệnh thấp tim;
- Điều trị nguyên nhân gây bệnh thấp tim;
- Phòng bệnh thấp tim tái phát.
3.2 Điều trị cụ thể
Điều trị đợt thấp tim gồm: nghỉ ngơi, sử dụng thuốc kháng sinh, chống viêm và điều trị triệu chứng. Cụ thể là:
- Nghỉ ngơi:
- Người không bị viêm tim có thể nghỉ trên giường 2 tuần và đi lại trong phòng ở 2 tuần;
- Người bị viêm tim, tim không to nên nghỉ ngơi trên giường 4 tuần và đi lại trong phòng ở 4 tuần;
- Người bị viêm tim, tim to nên nghỉ ngơi trên giường 6 tuần và đi lại trong phòng ở 6 tuần;
- Người bị viêm tim, suy tim nên nghỉ ngơi trên giường tới khi hết suy tim và nghỉ ngơi, đi lại trong phòng ở thêm 3 tháng;
- Sử dụng kháng sinh: Có thể tiêm Benzathine Penicillin hoặc uống Penicillin V hay uống Erythromycin theo liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ điều trị;
- Chống viêm: Dùng thuốc theo mức độ bệnh: Người chỉ có viêm đa khớp có thể sử dụng Aspirin với liều lượng phù hợp; bệnh nhân chỉ có viêm tim thì dùng Prednisolon với liều lượng thích hợp. Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm tim và khớp thì cần phối hợp 2 loại thuốc trên theo chỉ định của bác sĩ;
- Điều trị triệu chứng: Sử dụng các loại thuốc trợ tim (Digoxin), lợi tiểu (Furosemid), giãn mạch (coversyl, renitec, hoặc captopril), trị múa vờn (Phenobarbital, Haloperidol, Clopromazin) với liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
4. Chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh thấp tim
Bên cạnh việc tuân thủ đúng các nguyên tắc điều trị bệnh thấp tim, người thân cần chú ý chăm sóc bệnh nhân đúng cách để sớm phục hồi sức khỏe. Một số lưu ý quan trọng gồm:
- Nếu bệnh nhân bị khó thở, tím tái, phù do suy tim, đặc biệt là sau khi hoạt động gắng sức như đi cầu thang, lao động chân tay,... cần báo ngay cho bác sĩ và để bệnh nhân nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường để giảm nhu cầu về oxy và dinh dưỡng của cơ thể;
- Cho bệnh nhân ăn nhẹ và ăn các loại thức ăn dễ tiêu như sữa, cá. Nên cho bệnh nhân ăn nhạt và hạn chế uống nước;
- Phòng nghỉ của người bệnh phải yên tĩnh, thoáng mát và có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt;
- Với trẻ bị bệnh thấp tim, có thể để trẻ nằm ở tư thế Fowler (nửa nằm nửa ngồi) trong trường hợp khó thở, niêm mạc tím tại nhiều để giảm lượng máu ứ đọng ở phổi;
- Trong suốt thời gian dùng thuốc lợi tiểu và Digoxin nên cho bệnh nhân ăn nhiều hoa quả giàu kali;
- Nên cho bệnh nhân bị đau tức ngực do viêm tim nghỉ ngơi tuyệt đối tại giường;
- Nếu bệnh nhân bị đau mỏi khớp, sưng, nóng, đỏ do viêm khớp, vận động khó khăn hoặc theo yêu cầu của bác sĩ thì cần cho nằm nghỉ ngơi ở tư thế chùng cơ, giảm căng bao khớp và hạn chế vận động khớp ở mức thấp nhất. Người bệnh nên được hướng dẫn cách đi lại, vận động để giảm đau;
- Người bệnh cần kiên trì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ gồm thuốc chống viêm, vitamin nhóm B (B1, B6, B12), thuốc an thần, kháng histamin;
- Nếu bệnh nhân bị sốt, đau họng do viêm ở họng hoặc amidan cần theo dõi thường xuyên bằng cách đo thân nhiệt. Cần dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt tăng trên 38,5°C. Đồng thời, người bệnh cần thường xuyên vệ sinh răng miệng, tránh nhiễm lạnh và ăn uống đủ chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể;
- Điều trị dự phòng bệnh tái phát bằng cách tiêm phòng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
Khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phương pháp thì bệnh thấp tim có thể khỏi hoàn toàn. Trong trường hợp phát hiện bệnh muộn và điều trị không đúng thì dễ dẫn đến suy tim nặng, thậm chí là tử vong. Vì vậy, khi có triệu chứng cảnh báo bệnh thấp tim, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.